Rác thải ti vi tại Việt Nam có thể lên tới 250 nghìn tấn vào năm 2025

Hiện, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.

Quá trình thu gom và xử lý các rác thải điện tử ở Việt Nam mới ở mức độ thô sơ.

Quá trình thu gom và xử lý các rác thải điện tử ở Việt Nam mới ở mức độ thô sơ.

“Lúng túng” trước lượng rác thải điện tử khổng lồ

Rác thải điện tử đang ngày càng phổ biến, song hành cùng với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ. Ngày nay, sở hữu một chiếc điện thoại, tivi, máy tính... đã không còn là điều quá khó khăn đối với mọi người. Giá trị của các thiết bị điện tử cũng ngày càng giảm, phù hợp với túi tiền của tầng lớp bình dân. Thay vì tìm cách sửa chữa những thiết bị điện tử hư hỏng như trước kia, giờ người ta sẵn sàng vứt bỏ những thiết bị điện tử bị hỏng nặng để mua mới. Điều này khiến cho lượng rác thải điện tử ngày càng lớn.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng. Ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn. Trong đó, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương có lượng rác thải điện tử cao nhất do mật độ dân cư đông đúc và nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử lớn. Các thiết bị điện tử bị vứt bỏ chủ yếu bao gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng, tivi, và các thiết bị gia dụng nhỏ.

Việc vứt bỏ rác thải điện tử một cách tùy tiện không chỉ làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường mà còn gây lãng phí tài nguyên. Nhiều thành phần trong các thiết bị điện tử như kim loại quý, nhựa và thủy tinh có thể tái chế và sử dụng lại, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên tự nhiên. Tuy nhiên, việc tái chế rác thải điện tử ở Việt Nam vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả và toàn diện.

Hiện nay, quá trình thu gom và xử lý các rác thải điện tử ở Việt Nam mới ở mức độ thô sơ, việc xử lý rác thải điện tử vẫn còn là vấn đề bất cập. Nước ta hiện có khoảng 100 cơ sở thu mua và tái chế rác thải điện tử, tuy nhiên việc tái chế đa phần chỉ dừng lại ở phạm vi thủ công và mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường như sắt, đồng, chì, thiếc, nhựa bằng các công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu gây những tác động không nhỏ đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Còn những cơ sở áp dụng công nghệ cao một mặt gặp khó khăn trong việc đầu tư nhân lực, trang thiết bị, mặt khác còn thiếu sự đầu tư về khoa học và chuyển giao công nghệ.

"Tìm lời giải" cho bài toán rác thải điện tử

Rác thải điện tử là loại rác thải đặc biệt, cần có phương cách thu gom, xử lý riêng để tránh gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, các loại rác thải điện tử chứa nhiều chất độc hại như chì, thủy ngân, cadmium và các hợp chất hóa học khác. Nếu không được xử lý đúng cách, các chất này có thể thấm vào đất và nước, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường và đe dọa sức khỏe con người. Vì vậy, việc thu gom và xử lý rác thải điện tử cần phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp và có hệ thống.

TS. Nguyễn Đức Quảng - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, một trong những khó khăn trong việc xử lý đối với rác thải điện tử nằm ở việc một loại chất thải điện tử có thể chứa tới 60 nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn, khiến cho việc tái chế trở nên vô cùng nan giải. Do đó, để giảm thiểu gánh nặng ô nhiễm cho môi trường mà rác thải điện tử có thể mang lại, cần nhanh chóng tìm ra giải pháp xử lý rác thải điện tử một cách khoa học nhất.

Theo GS. TS. Đặng Kim Chi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), đa số các chất thải điện tử hiện nay đều được đưa về các làng nghề Việt Nam để phân loại, tái chế... Hoạt động an toàn lao động ở các cơ sở là rất thấp. Chuyên gia nhấn mạnh, việc thu gom và xử lý rác thải điện tử cần phải được thực hiện một cách bài bản và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

“Việc này đòi hỏi cả địa phương, chính quyền địa phương chính sách từ trên xuống dưới phải có sự thống nhất, đồng bộ giữa việc khuyến khích, giải thích cho người dân việc phân loại. Việc bảo vệ môi trường phải do chính người dân tại địa phương ấy tự giác thực hiện thì mới hiệu quả”, GS. TS. Đặng Thị Kim Chi nhận định.

Để giải quyết vấn đề rác thải điện tử, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải có một chiến lược tổng thể, từ việc nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường quản lý Nhà nước đến việc thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong thu hồi và tái chế rác thải điện tử.

Một trong những giải pháp hiệu quả để thu gom và xử lý rác thải điện tử là áp dụng mô hình thu hồi sản phẩm. Theo đó, các nhà sản xuất và phân phối thiết bị điện tử sẽ chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý các sản phẩm của mình sau khi người tiêu dùng không còn sử dụng. Mô hình này đã được áp dụng thành công tại một số quốc gia phát triển.

Ngoài ra, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và thực thi các chính sách, quy định về quản lý rác thải điện tử. Việc thiết lập các điểm thu gom rác thải điện tử tại các khu dân cư, trường học, cơ quan và doanh nghiệp cũng là một giải pháp cần thiết để bảo đảm rác thải điện tử được thu gom và xử lý đúng cách.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào công nghệ tái chế rác thải điện tử cũng là một yếu tố quan trọng. Hiện nay, công nghệ tái chế rác thải điện tử tại Việt Nam còn rất hạn chế và lạc hậu. Cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ tiên tiến để bảo đảm rác thải điện tử được tái chế một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường. Các công nghệ như tách kim loại bằng phương pháp sinh học, xử lý chất thải bằng công nghệ plasma hay tái chế vật liệu nhựa từ rác thải điện tử đều cần được nghiên cứu và ứng dụng…

Bảo Ngọc

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/rac-thai-ti-vi-tai-viet-nam-khoang-250-nghin-tan-vao-nam-2025.html