Rạng Đông Holding: Toàn bộ 5 thành viên HĐQT cùng từ nhiệm

Động thái từ nhiệm của toàn bộ thành viên HĐQT diễn ra sau khi Rạng Đông Holding vướng nhiều thông tin tiêu cực thời gian qua.

Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT Rạng Đông Holding. Ảnh: Rạng Đông Holding

Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT Rạng Đông Holding. Ảnh: Rạng Đông Holding

Công bố thông tin trên HoSE, CTCP Rạng Đông Holding (mã RDP) cho biết đã nhận được đơn từ nhiệm của cả 5 thành viên HĐQT hiện tại, vào ngày 24/2/2025.

Đó là ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch kiêm thành viên HĐQT; ông Bùi Đắc Thiện, ông Hồ Đức Dũng - thành viên HĐQT; ông Nguyễn Trần Vinh - thành viên độc lập HĐQT kiêm thành viên Ủy ban Kiểm toán; ông Hồ Văn Tuyên - thành viên độc lập HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán.

Trong đơn từ nhiệm, 5 người đều cho biết vì lý do cá nhân nên không thể tiếp tục đảm nhiệm công việc.

Trước đó, vào đầu tháng 2/2025, Rạng Đông Holding đã thay đổi người được ủy quyền công bố thông tin từ ông Bùi Đắc Thiện sang bà Phạm Thùy Dương - Trưởng ban Pháp chế công ty.

Động thái từ nhiệm của toàn bộ thành viên HĐQT diễn ra sau khi Rạng Đông Holding vướng nhiều thông tin tiêu cực thời gian qua. Nghiêm trọng nhất là việc doanh nghiệp bị chính công ty con yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Cụ thể, đầu tháng 1/2025, TAND TP HCM đã thụ lý hồ sơ phá sản doanh nghiệp theo yêu cầu của CTCP Rạng Đông Films. Đây là một công ty con do RDP nắm 97,75% vốn. Theo thông báo từ tòa án, kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu đã nộp các tài liệu, chứng cứ chứng minh đối với yêu cầu phá sản.

Căn cứ vào khoản 1 điều 40 Luật Phá sản, TAND TP HCM đã thông báo cho Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM, Rạng Đông Films, RDP, các cơ quan và tổ chức đang giải quyết vụ việc liên quan đến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được biết. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của tòa án, RDP phải xuất trình các giấy tờ, tài liệu.

Trong đó có bản giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khôi phục doanh nghiệp mà vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán.

RDP cũng phải gửi tòa án bảng kê chi tiết các loại tài sản, địa điểm có tài sản của doanh nghiệp. Nếu là tiền trong tài khoản thì lấy xác nhận của ngân hàng đối với số tiền tồn trong tài khoản. Ngoài ra, công ty này phải nộp thêm danh sách chủ nợ tính đến ngày 2/1/2025...

Đến nay, vụ việc này vẫn chưa có thông tin mới.

Rạng Đông Holding được thành lập từ năm 1960. Đây là một trong những doanh nghiệp nhựa đầu tiên, nhập khẩu các thiết bị hiện đại từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) để sản xuất các loại giả da PVC, PU xốp, khăn trải bàn, màng mỏng PVC, vải tráng PVC, PU, vải dù chống thấm.

Năm 2005, công ty được cổ phần hóa với tên gọi CTCP Nhựa Rạng Đông và niêm yết trên sàn HoSE từ năm 2009. Năm 2014, công ty thoái hóa vốn Nhà nước, sau đó chuyển sang mô hình công ty holding với tên gọi CTCP Rạng Đông Holding từ cuối năm 2018.

Từ năm 2019 đến nay, doanh thu của RDP dao động từ 2.000 tỷ đồng đến 2.800 tỷ đồng. Năm 2023, công ty lỗ kỷ lục gần 150 tỷ đồng và tiếp tục lỗ thêm gần 61 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, nâng lỗ lũy kế lên hơn 266 tỷ đồng.

Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 3 và quý 4 năm 2024. Vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin cũng là lý do cổ phiếu RDP bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 28/11/2024.

Mới đây, ngày 12/2, Rạng Đông Holding tiếp tục nhận được công văn nhắc nhở lần 2 của HoSE về việc chậm nộp báo cáo tài chính quý 4/2024 và báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2024.

HoSE cho biết sẽ xử lý vi phạm ở mức độ cao hơn theo quy định hiện hành nếu RDP tiếp tục chậm nộp các báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024, báo cáo tài chính quý 3, quý 4/2024 và báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2024.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, ông Hồ Đức Lam đang là cổ đông lớn nhất tại RDP với tỷ lệ sở hữu 15,87% (hơn 7,7 triệu cổ phiếu).

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/rang-dong-holding-toan-bo-5-thanh-vien-hdqt-cung-tu-nhiem-38593.html