Rafale-máy bay đa nhiệm bán chạy nhất của Pháp
Serbia vừa ký thỏa thuận mua 12 máy bay chiến đấu đa nhiệm Rafale của Tập đoàn Dassault Aviation (Pháp). Việc bán 12 chiếc Rafale cho Serbia đã nâng số quốc gia, ngoài Pháp, sử dụng máy bay đa nhiệm này lên 8 nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Belgrade ngày 29-8, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã hoan nghênh thương vụ trên, cho rằng điều này sẽ giúp cải thiện năng lực của quân đội Serbia. Ông tiết lộ tổng giá trị hợp đồng này là 2,7 tỷ USD.
Về phần mình, Tổng thống Macron cho rằng, thỏa thuận sẽ góp phần hướng tới một “liên minh lâu dài giữa hai nước".
Giám đốc điều hành Tập đoàn Dassault Aviationt Eric Trappier cho biết, theo thỏa thuận, Serbia sẽ nhận được 9 máy bay chiến đấu loại 1 chỗ ngồi và 3 chiếc loại 2 chỗ ngồi vào năm 2029. Theo ông Trappier, thương vụ trên sẽ góp phần giúp Serbia hiện đại hóa lực lượng không quân. Như vậy, quốc gia Balkan này trở thành quốc gia châu Âu thứ ba chuyển sang sử dụng máy bay của Dassault, sau Hy Lạp (2020) và Croatia (2021).
Được phát triển vào thập niên 1980, Rafale được thiết kế với mục đích trở thành một máy bay chiến đấu đa năng, có thể được sử dụng để săn lùng máy bay địch, tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên biển cũng như thực hiện các nhiệm vụ trinh sát.
Mặc dù có kích thước nhỏ với chiều dài 15,3m, sải cánh 10,9m và chiều cao 5,3m, Rafale có thể mang tới 9,5 tấn vũ khí và/hoặc nhiên liệu dưới cánh, nghĩa là gần bằng trọng lượng rỗng của chính nó (10 tấn). Đây là lợi thế lớn của Rafale nếu so sánh với máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ. Được phát triển cùng thời với Rafale, F-22 có kích thước tương ứng lớn hơn (18,90 x 17,30 x 5,05m), nặng hơn (gần 20 tấn rỗng) nhưng chỉ có thể chở thêm 5 tấn.
Sau vài năm trì hoãn, năm 2004, Rafale đã được trang bị lực lượng hải quân Pháp. Năm 2006, Rafale được trang bị cho lực lượng Không quân Pháp nhằm thay thế máy bay chiến đấu Mirage.
Rafale từng vượt chặng đường dài để chào bán ở Brazil nhưng không đạt được hiệu quả, nhất là khi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Mỹ. Mỹ đã sản xuất hàng loạt loại máy bay có công nghệ không bằng Rafale nhưng có giá rẻ hơn. Rafale có giá tương đối cao, khoảng 70 triệu euro/chiếc. Rafale từng tham gia các cuộc không kích ở Afghanistan cũng như cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq. Loại máy bay này gặp rất ít sự cố hoặc tai nạn chết người, ngoại trừ vụ tai nạn năm 2020 và gần đây là hai máy bay va chạm ngày 14-8 vừa qua.
Mọi thứ thay đổi vào tháng 2-2015 khi Ai Cập mua 24 máy bay Rafale từ Pháp với giá 5,2 tỷ euro, trước khi có đơn đặt hàng mới cho 31 chiếc Rafale vào năm 2021 với giá 3,75 tỷ euro. Vào tháng 5-2015, Qatar ký hợp đồng mua 24 máy bay, sau đó thêm 12 chiếc vào năm 2017, nâng tổng số 36 chiếc Rafale trị giá 7,4 tỷ euro. Năm 2016, Ấn Độ mua 36 máy bay Rafale của Pháp với giá 8 tỷ euro.
Năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt khác đối với Dassault khi công ty có được hợp đồng châu Âu đầu tiên với Hy Lạp. Đối mặt với căng thẳng gia tăng với Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải, Athens đã mua 18 chiếc Rafale, trong đó có 12 chiếc cũ từ lực lượng Không quân Pháp. Hai năm sau, Hy Lạp mua mới thêm 6 chiếc Rafale, nâng số lượng máy bay tiêm kích này trong quân đội Hy Lạp lên 24 chiếc. Cũng như Hy Lạp, Croatia mua 12 chiếc Rafale đã qua sử dụng vào tháng 11-2021.
Một tháng sau, nhà chế tạo máy bay của Pháp trúng số độc đắc với hợp đồng trị giá 16 tỷ euro với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất để mua 80 chiếc Rafale. Indonesia là quốc gia khách hàng mới nhất, với hợp đồng trị giá 8,1 tỷ euro được ký vào tháng 2-2022 để sở hữu 42 chiếc Rafale.
Hiện nay, Iraq cũng quan tâm đến máy bay tiêm kích đa nhiệm này của Pháp. Tổng cộng, Pháp đã bán được 285 máy bay Rafale cho các đối tác nước ngoài, trong đó nhiều chiếc đã được bàn giao cho bên mua.
Theo Le Point, Lực lượng Không quân và Vũ trụ và Hải quân Pháp đang sở hữu 234 chiếc Rafale. Trung bình mỗi tháng nhà máy của Dassault cho xuất xưởng 3 chiếc Rafale.