Rắc rối từ hạn sử dụng thực phẩm
Không có tiêu chuẩn chung về hạn sử dụng thực phẩm, rất nhiều thực phẩm tốt bị loại bỏ vì hiểu nhầm hạn sử dụng... Tất cả gây lãng phí và làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Liên hiệp quốc ước tính, thất thoát và lãng phí lương thực toàn cầu chiếm 8%-10% tổng ô nhiễm khí nhà kính.
Tiêu dùng thông minh
Theo Washington Post, bà Dana Gunders, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận chống lãng phí thực phẩm ReFED, nói: “Có rất nhiều sự nhầm lẫn giữa cả người tiêu dùng và những người làm việc trong ngành thực phẩm về hạn sử dụng”. Sự nhầm lẫn này không chỉ khiến người mua hàng hiểu sai, mà còn có nghĩa rất nhiều thực phẩm tốt còn sử dụng được sẽ bị lãng phí.
Một số thành viên của Quốc hội Mỹ đang cố gắng thay đổi luật để góp phần giảm khí thải từ thực phẩm dư thừa. Họ vừa giới thiệu lại một dự luật từng được đưa ra trình Quốc hội năm 2021, tên gọi Đạo luật ghi hạn sử dụng thực phẩm. Theo đó, tiêu chuẩn hóa nhãn ghi ngày trên thực phẩm, không bắt buộc ghi hạn sử dụng trên nhiều loại thực phẩm mà thay bằng cách hướng dẫn bảo quản thực phẩm an toàn.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, hầu hết hạn sử dụng mà người tiêu dùng nhìn thấy trên các mặt hàng thực phẩm là để đảm bảo độ tươi chứ không phải an toàn. Một sản phẩm đã quá hạn sử dụng có thể không ngon bằng đồ mới được bày bán trên kệ nhưng vẫn hoàn toàn tốt cho sức khỏe khi ăn.
Hiện tại, ngoại trừ sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh cần thiết phải ghi hạn sử dụng, Mỹ thiếu bộ tiêu chuẩn quốc gia về ngày hết hạn của thực phẩm mà nhiều quốc gia đang khác có.
Theo các chuyên gia, việc không có luật liên bang đã dẫn đến một loạt các luật mâu thuẫn giữa các bang, với việc nhà sản xuất, trong nhiều trường hợp, ghi bất kỳ ngày tháng và cụm từ nào họ muốn lên sản phẩm của mình. Ngay từ bây giờ, chúng ta tập từ bỏ thói quen vứt bỏ những món đồ hết hạn sử dụng nhưng vẫn còn nguyên vẹn vì quá cẩn trọng. Thực phẩm sắp hết hạn sử dụng cũng có thể đưa vào tủ đông để giữ được lâu hơn vì tủ đông giống như một nút tạm dừng thần kỳ, cho phép giữ được hương vị và để được lâu hơn nhiều so với bình thường.
Thực tế, lượng khí thải hàng năm của thực phẩm thối rữa ở Mỹ xấp xỉ bằng lượng phát thải của 42 nhà máy điện đốt than. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc, thất thoát và lãng phí lương thực toàn cầu chiếm 8%-10% tổng ô nhiễm khí nhà kính. Bà Emily Broad Leib, giáo sư Trường Luật Harvard, nhìn nhận ngành sản xuất và người tiêu dùng phải là những người đóng vai trò quan trọng góp phần giảm khí thải carbon thông qua tiêu dùng thông minh.
Những con số không nhỏ
Jeffrey Costantino, người phát ngôn của ReFED, cho biết hạn sử dụng thực phẩm thực sự không có tiêu chuẩn nào. Sự nhầm lẫn của người tiêu dùng có thói quen vứt bỏ thực phẩm do quá hạn sử dụng có thể gây thiệt hại cho khí hậu và ngân sách hộ gia đình. Khoảng 1/3 nguồn cung cấp thực phẩm của Mỹ, tương đương 80 triệu tấn, bị bỏ đi theo ước tính gần đây của ReFED. Nhóm cũng nhận thấy thực phẩm bị lãng phí có thể phục vụ cho khoảng 149 tỷ bữa ăn, sử dụng gần 1/4 nguồn nước ngọt và 16% diện tích đất trồng trọt của Mỹ, chiếm 6% tổng lượng khí thải nhà kính của Mỹ.
Theo ước tính của ông Zach Conrad, trợ lý giáo sư về hệ thống thực phẩm tại Đại học William & Mary, trung bình, mỗi người Mỹ lãng phí 1.300 USD thực phẩm mỗi năm.
Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), sự nhầm lẫn của người tiêu dùng xung quanh hạn sử dụng có thể là nguyên nhân gây ra khoảng 20% lượng thực phẩm bị lãng phí tại nhà, gây thiệt hại ước tính 161 tỷ USD mỗi năm. Còn theo tổ chức hành động khí hậu Wrap, trên khắp Liên minh châu Âu (EU), 88 triệu tấn thực phẩm bỏ đi mỗi năm do bị cho là quá hạn sử dụng.
Tại Anh, Waitrose đã trở thành một trong các siêu thị đầu tiên loại bỏ câu “sử dụng tốt nhất trước ngày....” trong nỗ lực giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm. Bà Marija Rompani, Giám đốc phụ trách phát triển bền vững và đạo đức tại John Lewis Partnership, công ty sở hữu Waitrose, cho biết: "Bằng cách loại bỏ hạn sử dụng tốt nhất khỏi các sản phẩm, chúng tôi muốn khách hàng của mình sử dụng phán đoán của riêng họ để quyết định xem một sản phẩm có còn ăn được hay không, tăng cơ hội sử dụng sản phẩm và không bị lãng phí”.
Theo các nhà nghiên cứu, không ai thích vứt bỏ thức ăn và mọi người cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn để đảm bảo họ có thể cắt giảm việc lãng phí thực phẩm. Hiện nay, luôn có sẵn các công cụ trực tuyến để giúp mọi người tra cứu độ an toàn của thực phẩm như FoodKeeper, một ứng dụng do Bộ Nông nghiệp Mỹ phát triển, cho phép người dùng tra cứu khoảng thời gian lưu trữ thực phẩm.
Sổ tay nhà bếp không rác thải của Dana Gunders, người tiên phong trong lĩnh vực xử lý rác thải thực phẩm ở Mỹ, đưa ra lời khuyên thực tế chi tiết, chẳng hạn như cạo vài centimet bên dưới nấm mốc xanh lam trên pho mát cứng để phục hồi phần còn lại một cách an toàn. Khuyến nghị của các nhà nghiên cứu là nên ăn thực phẩm trong vòng 3-5 ngày và hâm nóng thật kỹ lên trên 750C.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/rac-roi-tu-han-su-dung-thuc-pham-post690627.html