Rác thải nhựa trên đại dương có thể tăng gần 3 lần vào năm 2040
Một nghiên cứu công bố ngày 8/3 nhận định, rác thải nhựa đổ ra các đại dương trên thế giới đã tăng lên với số lượng 'chưa từng có' kể từ năm 2005. Tình trạng ô nhiễm nhựa sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu không có biện pháp ngăn chặn.
Reuters đưa tin, theo một nghiên cứu do tổ chức 5 Gyres Institute (Mỹ) thực hiện, tình trạng ô nhiễm nhựa trên đại dương có thể tăng gấp 2,6 lần vào năm 2040 nếu các chính sách ràng buộc về mặt pháp lý trên toàn cầu không được đưa ra. Tổ chức này ước tính, đã có khoảng 171 nghìn tỷ hạt nhựa trôi nổi trên các đại dương vào năm 2019.
Nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về ô nhiễm nhựa ở cấp độ bề mặt từ 11.777 trạm đại dương ở 6 vùng biển chính trong giai đoạn từ năm 1979 đến năm 2019.
“Chúng tôi nhận thấy xu hướng đáng báo động về sự gia tăng theo cấp số nhân các hạt vi nhựa trong đại dương trên toàn cầu trong thập kỷ này”, TS. Marcus Eriksen, đồng sáng lập của 5 Gyres Group cho biết trong một tuyên bố.
“Chúng ta cần một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ và ràng buộc về mặt pháp lý của Liên Hợp Quốc về xử lý ô nhiễm nhựa, để ngăn chặn vấn đề này từ nguồn gốc”, ông nhấn mạnh.
Hạt vi nhựa vô cùng nguy hiểm đối với các đại dương. Chúng không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn làm hỏng nội tạng của các sinh vật biển khi chúng nhầm các đồ vật nhựa là thức ăn.
Các chuyên gia cho biết, nghiên cứu cho thấy mức độ ô nhiễm nhựa trên các đại dương đang bị đánh giá thấp. TS. Paul Harvey, nhà khoa học kiêm chuyên gia về nhựa của Công ty tư vấn Giải pháp Khoa học Môi trường của Australia, cho biết “những con số trong nghiên cứu mới này thật đáng kinh ngạc và không thể tưởng tượng nổi".
Hồi tháng 11/2022, Liên Hợp Quốc đã khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận giải quyết ô nhiễm nhựa ở Uruguay, với mục đích soạn thảo một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm 2024.
Nhóm hoạt động vì môi trường Greenpeace cho biết nếu không có một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ, sản lượng nhựa có thể tăng gấp đôi trong vòng 10 đến 15 năm tới và tăng gấp 3 lần vào năm 2050.
Trước đó, Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia đã kết thúc vào ngày 4/3 sau 2 tuần làm việc.
Các nhà đàm phán từ hơn 100 quốc gia đã đạt được thống nhất về Thỏa thuận về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ) sau 15 năm thương thảo.
Đây là hiệp ước của Liên Hiệp Quốc về bảo vệ đa dạng sinh học tại vùng biển quốc tế. Dù hiện chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt trái đất song vùng biển quốc tế chưa được quan tâm nhiều.