Rác thải tràn lan ven biển miền Trung
Những ngày qua, nhóm PV Báo SGGP tại miền Trung đã có mặt và ghi nhận một thực tế đáng lo ngại khi những bãi biển, bãi tắm, vịnh biển ở miền Trung đang tràn lan rác thải nhựa, chất thải.
Rác bủa vây làng, biển
Có mặt tại khu vực ven biển các xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), Tịnh Kỳ, Tịnh Châu, Tịnh Thiện (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi chứng kiến khắp nơi rác thải bủa vây bờ biển, bến sông. Mỹ Khê vốn là bãi biển đẹp nhất tỉnh Quảng Ngãi, nhưng suốt hơn 10 năm qua đã bị đe dọa bởi rác thải. Nhiều du khách khi đến đây đều kinh hãi trước cảnh bãi biển thường xuyên tràn ngập rác thải nhựa.
Vùng ven biển các huyện, thành phố như Quy Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ (Bình Định), đến đâu chúng tôi cũng thấy cảnh nhan nhản rác thải do người dân tùy tiện xả ra môi trường… Có mặt tại làng biển Tân Phụng (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ), chúng tôi chứng kiến không chỉ rác thải nhựa, nước thải sinh hoạt tràn lan, mà rất nhiều người dân còn vô tư mang rác đổ thẳng xuống biển. Khi được hỏi, một người dân cho biết: “Xưa nay chúng tôi đều đổ rác ra biển để sóng cuốn đi nơi khác. Nếu số rác thải nào tồn đọng tại bãi biển thì chúng tôi đào hố chôn sâu dưới cát”.
Ven vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), khung cảnh còn khủng khiếp hơn, rác thải nhựa bủa vây, trôi nổi lềnh bềnh như “bóp nghẹt” di tích thắng cảnh cấp quốc gia này. Đặc biệt, tại ven bờ vịnh thuộc khu phố Dân Phước, khu phố Vạn Phước (phường Xuân Thành, Sông Cầu), rác thải mà người dân vô tư đổ thẳng xuống vịnh đã tạo thành những bãi rác chất đống, bốc mùi hôi thối. Một số hộ dân cho biết, chủ yếu là rác của các hộ dân ở các hẻm nhỏ trong làng đổ ra, lâu dần chất thành từng đống…
Còn tại bãi biển khu du lịch Lộc Hà (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), một số khu nhà hàng lụp xụp bị bủa vây trong rác thải. Cả vùng biển hoang sơ từng đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh, nay trở nên tuềnh toàng, vắng vẻ. Bãi biển xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) cạnh đó, với hàng loạt cống nước thải sinh hoạt đen ngòm của nhiều hộ dân thải ra, chảy tràn bãi cát, bốc mùi hôi thối.
Để “giải cứu” bãi biển An Kỳ, bãi biển Mỹ Khê (Quảng Ngãi), hàng trăm đoàn viên thanh niên, cảnh sát biển, người dân đã ra quân mở đợt thu dọn hàng chục tấn rác thải. Bên cạnh đó, địa phương đã cho lắp đặt hệ thống camera giám sát các hành vi đổ rác dọc các bãi biển, ven sông, đặc biệt là khu vực sông Bài Ca, nơi phát sinh nguồn rác thải xả thẳng ra ven biển Bình Châu (huyện Bình Sơn), Tịnh Kỳ, Tịnh Châu, Tịnh Thiện (TP Quảng Ngãi).
Khó xử lý triệt để
Từ nhiều năm qua, dư luận đã liên tục phản ánh tình trạng rác thải nhựa, chất thải đe dọa sinh thái vịnh Xuân Đài. Tuy nhiên, đến nay thực trạng này vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Khi nhìn thấy hình ảnh, video clip rác thải ven vịnh Xuân Đài thuộc địa bàn quản lý do PV cung cấp, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Xuân Thành (thị xã Sông Cầu), cho biết: “Địa phương đang trong quá trình chuyển giao từ việc thu gom rác thải do nhà nước quản lý sang cho tư nhân nên hoạt động thu gom chưa được thường xuyên. Để giải quyết dứt điểm rác thải cần có thời gian, làm từng bước, bởi khu vực này có đặc thù nuôi trồng thủy sản đông đúc nên phát sinh lượng rác nhựa rất lớn”.
Trong kế hoạch, tỉnh Bình Định đã đưa khu vực bãi biển Tân Phụng với địa danh Mũi Rồng (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) vào phát triển du lịch. Tuy vậy, nếu không ngăn chặn rác thải, chất thải ven biển thì rất khó để đánh thức bãi biển tuyệt đẹp này. Thừa nhận nhiều khó khăn, bất cập trong quản lý rác thải ven biển Tân Phụng, ông Trần Xuân Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, cho biết, một số hộ dân Tân Phụng vẫn giữ thói quen xả rác ra bãi biển, nên tới đây địa phương sẽ tổ chức kiểm tra, theo dõi và kiên quyết chấn chỉnh lại. Đặc biệt, xã sẽ thành lập tổ, đội để quản lý rác thải dọc bờ biển Tân Phụng.
Trước thực trạng nhà hàng, lều trại kinh doanh ở khu du lịch biển Lộc Hà bỏ hoang, nhếch nhác và rác thải vứt bừa bãi, ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, sẽ giao địa phương rà soát lại những trường hợp nào đủ điều kiện để kinh doanh thì cho tiếp tục phát triển, còn nếu không đủ điều kiện thì sẽ xem xét thu hồi giấy phép. Về giải pháp lâu dài, tỉnh sẽ dần đưa các khu du lịch, bãi biển, bờ biển có tiềm năng phát triển du lịch vào quy hoạch để có hướng quản lý rác thải; đối với những khu du lịch tiềm năng thì sẽ xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, khi được hỏi bao giờ thực hiện, ông Sáng cho rằng, còn phụ thuộc vào kinh phí, nhưng hiện chưa có!
Xử lý 70.000 tấn rác thải tồn đọng ở Côn Đảo
Ngày 18-7, UBND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, các đơn vị liên quan đang tích cực phối hợp để nhanh chóng xử lý khoảng 70.000 tấn rác thải sinh hoạt tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát. Theo ghi nhận của PV, hiện Dự án nhà máy xử lý ô nhiễm chất thải rắn tồn đọng bằng công nghệ đốt tại chỗ đã hoàn thiện hệ thống móng bê tông cốt thép kết cấu nhà xưởng, lò đốt, một số trang thiết bị dây chuyền phục vụ dự án cũng được vận chuyển đến trước cổng bãi rác.
Dự kiến, nhà máy xử lý rác tồn sẽ hoàn thành xây dựng trong tháng 7 và sẽ bắt đầu chạy thử. Sau khi được cơ quan chức năng đánh giá về chất lượng khí thải và các yếu tố môi trường, dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động với đơn giá xử lý là 630.000 đồng/tấn và dự tính đến cuối năm 2022 sẽ xử lý hết lượng rác tồn.
NÔNG NGÂN
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//rac-thai-tran-lan-ven-bien-mien-trung-828255.html