Ra tay nghìn tỷ, đại gia bí ẩn thâu tóm ngân hàng 1 thời của bầu Thắng
Chỉ trong thời gian ngắn cả trăm triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 40% vốn hóa của ngân hàng được trao tay, trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều khả năng đại gia bí ẩn, ông chủ mới sẽ xuất hiện tại đại hội cổ đông sắp tới.
Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, khoảng 40% lượng cổ phiếu KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long - KienLongBank đã được trao tay trong vòng khoảng 1 tháng qua, trị giá tổng cộng khoảng gần 1.800 tỷ đồng.
Đây là diễn biến đáng chú ý trong bối cảnh ngân hàng này sắp đại hội cổ đông bất thường và là nguyên nhân giúp cổ phiếu KLB tăng mạnh từ mức khoảng 10.000 đồng/cp lên mức 13.000 đồng/cp như hiện tại.
Tới thời điểm này, chưa có thông tin về người mua người bán nhưng đây là dấu hiệu chứng tỏ ngân hàng có quy mô vốn thấp nhất ngành ngân hàng đang chuyển mình và có thể có thay đổi về cơ cấu cổ đông, chiến lược cũng như sự bứt phá đi lên trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng khác đang phát triển mạnh mẽ, ghi nhận lợi nhuận nhiều nghìn tỷ đồng.
Nhiều khả năng đại gia bí ẩn đổ tiền vào KienLongBank sẽ xuất hiện ngay vào đầu năm mới.
KienLongBank là ngân hàng gắn nhiều với tên tuổi của doanh nhân Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng). Tuy nhiên, hồi 2018, Bầu Thắng đã bất ngờ chọn Đồng Tâm Group chứ không phải chủ tịch KienLongBank để đáp ứng các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, theo đó chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng không được làm thành viên HĐQT ở các doanh nghiệp khác.
Con trai Bầu Thắng là Võ Quốc Lợi hiện là cổ đông nắm giữ 4,74% cổ phần KienLongBank.
Những giao dịch bí ẩn tại KienLongBank diễn ra trong bối cảnh ông Võ Quốc Lợi vừa kết hôn với Đào Thụy Phương Thảo, con gái Chúa đảo Tuần Châu - Đào Hồng Tuyển hồi đầu tháng 11.
Theo kế hoạch, ĐHĐCĐ bất thường của KienLongBank sẽ diễn ra vào tháng 1/2021, dự kiến bầu thêm tối đa 2 thành viên HĐQT.
KienLongBank được thành lập vào năm 1995 tại Kiên Giang, với tên gọi ban đầu là Ngân hàng TMCP Nông thôn Kiên Long và vốn điều lệ khởi điểm là 1,2 tỷ đồng. Năm 2006, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Kiên Long qua việc chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên thành thị. Vốn được tăng mạnh từ mức 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trong năm 2010. Từ đó tới nay, số vốn gần như không thay đổi.
KienLongBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng giảm 39% xuống còn 145 tỷ đồng, tương đương 15% kế hoạch năm. Nợ xấu tăng 5,5 lần lên 2.240 tỷ đồng, phần lớn là từ các khoản cho vay với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB của Sacombank. Ngân hàng này kỳ vọng sẽ xử lý các khoản vay này trong 2020 và đây là lý do chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng tăng cao trong năm nay.
Đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng hứa hẹn nhiều cơ hội nhưng cũng không hề dễ dàng. Không ít người đã ngậm đắng khi vào lĩnh vực này như ông Lê Hùng Dũng với Eximbank, ông Đặng Thành Tâm với Westernbank, ông Trầm Bê với SouthernBank và Sacombank,...
Trước đó, Bầu Đức cũng đã từng thở phào nhẹ nhõm vì không “dính” vào “hàng nóng” ngân hàng, không chạy theo “mốt” đầu tư vào ngân hàng.
Bầu Thắng bất ngờ ngồi vào chiếc ghế chủ tịch HĐQT KienLongBank từ 2013 ở vào thời điểm ngân hàng này vẫn được xem là “bom nổ chậm” bởi những khoản nợ xấu khủng. Thời gian đầu, khi Bầu Thắng nắm giữ vị trí cao nhất tại KienLongBank, ngân hàng này không có tên trong danh sách các ngân hàng yếu kém nhất. Nhưng từ nửa cuối 2016, tình hình bắt đầu thay đổi. KienLongBank thua lỗ và nợ xấu tăng.
Giới đầu tư kỳ vọng ngân hàng này sẽ có thay đổi nhờ cổ đông mới.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 25/11, chỉ số VN-Index tăng nhẹ lên sát 1.000 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index sẽ tiếp tục có diễn biến rung lắc, giằng co bên dưới ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.000 điểm trong một vài phiên kế tiếp. BVSC vẫn duy trì quản điểm cho rằng, vùng cản quanh 1.000 điểm có thể sẽ tạo ra áp lực điều chỉnh cho thị trường trong ngắn hạn. Diễn biến thị trường sẽ có sự giằng co và phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Dòng tiền sẽ bắt đầu có sự luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều để tìm kiếm lợi nhuận khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn neo ở các vùng giá cao.
Về tổng thế, xu hướng thị trường vẫn được đánh giá tích cực trong những tháng cuối năm với sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền nội và sự trở lại mua ròng của khối ngoại. Do đó, các nhịp điều chỉnh của thị trường vẫn là được xem là các nhịp “nghỉ” cần thiết để giúp chỉ số tiếp tục hướng đến các mức cao mới trong thời gian tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/11, VN-Index tăng 1,57 điểm lên 995,76 điểm; HNX-Index giảm 0,599 điểm xuống 147,58 điểm. Upcom-Index tăng 0,07 điểm lên 66,76 điểm. Thanh khoản đạt 13,9 nghìn tỷ đồng.