Rầm rộ cuộc đua mở thẻ tín dụng
Lợi ích của việc dùng thẻ tín dụng là không thể phủ nhận nhưng nếu xài không đúng cách có thể gây ra một số hệ lụy cho chủ thẻ.
LTS: Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến quý III-2023 có khoảng 102,15 triệu thẻ nội địa và 38,54 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Số thẻ tín dụng sẽ tiếp tục tăng lên rất nhanh vì hiện nay khách hàng đang được các ngân hàng mời chào lẫn yêu cầu mở thẻ, tài khoản tận cơ quan, tận nhà.
Thế nhưng nhiều người dù mở rất nhiều thẻ song chỉ xài thường xuyên một, hai thẻ vẫn phải đóng phí và gặp cảnh dở khóc dở cười.
Thẻ tín dụng vốn là một trong những mảng giúp ngân hàng ăn nên làm ra. Chính vì vậy, các ngân hàng liên tục tung chiêu, mở các chiến dịch giới thiệu dịch vụ thẻ với đủ các hình thức khuyến mãi, giảm giá, mở thẻ tận nhà khách hàng.
Mở thẻ quá dễ
Chỉ cần vào mạng xã hội tìm kiếm cụm từ “mở thẻ tín dụng” sẽ ra ngay hàng triệu tin, bài quảng cáo mở thẻ miễn phí cho khách hàng, nhất là những chủ thẻ có dư nợ thấp và có hợp đồng lao động, BHXH. Trong đó có môi giới cam kết nhận mở thẻ tín dụng hoàn toàn miễn phí, ngoài ra khách hàng còn được hưởng lãi suất vay tín chấp chỉ 10%/năm, tức “rẻ như cho”, thấp nhất thị trường vay tín chấp.
Đáng chú ý, thay vì để nhân viên chào mời dịch vụ mở thẻ tín dụng tại nhà riêng, trụ sở các cơ quan, hay len lỏi vào các hội nhóm trên mạng xã hội thì bản thân các công ty tài chính hay các ngân hàng còn tận dụng mạng xã hội chính chủ (do ngân hàng mở tài khoản) và trên các website của mình quảng cáo về chính sách ưu đãi của thẻ.
Đơn cử như Công ty Tài chính Shinhan Finance đang có chính sách ưu đãi dành cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng. Cụ thể, với 500 khách hàng đầu tiên đăng ký mở mới thẻ trong mỗi tháng sẽ được nhận e-voucher trị giá 300.000 đồng với điều kiện thẻ được kích hoạt và chi tiêu từ 2 triệu đồng trở lên trong vòng 30 ngày kể từ ngày phát hành thẻ. Hoặc 200 chủ thẻ chi tiêu cao nhất trong tháng sẽ được nhận e-voucher trị giá 500.000 đồng với điều kiện số tiền chi tiêu ít nhất từ 5 triệu đồng/tháng.
Tương tự, các ngân hàng Vietcombank, Sacombank còn khuyến khích khách hàng chi tiêu nhiều bằng thẻ tín dụng để vừa tham dự Olympic Paris 2024, vừa tận hưởng chuyến du lịch kéo dài năm ngày bốn đêm. Chẳng hạn, từ nay đến hết ngày 16-4, các khách hàng chi tiêu càng nhiều qua thẻ tín dụng Sacombank Visa sẽ nhận càng nhiều mã số dự thưởng để tham gia quay số trúng chuyến lịch nghỉ dưỡng và vé tham dự Olympic Games Paris 2024 dành cho hai người trị giá hơn 700 triệu đồng, cùng 40 sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng/sổ.
Mù mờ về thẻ, gặp nhiều bất lợi
Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính ngân hàng, đánh giá: Sử dụng thẻ tín dụng một cách thông minh, biết tận dụng kỳ miễn lãi 45-55 ngày, khách hàng chỉ cần thanh toán khoản phí thường niên, chứ chẳng mất gì. Nhưng nếu đứng tên thay người khác để mở thẻ tín dụng hoặc sử dụng thẻ mà không nắm được quy định về lãi phạt, phí phạt, cách tính lãi, ngày sao kê… thì sẽ đối mặt với rủi ro rất lớn.
Bởi ngoài việc mắc nợ xấu, chủ thẻ có thể còn phải đối diện với nhiều bất lợi khác như không thể vay vốn ngân hàng, thậm chí có thể rơi vào kiện tụng.
Thực tế việc mở thẻ tín dụng hiện nay quá dễ dàng. Thậm chí một số ngân hàng còn giao việc tìm kiếm khách hàng cho bên trung gian thứ ba, như mở thẻ qua ví điện tử. Thông thường chỉ cần khách hàng có lịch sử trả nợ tốt, ngân hàng sẽ hào phóng nâng hạn mức tín dụng lên.
Hai mặt của thẻ tín dụng
Lợi ích của việc dùng thẻ tín dụng là không thể phủ nhận. Điển hình như cho phép chủ thẻ mượn một khoản tiền trước để chi tiêu không tính lãi, sau 45 ngày hoặc 55 ngày khách hàng trả lại khoản tiền đã mượn ngân hàng. Khách hàng có thể sử dụng thẻ để thanh toán hầu hết các mặt hàng, dịch vụ như hóa đơn tiền điện, nước, Internet, nhà, mua điện thoại, máy tính, ô tô hoặc các chi tiêu mua sắm đơn giản thường ngày.
