Ranh giới giữa lòng tốt và sự vô cảm
Lòng tốt đặt không đúng chỗ sẽ biến mình thành nạn nhân của những nguyên nhân vô cớ, tự rước họa vào thân. Tuy nhiên sự vô cảm cũng đáng lên án khi thấy người gặp nạn nhưng không ra tay cứu giúp. Lòng tốt và sự vô cảm chỉ hiển hiện trong tích tắc suy nghĩ của bạn khi gặp người bị nạn giữa đường.
Có thể bạn sẽ cứu được một mạng người hoặc có thể gián tiếp cướp đi mạng sống của họ. Bởi vậy lằn ranh giữa lòng tốt và sự vô cảm luôn thật khó để xác định trong xã hội ngày nay. nhưng cái tốt, lòng trắc ẩn vẫn là xu thế khiến chúng ta hành động vì lợi ích chung của cộng đồng.
Vô cảm cũng là tội ác
Nếu như được đưa vào bệnh viện kịp thời có lẽ chị N.T.M.T. (25 tuổi, quê Bến Tre, nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông) có thể qua khỏi và không chết tức tưởi bỏ lại đứa con nhỏ bơ vơ cho ông bà ngoại.
Khoảng 3h sáng 25-6, sau khi kết thúc công việc phục vụ tại một nhà hàng, chị T. được anh N.H.L. điều khiển xe máy chở về nhà trọ ở Tân Phú. Anh L. điều khiển xe máy chở T. trên đường Tân Hương đến giao lộ Tân Hương - Võ Công Tôn, phương Tân Quy, quận Tân Phú thì bị xe taxi do tài xế Nguyễn Tấn Phú (48 tuổi) điều khiển rẽ trái vào đường Võ Công Tôn tông trúng khiến anh T. và chị L. văng lên vỉa hè.
Camera của một ngôi nhà gần đó ghi lại hình ảnh, tài xế Phú sau khi gây tai nạn dừng xe đứng nhìn 2 nạn nhân khoảng 20 giây sau đó lên xe bỏ đi. Chị T. nằm bất động, anh L. bị thương nặng đau đớn cầu cứu.
Cũng từ hình ảnh camera này cho thấy, có khoảng 40 xe máy và một xe ô tô đi qua nhìn thấy anh L. và chị T. bị thương nhưng chỉ dừng lại liếc nhìn rồi bỏ đi. Có một số người tụm lại nhìn 2 nạn nhân rồi chỉ trỏ nhưng cũng không cứu giúp, chỉ một xe máy dừng lại và người điều khiển chiếc xe này gọi điện báo Công an và cấp cứu.
Khi xe cấp cứu xuống đến hiện trường thì chị T. đã tử vong, anh L. được đưa vào Bệnh viện nhân dân 115. Đọc những thông tin, xem những hình ảnh được đăng tải, dư luận phẫn nộ bởi sự vô cảm của tài xế Phú và những người đi đường khi bỏ mặc nạn nhân đối diện với cái chết. Có nhiều người phân tích có lẽ họ sợ bị liên lụy nên… bỏ qua?
Thói thờ ơ, vô cảm trước sự việc dường như các báo đài đã thông tin quá nhiều, trong đó có nhiều báo viết phân tích rõ những nguyên nhân khiến những người chứng kiến các vụ việc tỏ thái độ như vậy. Bản thân người viết đã nhiều lần chứng kiến những cái chết thương tâm hay những thương tích không đáng có mà nguyên nhân xuất phát từ việc nạn nhân đặt lòng tốt không đúng chỗ.
Nhắc lại chuyện xảy ra đối với chính bản thân mình, anh T.H. (24 tuổi, ngụ quận 7) bức xúc. Một lần anh H. lưu thông gần đến cầu Kênh Tẻ, quận 7 thì có một xe máy chạy phía sau bật đèn pha hắt ánh sáng vào gương chiếu hậu của anh H. khiến anh H. bị lóa mắt. Sợ nhiều người sẽ giống mình bị ánh đèn gây mất an toàn khi lưu thông, khi nam thanh niên điều khiển xe đến gần, anh H. đã nhắc "Tắt đèn pha đi!".
Tưởng nhắc nhở vậy người thanh niên trên rút kinh nghiệm nhưng không, nam thanh niên này tăng ga đuổi theo anh H. sau đó dùng chân đạp vào xe anh H. khiến anh H. ngã xuống đường trầy xước khắp người.
