Rạng rỡ truyền thống quê hương Cách mạng Lộc Ninh
Ngày 7/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước long trọng kỷ niệm 50 năm giải phóng Lộc Ninh (7/4/1972-7/4/2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Dịp này, đồng thời công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 6 đơn vị hành chính xã, thị trấn là xã An toàn khu và huyện Lộc Ninh là vùng An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Tới dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; các vị là Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện cho nhiều cơ quan Trung ương và địa phương, gồm: ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước...
Ông Lê Trường Sơn, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh ông lại truyền thống vẻ vang về sự kiện trên.
Theo đó, để thực hiện ý đồ xâm lược Việt Nam, tháng 10/1965, Mỹ - Ngụy cho xây dựng mới 2 sân bay Lộc Ninh và Bù Đốp, mở rộng Chi khu Lộc Ninh, các sư đoàn, lữ đoàn của Mỹ - Ngụy, ra sức càn quét, bắn phá ở mức độ huy diệt.
Đứng trước tình thế cam go, kháng 6/1966 tại căn cứ sóc Cần Dực, xã Lộc Thành, Huyện ủy Lộc Ninh tổ chức Đại hội, bầu 15 Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ phụ trách các lĩnh vực.
Từ đây huyện đội Lộc Ninh được thành lập, đây là cơ quan chuyên trách chỉ đạo về phong trào chiến tranh du kích ở Lộc Ninh.
Từ năm 1966 - 1967, Bộ chỉ huy Miền đã điều Tiểu đoàn 7 của Đoàn 30 về đánh Chi khu quân sự Lộc Ninh và giành nhiều thắng lợi, khiến địch khiếp sợ. Cùng với Nhân dân cả nước, Lộc Ninh chuẩn bị tổng tiến công vào Tết Mậu Thân năm 1968, với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Lộc Ninh là sự kết hợp, phối hợp đầy đủ của các lực lượng kháng chiến ở địa phương.
Đại đội 31 của huyện ra đời, vừa tác chiến độc lập vừa phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công, tiêu diệt địch giành thắng lợi to lớn.
Cuối năm 1969 đến năm 1970, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền, bộ đội chủ lực Miền trở lại Lộc Ninh và tổ chức đánh nhiều trận lớn, thu hút lực lượng chủ lực của địch để tạo điều kiện cho phong trào chống bình định ở đồng bằng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lộc Ninh là dịp để chúng ta ôn lại những chiến công vẻ vang của quân và dân Lộc Ninh; tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
“Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng, trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, phát huy tiềm năng và lợi thế, bằng tinh thần đoàn kết và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lộc Ninh tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bứt phá vươn lên”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Để tiếp tục phát huy tinh thần chiến thắng 7/4, xây dựng huyện Lộc Ninh thực sự trở thành một huyện giàu mạnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị, huyện Lộc Ninh cần khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản đối với sự phát triển; thực hiện thành công 3 chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu và du lịch. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới.
Song song với nhiệm vụ trên, huyện cần làm tốt công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị to lớn của các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích cách mạng để Lộc Ninh là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện, nhất là thế hệ trẻ, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước và trở thành những điểm đến du lịch có sức cuốn hút.
“Khai thác hiệu quả nguồn lực phát triển là con người; đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và y tế, thực hiện tốt công tác giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh gợi mở.
Ông Phạm Bình Minh cũng đề nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Phước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho huyện Lộc Ninh đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đóng góp ngày càng tích cực cho sự phát triển của tỉnh, xứng đáng với truyền thống vùng đất anh hùng.