Đặc biệt nhờ tính năng chi tiêu trước trả tiền sau, thẻ tín dụng là lựa chọn hợp lý cho khách hàng để phân phối nguồn tiền tốt hơn, qua đó có thêm một khoản ngân sách dự phòng trong những trường hợp cấp bách.
Chị Ngọc Diệp (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: Trước đây tôi từng mở một lúc ba thẻ tín dụng nhưng để tránh phiền phức sau này nên tôi đã đóng bớt hai thẻ và chỉ giữ lại một thẻ. Để tránh bị nhắc nợ, tôi luôn cài tin nhắn thông báo trả nợ thẻ tín dụng sớm hơn so với sao kê 2-3 ngày. Nhờ đó chỉ sau một năm, ngân hàng đã chủ động nâng hạn mức cho tôi từ 40 triệu lên 100 triệu đồng.
“Gần đây, tôi sử dụng thẻ để thanh toán trước một năm học phí của một trung tâm tiếng Anh có giá trị 60 triệu đồng. Khoản vay này được trả góp 5 triệu đồng/tháng trong suốt 12 tháng với lãi suất chỉ có 0%/năm. Ngoài ra, khi phụ huynh chấp nhận thanh toán đủ một năm, phía trung tâm tiếng Anh còn tặng thêm sáu tháng nữa, đồng nghĩa với việc giúp tôi tiết kiệm thêm được 30 triệu đồng tiền học phí từ tháng 3 đến tháng 9” - chị Ngọc Diệp khoe.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng thừa nhận nếu mở thẻ và xài không đúng cách thì khách hàng có thể gặp rủi ro, thiệt hại khi không dùng thẻ tín dụng mà vẫn bị dính nợ. Anh Võ Tấn Phát (ngụ quận 8, TP.HCM) kể: “Mới đây tôi ra ngân hàng vay vốn để kinh doanh thì được thông báo khoản vay của tôi không được phê duyệt do đang dính nợ xấu tại Trung tâm Tín dụng quốc gia (CIC). Lúc đó, tôi mới biết khoản nợ đó do người bạn mà tôi đã cho mượn CMND để mở thẻ tín dụng và nay không còn khả năng trả nợ”.
“Rất may, ngân hàng phát hành thẻ chỉ tính lãi quá hạn của bảy tháng tiếp theo kể từ lần thanh toán cuối cùng. Nhờ vậy, toàn bộ lãi và gốc mà tôi phải trả thay cho bạn chỉ khoảng 15 triệu đồng, chứ nếu họ tính suốt bốn năm thì tôi chắc cũng mất một khoản lớn. Tất nhiên, đây là lỗi hoàn toàn do tôi, vì chính mình quá tin bạn bè nên đưa CMND của mình để đứng tên khoản vay mà không nghĩ đến hậu quả như vậy” - anh Phát nói.
Trường hợp tương tự anh Phát không phải là cá biệt. Bởi hiện nay nhiều khách hàng dễ dãi trong việc mở thẻ tín dụng để nhận ưu đãi từ ngân hàng như mở để lấy vé xem phim, mở để mua hàng giảm giá. Điều này giải thích vì sao có người sở hữu 5-6 thẻ khác nhau, sau đó quên sử dụng thẻ nhưng vẫn phải trả phí thường niên mà không biết.
Họ không hiểu rằng số tiền trong thẻ tín dụng là của ngân hàng cho khách hàng mượn tạm, cần phải trả lại ngay khi có thể nếu không muốn bị phạt. Thậm chí nhiều khách hàng quên thanh toán đúng hạn hoặc xài kiểu “vung tay quá trán” dẫn đến dễ mắc nợ ngân hàng hoặc đối diện với nhiều rủi ro khác.
Khách hàng tra cứu thông tin tín dụng tăng đột biến
Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, ông Cao Văn Bình, Tổng Giám đốc Trung tâm Tín dụng quốc gia (CIC), cho biết: Sau vụ lùm xùm của một khách hàng Ngân hàng Eximbank nợ ban đầu gần 8,5 triệu đồng bỗng dưng dính nợ xấu thẻ tín dụng lên tới 8,8 tỉ đồng, số lượng khách hàng tra cứu thông tin tín dụng tăng đột biến, nhất là dư nợ thẻ hoặc vay tiêu dùng. Từ chỗ chỉ có khoảng 1.500-2.000 yêu cầu/ngày, nay tăng lên 8.000-10.000 yêu cầu/ngày, gấp khoảng năm lần so với trước.
Việc khách hàng chủ động tìm kiếm thông tin như vậy giúp bản thân đã, đang vay ngân hàng biết được điểm tín dụng của mình trong hệ thống ngân hàng là như thế nào. Thậm chí, ngay cả khi chưa từng vay, khách hàng có thể phát hiện ra những sai sót của hệ thống (nếu có) hoặc thông tin cá nhân của mình đã bị đánh cắp do bị mất giấy tờ khiến kẻ gian lợi dụng để mở thẻ tín dụng. Nhờ vậy, khách hàng sẽ kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, việc người dân chủ động tra cứu thông tin lịch sử tín dụng trên CIC thể hiện được rằng họ đã có ý thức nâng cao kiến thức tài chính và khả năng tiếp cận tín dụng. Từ đó có những điều chỉnh về hành vi sử dụng tài chính bao gồm cả thẻ tín dụng lành mạnh và an toàn hơn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ram-ro-cuoc-dua-mo-the-tin-dung-post782132.html