"Tôi nghĩ nhắc nhở để nam thanh niên này không gây họa cho người khác từ ánh đèn pha của mình không ngờ anh ta lại có phản ứng côn đồ như vậy!" - Anh H. giãi bày.
Vụ giết người đầu tháng 5-2019 tại TP Đông Hà, Quảng Trị cũng là một ví dụ. Chỉ vì nhắc nhở Lê Văn Hoài (17 tuổi) vượt đèn đỏ khiến anh M.X.L. (quê Quảng Trị) bị đâm tử vong ngay trên đường. Tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, ông L.T.N. (45 tuổi, quê Cần Thơ, bảo vệ chung cư Becamex) cũng bị 2 đối tượng chém đứt lìa tay chỉ vì nhắc nhở họ từ bỏ một hành vi không phù hợp.
Hôm xảy ra vụ việc, nhiều cư dân sống tại tòa nhà hoảng hốt vì sự manh động của các đối tượng. Trước vụ án mạng nghiêm trọng này, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên - Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng xác minh và truy xét đối tượng. Ông N. cùng cánh tay đứt lìa được chuyển vào bệnh viện cấp cứu, nối lại hiện sức khỏe đã ổn định.
Trên giường bệnh, ông N. cho hay, hai thanh niên khi gây án bịt mặt, sử dụng hung khí chém ông N. khi ông N. đang kiểm soát vé ra vào tại bãi xe.
Từ lời khai này của ông N., Công an tỉnh Bình Dương nhanh chóng xác định nguyên nhân là do ông đã nhắc nhở một thanh niên đậu xe không đúng nơi qui định và sau đó người thanh niên này tỏ thái độ hằn học, hăm dọa và gây ra vụ hành hung man rợ đối với ông.
Chỉ trong thời gian ngắn, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt được 2 đối tượng gây án gồm Phan Trường Sơn (31 tuổi, quê Hà Tĩnh) và Bùi Văn Cầu (34 tuổi, quê Bến Tre). Sau khi gây án, Cầu lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh còn Sơn bắt xe về Trà Vinh. Tại cơ quan điều tra Sơn đã khai nhận thực hiện hành vi chỉ vì cay cú khi bị nhắc nhở.
Làm ơn không ngại mắc oán
Nhắc đến chuyện "làm ơn mắc oán", anh V.V.T. (43 tuổi, ngụ quận 1) chạy xe dịch vụ cho hay, một lần trên đường đón khách anh bắt gặp một vụ tai nạn giao thông, nhiều người yêu cầu dừng xe để đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu.
Dù đang trên đường đón khách nhưng thấy nạn nhân bất động, máu me đầy người anh T. đã gọi điện hủy chuyến và đưa nạn nhân vào bệnh viện.
"Đưa nạn nhân vào làm thủ tục, bác sĩ hỏi nguyên nhân rồi gọi Công an đến để làm rõ mặc dù mình phân trần là chỉ chở giúp nạn nhân. Không những thế, khi người nhà đến chưa hiểu chuyện gì xảy ra, tưởng mình gây tai nạn nên cho mình một thôi (đấm) vào mặt khiến mình xây xẩm, té ngã, nhiều người can ngăn nên mình mới không bị no đòn.
Mất cuốc xe lại tốn tiền thuốc men, nhiều ngày ngồi nhà không có thu nhập - anh T. lắc đầu ngao ngán. Nhưng anh tự nhủ, dẫu sao việc mình làm là để cứu giúp người khác, không hổ thẹn với lương tâm.
Anh Hoàng nhà ở quận 6 cho hay, một lần đi trên đường anh chứng kiến một cô gái đi xe gắn máy va quệt với một xe gắn máy khác ngã xuống đường. Chiếc xe liên quan nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Thấy nạn nhân máu me nên anh Hoàng dừng xe hỏi han. Cô gái nồng nặc mùi rượu khóc lóc, anh Hoàng nói để anh dẫn xe của cô gái qua một quán bên đường gửi nhờ rồi chở cô gái vào bệnh viện. Khi vào bệnh viện cô gái mượn điện thoại của anh Hoàng gọi cho bạn.
Một lúc sau một thanh niên xăm trổ đầy mình lao vào giường của cô gái hỏi han, rồi quay sang anh Hoàng: "Mày đi đứng kiểu gì mà tông vào bồ tao!" rồi không để anh Hoàng phân trần, nam thanh niên này lao vào đấm đá anh túi bụi.
