Ra 'tối hậu thư' cấm thầu nếu không sửa chữa 'ổ gà' QL19
Đoạn qua địa phận xã Hà Tam (huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai), tuyến QL19 xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường đường bị sụp, lún thành các 'ổ gà, ổ voi' gây nguy hiểm cho người và phương tiện.
Theo ghi nhận tại đoạn tuyến, hiện có rất nhiều điểm bị hư hỏng nghiêm trọng, đường bị sụp lún thành các "ổ gà, ổ voi" lối dài liên tiếp trên bề mặt đường nhựa. Nhiều điểm đang được đơn vị chức năng xử lý tạm bợ, vá vộ chàng chịt theo kiểu đổ đất đá tràn đầy vào các hố sâu trên mặt đường khiến cả đoạn đường rở thành những điểm lồi, lõm nham nhở đầy nguy hiểm.
Ông Nguyễn Công Thư - Chủ tịch UBND xã Hà Tam cho biết, xã đã báo cáo lên UBND huyện và cũng nhiều lần gọi cho đơn vị quản lý tuyến đường này để phản ánh sự việc. Ông Thư khá bức xúc khi chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đoạn đường này, trong đó có cán bộ của xã bị ngã trầy xước hết cả mặt. Nhiều nơi khác do đường hỏng, nước tràn cả vào nhà dân.
“Trong quá trình lưu thông, người dân thường bị sập hố tai nạn, nhất là khi trời mưa, các hố gà bị ứ đầy nước, gây khó khăn trong đi lại của người dân và các phương tiện, có một số trường hợp tự ngã, gây thương tích. Tôi đã kiến nghị các cấp, ngành làm sao sớm quan tâm khắc phục mặt đường tuyến QL19”, ông Thư nói.
Ông Huỳnh Kim Hải trú thôn 5 (xã Hà Tam, huyện Đắk Pơ) buồn bã chia sẻ “Đường hư hỏng liên khúc luôn chứ không phải vào thời điểm này nọ, mặt đường là cả một bãi hố bom bi chứ không còn ổ voi, ổ gà nữa. Trời mưa không biết đường nào mà né luôn. Đoạn đường này tôi thấy họ vừa đổ đất đá, sửa vá cách đây khoảng 15 ngày giờ đã trở thành như này thôi bó tay. Ban đêm khỏi dám đi luôn, xe ô tô thì sụt hố gầm rút inh ỏi, xe mày thì chỉ có khóc ròng…” ông Hải nói.
Người dân ở đoạn tuyến đã nhiều lần bảo nhau chở đất, đá lấp tạm các hố để tránh nguy hiểm. Tuy nhiên, do lưu lượng phương tiên lưu thông qua đây quá nhiều chỉ vài hôm là hỏng trở lại.
Anh Lê Tấn Sơn ở thôn 1 (xã Hà Tam, huyện Đắk Pơ) cho hay: “Tôi cũng là người dân ở đây, đồng thời cũng là tài xế nhưng mà tôi thấy đoạn đường QL19 hư quá trầm trọng. Khi lưu thong qua đoạn này rất nguy hiểm, nhất là đối với lái xe lạ mà đi qua đoạn này thì rất vất vả và nguy hiểm”.
Trước sự việc, ông Nguyễn Danh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 3.4 (đơn vị quản lý tuyến đường, trụ sở tại TP. Kon Tum - thuộc Cục Quản lý đường bộ III) cho biết: “Sau khi phát hiện sự việc Chi cục đã đi kiểm tra và có văn bản báo cáo cấp trên. Hiện đơn vị tiếp tục phối hợp với đoàn của cấp trên đi kiểm tra hiện trường để có đánh giá, tham mưu hướng xử lý phù hợp".
Theo đó, Cục Quản lý Đường bộ III đã có công điện yêu cầu khẩn trương thực hiện trách nhiệm sửa chữa đoạn tuyến Km90 – Km 108, QL19 trong thời gian bảo hành dự án, đoạn qua huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai.
Bên cạnh đó, Cục quản lý đường bộ III ra "tối hậu thư", nếu các nhà thầu không vá sửa đường hư hỏng sẽ bị báo cáo, không cho tham gia đấu thầu các dự án sửa chữa đường bộ. Quá trình khắc phục, tuyệt đối không để xảy ra mất an toàn giao thông, vừa vá sửa xong lại hư hỏng gây bức xúc dư luận xã hội.
Theo đó, Cục yêu cầu Chi cục Quản lý đường bộ III.4, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Trường Thành và các đơn vị thi công gồm: Liên doanh Công ty Đầu tư phát triển và Xây dựng công trình 208, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Minh, Công ty Xây dựng và Thương mại Nhật Hào; Liên doanh Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai, Công ty cổ phẩn Tư vấn và Xây dựng Đông Phong, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình Tây An khẩn trương thực hiện trách nhiệm sửa chữa đoạn tuyến hư hỏng.
Ông Đỗ Huy Thành, Phó Cục trưởng Cục QLĐB III, nêu quan điểm, “Tuyệt đối không để tiếp tục xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông, vừa vá sửa xong lại hư hỏng trở lại gây bức xúc dư luận xã hội. Nếu để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến, tai nạn giao thông xảy ra do công tác vá sửa không kịp thời, các nhà thầu thi công hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Theo yêu cầu của Cục, đến ngày 27/10, nếu nhà thầu nào không thực hiện triển khai vá sửa, Cục sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền không cho tham gia đấu thầu các dự án sửa chữa đường bộ theo quy định. Đồng thời sẽ sử dụng tiền bảo hành của dự án để hợp đồng với nhà thầu khác đảm nhận công tác sửa chữa và được khấu trừ vào tiền bảo hành của nhà thầu.
Chi cục Quản lý Đường bộ III.4, đơn vị tư vấn giám sát có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và giám sát chất lượng các nhà thầu thi công sửa chữa, khắc phục triệt để các hư hỏng trên tuyến nhằm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và bảo cáo kết quả về Cục.
Tuy nhiên đến hôm nay, 4/11 tình trạng này vẫn kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến các phương tiện tham gia giao thông và người dân địa phương tại đây, gây nguy hiểm cho người đi đường. Trong khi, QL19 là tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với miền Trung và cảng biển Quy Nhơn.