Rác vũ trụ là gì?
Hàng nghìn vật thể nhân tạo được xem là rác vũ trụ đang quay quanh Trái Đất, tạo ra mối đe dọa trực tiếp cho các vệ tinh và tàu vũ trụ.
Live Science cho biết có một bãi rác vũ trụ đang trôi nổi quay quanh Trái Đất và nó ngày càng nhiều lên. Điều này một phần đến từ sự phát triển của ngành công nghiệp không gian vũ trụ trong hơn 20 năm gần đây.
Rác vũ trụ là gì?
Theo các nhà khoa học, rác vũ trụ là những vật thể nhân tạo , nguồn gốc từ các vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa đẩy được con người phóng lên không gian mỗi năm. Số lượng rác vũ trụ ngày càng nhiều khiến quỹ đạo Trái Đất ngày càng “chật chội”.
Về kích thước và hình dáng, rác vũ trụ có thể bé như mảnh nhựa cho đến lớn như động cơ đẩy của tên lửa, theo NASA. Dù ở có kích thước thế nào rác vũ trụ vẫn được xem là mối đe dọa đáng kể đến các sứ mệnh ngoài không gian của con người, cũng như các tàu vũ trụ hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất.
Việc con người ngày càng phóng nhiều vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất đang khiến số lượng rác vũ trụ tăng theo cấp số nhân. Nguyên nhân, các vệ tinh này có thời gian hoạt động ngắn và hầu như chúng đều sẽ bị bỏ lại không gian sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Có bao nhiêu rác vũ trụ?
Mạng Giám sát Không gian Mỹ hiện hiện theo dõi hơn 23.000 mảnh rác vũ trụ lớn hơn quả bóng mềm. Trong số này khoảng 3.000 vệ tinh ngừng hoạt động và đang trôi nổi trên quỹ đạo Trái Đất.
Tuy nhiên, hầu hết các mảnh rác vũ trụ quá nhỏ để có thể theo dõi được. Giới nghiên cứu ước tính hơn 100 nghìn tỷ mảnh rác vũ trụ chưa được theo dõi trên quỹ đạo Trái Đất. Theo Cơ quan vũ trụ châu Âu, phần lớn các mảnh vụn không được theo dõi này có thể dài chưa đến 1 cm.
Tại sao rác vũ trụ là mối đe dọa?
Ngay cả những mảnh rác vũ trụ nhỏ cũng có thể gây ra thiệt hại đáng kinh ngạc bởi các vật thể này di chuyển trên quỹ đạo Trái Đất với vận tốc cực kỳ lớn. Tốc độ trung bình của chúng thường lớn hơn 25.200 km/h – gấp 10 lần tốc độ của viên đạn.
Trong trường hợp hai vật thể đi ngược chiều trên quỹ đạo xảy ra va chạm trong không gian, tác động từ vụ va chạm sẽ rất lớn.
Điều này có nghĩa là ngay cả những vật thể kích thước bằng hạt đậu cũng có thể trở thành quả tên lửa nguy hiểm trên quỹ đạo. Điều này được chứng minh vào năm 2016, khi một mảnh sơn nhỏ từ một thiết bị xảy ra va chạm với cửa kính của Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Kết quả vụ va chạm tạo ra một vết lõm dài 0,6 cm trên cửa.
Rác vũ trụ có lao xuống Trái đất?
Theo Live Science, rác vũ trụ thường xuyên lao vào Trái Đất. Trung bình, mỗi năm c từ 200 đến 400 mảnh rác vũ trụ được theo dõi rơi xuống bầu khí quyển của Trái đất.
Hầu hết rác vũ trụ rơi tự do kiểu này này đủ nhỏ để bị đốt cháy hoàn toàn khi chúng lao vào bầu khí quyển và không bao giờ chạm tới mặt đất. Các vật thể lớn hơn có thể còn sót lại một số bộ phận nhưng thường rơi xuống các đại dương.
Tuy nhiên, không phải lúc nào rác vũ trụ cũng rơi xuống biển. Điển hình như tháng 8/2022, mảnh vỡ từ tàu vũ trụ SpaceX Crew Dragon rơi xuyên qua bầu khí quyển và đâm xuống một trang trại ở Australia. Mảnh vỡ này dài tới 3 m và cắm sâu xuống đất sau vụ va chạm.
Một số sự cố khác liên quan đến rác vũ trụ có thể kể đến như ngày 10/2/2009, một tàu vũ trụ đã ngừng hoạt động Nga đâm vào tàu vũ trụ thương mại Iridium đang hoạt động của Mỹ. Vụ va chạm khiến hai tàu vũ trụ bị phá hủy hoàn toàn đồng thời tạo ra hơn 2.300 mảnh rác vũ trụ lớn.
Tháng 3/2021, mảnh tên lửa của Nga va chạm và phá hủy một vệ tinh quân sự đang hoạt động của Trung Quốc. Tháng 6/2021, mảnh rác vũ trụ nhỏ không xác định đã va vào cánh tay robot của Trạm vũ trụ quốc tế ISS và làm hỏng thiết bị này.
Các sự cố như trên đang xảy ra thường xuyên hơn do ngày càng có nhiều rác vũ trụ được thêm vào quỹ đạo mỗi năm.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/rac-vu-tru-la-gi-ar748759.html