"May mà người trong phòng cấp cứu can ra nếu không em bầm mình, lặc lè rồi! Mất công đưa vào bệnh viện, đóng viện phí rồi nhận được sự trả ơn như vậy, lần sau không biết mình còn dám nhúng mũi vào chuyện thiên hạ nữa hay không!" - Hoàng ngao ngán.
Ý thức kém cộng với thái độ hung hăng, côn đồ của một số người trong các vụ việc cụ thể khiến nhiều người không muốn dây vào chuyện không liên quan đến mình, nhất là dây vào những nhóm trẻ chưa hiểu chuyện và coi thường pháp luật.
Anh V., một người từng là nạn nhân từng bị đối tượng "trẻ trâu" đánh bầm người tại chân cầu vượt Tân Thới Hiệp (quận 12, TP Hồ Chí Minh). Anh bức xúc kể, hôm đó anh đi làm về thì bị một thanh niên trẻ tuổi chạy xe lạng lách va quẹt trúng.
Bị ngã nhưng anh V. vẫn ôn tồn nhắc nhở "chạy xe kiểu gì vậy em?" Tưởng nam thanh niên này quay lại xin lỗi, nhưng anh V. không kịp phản ứng khi nam thanh niên này lao vào anh đánh đấm túi bụi khiến anh bất tỉnh lăn ra đường.
Lằn ranh mỏng manh
Nói đến đây mới thấy lằn ranh giữa lòng tốt và sự vô cảm thật mong manh. Không ít chuyện xảy ra trên đường phố khiến nhiều người bất bình nhưng rồi nghĩ đến viễn cảnh "ăn đòn oan" nên thường e ngại giúp đỡ nạn nhân, chẳng khác sự dung túng cho cái ác. Những đối tượng chỉ vì chút sĩ diện ảo, tự ái vặt nên chỉ vì lời nhắc nhở chân tình của người khác cũng khiến họ nóng máu và ra tay đối với người nhắc nhở mình.
Hay chuyện thấy chuyện đánh nhau, mâu thuẫn trên đường, bức xúc vào can ngăn vô tình trở thành bia đỡ đạn cho cả 2 bên. Nhiều người khi được hỏi đến đều cho rằng, lòng tốt thì cũng phải đặt đúng chỗ, khoan dung cũng có giới hạn chứ không tự mình rước họa vào thân.
Luật sư Nguyễn Văn Trường - Văn phòng Luật sư Trường - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay, luật đã qui định cụ thể, người nào khác thấy người gặp nạn không ra tay cứu giúp, nạn nhân không được cứu giúp tử vong nếu xác định được thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nhưng những tình huống này khó xác minh và thực tế chưa có nhiều vụ án liên quan đến tình huống "vô cảm" nào.
Dường như cuộc sống nơi thành thị hối hả, nhiều người đã tự tạo cho mình thái độ thờ ơ trước cái xấu, vô cảm trước nỗi đau của người khác. Đã tiếp xúc với nhiều vụ việc, luật sư Trường cho hay, bệnh vô cảm có tác hại thật ghê gớm đối với mỗi cá nhân cũng như xã hội. Nhiều người tỏ thái độ vô cảm không liên quan đến các vụ việc liên quan xung quanh mình cũng chỉ vì sợ liên đới, sợ dính dáng đến pháp luật.
Một số vụ án gần đây cho thấy, có nhiều người tốt không dửng dưng trước cái xấu, không quay mặt trước nỗi đau của người khác, biết tự tôn pháp luật, biết người khác sai trái, nhắc nhở nhưng lại nhận được cái kết đau đớn khiến nhiều người dù có muốn nghĩ đến việc trao lòng tốt cũng chùn tay. Bởi vậy trước khi nhìn nhận một vấn đề gì, dư luận xã hội cần cân nhắc thật kỹ trước khi phán xét.
Cần lên án mạnh mẽ sự vô cảm, thiếu trách nhiệm với xã hội và cộng đồng nhưng cũng cần phải là người thấu đáo để đánh giá, phán xét sự việc. Đừng để những cơn lốc mạng xã hội lôi cuốn vào những cuộc truy lùng với "lời nói đọi máu".
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/ranh-gioi-giua-long-tot-va-su-vo-cam-551442/