Rắc rối nối tiếp, các kệ hàng tại Mỹ lại trống trơn
Các cửa hàng tạp hóa Mỹ đang chật vật lấp đầy những kệ hàng bởi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và thời tiết khắc nghiệt. Người tiêu dùng cũng phải đối mặt với giá tăng vọt.
Theo CNN, những cửa hàng tạp hóa Mỹ phải chật vật lấp đầy các kệ hàng. Nguyên nhân là tình trạng chậm trễ trong chuỗi cung ứng và thiếu hụt nhân viên. Giờ đây, những cửa hàng này tiếp tục đối mặt với cơn bão tuyết có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.
Thời tiết khắc nghiệt có thể giáng thêm đòn vào thị trường Mỹ. Theo giáo sư Miguel Gomez, Robert G. Tobin tại Trường Kinh tế Ứng dụng Dyson của Đại học Cornell, thời tiết khắc nghiệt sẽ thúc đẩy người tiêu dùng tích trữ hàng hóa.
“Những cơn bão mùa đông này sẽ giáng thêm đòn vào chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng. Tôi cho rằng người tiêu dùng có thể đối mặt với tình trạng hết hàng đối với một số hàng tạp hóa”, ông cảnh báo.
Kệ hàng trống rỗng
Trong những ngày gần đây, hàng loạt người tiêu dùng trên khắp nước Mỹ đã bày tỏ nỗi thất vọng trên mạng xã hội. Họ đăng tải hình ảnh những kệ hàng trống trơn tại các cơ sở của Trader Joe's, Giant Foods và Publix.
Hôm 9/1, cô Miah Daughtery đã đăng tải lên Twitter hình ảnh những kệ hàng trống trơn ở cơ sở của Trader Joe's tại Bethesda (bang Maryland, Mỹ). “Bây giờ là 4h chiều. Cửa hàng thường đầy ắp hàng hóa vào thời điểm đó”, cô viết.
Cô Daughtery ngạc nhiên đến mức hỏi các nhân viên xem liệu có phải cửa hàng đang đóng cửa hay không. Cửa hàng giải thích rằng nguồn cung hàng hóa thấp do xe tải giao hàng không thể di chuyển vì cơn bão tuyết vào cuối tuần trước.
“Không có một quả trứng nào ở cửa hàng, không trái cây tươi hay tỏi”, cô Daughtery kể lại. Hôm 13/1, cô đến một cửa hàng Giant Food gần đó. “Tôi không thể mua được gà xay và mọi sản phẩm làm từ sữa”, cô Daughtery than thở.
Theo số liệu mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường IRI, các chuỗi siêu thị trên khắp nước Mỹ hiện phải đối phó với tình trạng nguồn cung thực phẩm, hàng gia dụng bị thắt chặt.
Theo IRI, các cửa hàng tạp hóa thường dự trữ 90-95% đối với mọi loại sản phẩm. Nếu tỷ lệ này giảm xuống dưới 90%, những kệ hàng sẽ không được lấp đầy.
Nhưng trong tuần 3-9/1, tỷ lệ dự trữ thịt đông lạnh giảm xuống dưới 90%, bánh nướng đông lạnh ở mức 69%, còn bánh quy và đồ ăn sáng đều thấp hơn 90%.
Khi nguồn cung hàng cạn kiệt, người tiêu dùng phải chấp nhận mức giá cao hơn. Teresa Hinke, một người tiêu dùng ở bang New Jersey, bày tỏ sự thất vọng với những kệ hàng trống trơn và giá tăng lên chóng mặt.
“Tôi ghé vào cửa hàng Wegmans và bị sốc”, cô kể lại. Cô Hinke không thể mua được hải sản tươi sống như mong muốn. “Món bít tết sườn có giá hơn 25 USD và sò điệp là 32,99 USD/pound (1 pound bằng 0,453 kg)”, cô than thở.
Giá trên trời
Theo dữ liệu mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 của Mỹ đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng 40 năm qua, kể từ tháng 6/1982.
Lạm phát tăng cao làm gia tăng chi phí hộ gia đình, ăn mòn tiền lương, gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, thước đo lạm phát lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - cũng tăng 5,5% trong tháng 12, đánh dấu mức kỷ lục trong vòng nhiều thập kỷ.
Hôm 14/1, Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ doanh số bán lẻ trong tháng 12 của nền kinh tế hàng đầu thế giới đã lao dốc nhiều hơn dự báo của giới quan sát. Nguyên nhân là biến thể virus và giá cả leo thang.
Doanh số bán lẻ trong tháng 12 tại Mỹ đã lao dốc 1,9% so với tháng liền trước. Mức giảm được Dow Jones dự báo chỉ là 0,1%. Nếu loại trừ doanh số bán ôtô, doanh số bán hàng lao dốc 2,3%, vượt xa mức dự báo 0,3%.
Thời tiết khắc nghiệt thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Sau đó, chúng ta sẽ vượt qua. Nhưng biến thể Omicron, tình trạng gián đoạn và thời tiết khắc nghiệt đã khiến những vấn đề của chuỗi cung ứng trở nên phức tạp hơn
Ông Doug Baker, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm
Ngoài những con số đáng thất vọng trong tháng 12, mức tăng doanh số bán lẻ của tháng 11 cũng được điều chỉnh từ 0,3% ở báo cáo ban đầu xuống còn 0,2%.
“Thời tiết khắc nghiệt thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Sau đó, chúng ta sẽ vượt qua”, ông Doug Baker - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm - bình luận.
“Nhưng biến thể Omicron, tình trạng gián đoạn và thời tiết khắc nghiệt đã khiến những vấn đề của chuỗi cung ứng trở nên phức tạp hơn”, ông nhận định. Tình hình có thể ngày càng nghiêm trọng khi khách hàng đổ xô tích trữ hàng hóa.
Cô Daughtery cho biết sẽ không tích trữ hàng hóa. Thay vào đó, cô sáng tạo những món ăn mới bằng các nguyên liệu có sẵn.
Cô dự định ghé qua các chợ nông sản địa phương để mua những mặt hàng tươi sống không có ở Trader Joe’s. “Tôi vẫn còn khá may mắn. Nhưng những người hàng xóm lớn tuổi của tôi có thể gặp khó khăn hơn”, cô chia sẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/rac-roi-noi-tiep-cac-ke-hang-tai-my-lai-trong-tron-post1290036.html