Ranh giới giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan
Thất bại 0-2 của tuyển Việt Nam trước Thái Lan ở lượt đi bán kết AFF Cup 2020 là sự tổng hòa của hàng loạt ranh giới mỏng manh bị cán qua phũ phàng, thậm chí cay đắng.
Tuyển Việt Nam đã thua, thậm chí suýt thảm bại nếu Nguyên Mạnh không cản được cú đá phạt đền của Chanathip ở hiệp 2. Song để nói chúng ta đã thua trắng trước người Thái, thì đó là nhận định có phần khiên cưỡng.
Kết quả 0-2 ở lượt đi bán kết AFF Cup 2020 là sự tổng hòa của hàng loạt ranh giới mỏng manh bị cán qua phũ phàng, thậm chí cay đắng.
Đó là ranh giới ở Quang Hải, người chơi hay không kém Chanathip Songkrasin, nhưng ở những khoảnh khắc quyết định, vận may cứ chối từ số 19 của tuyển Việt Nam.
Hai cú đá trúng khung thành người Thái là minh chứng của đẳng cấp Quang Hải. Hình ảnh thủ thành Chatchai và trung vệ Manuel Bihr giả vờ trao đổi gì đó để câu giờ nhằm kéo dài thời gian sau mỗi lần Quang Hải uy hiếp khung thành cho thấy sự e ngại của người Thái với Quang Hải.
Ranh giới ấy còn bị cán qua bởi chính các đồng đội của Hải. Nếu Phan Văn Đức làm tốt trong pha đối mặt từ đường chuyền xé toang hàng phòng ngự của số 19 vào cuối trận, tình thế có thể đã khác ở lượt về, đặc biệt khi AFF Cup không áp dụng luật bàn thắng trên sân khách.
Và dĩ nhiên, ranh giới ấy còn bị cán qua bởi trọng tài khi thổi việt vị Hà Đức Chinh dù chân sút của tuyển Việt Nam đứng trên người cuối cùng của Thái Lan tới cả mét.
Ai đó có thể nói tuyển Việt Nam phải tự trách mình vì không thể tận dụng cơ hội. Song đá bóng không dễ như nhận định suông. Ở cuộc chiến giữa 2 đối thủ không chỉ ngang cơ về lực lượng, hiểu rõ nhau, và sự thù địch như tuyển Việt Nam và Thái Lan, đôi khi những chi tiết nhỏ tạo ra khác biệt trong cả cuộc đấu và thay đổi luôn cả góc nhìn lịch sử.
Bóng đá thế giới không hiếm những ví dụ kiểu này. Barca từng vượt qua Chelsea tại bán kết Champions League 2008/09 trong trận cầu đội bóng Anh bị trọng tài Tom Henning Ovrebo bỏ qua tới 5 quả phạt đền.
Chỉ cần một trong những quyết định khó tin ngày hôm đó được đảo ngược, tình thế sẽ đảo lộn. Ở điểm nhìn lịch sử, Barca là nhà vua của châu Âu mùa giải 2008/09, nhưng đào sâu vào quá khứ, đội quân của Pep không xứng đáng vượt qua Chelsea ở bán kết.
90 phút trên sân vận động quốc gia Singapore ghi nhận những điểm tương đồng nhất định với cuộc đấu tại Stamford Bridge. Quá nhiều "chi tiết nhỏ" đã xuất hiện với mẫu số chung: Có lợi cho người Thái, bất lợi cho tuyển Việt Nam, từ thẻ vàng với Tuấn Anh ngay phút thứ 3, bỏ qua pha đánh nguội của Theerathon với Quang Hải, không rút thẻ đỏ với thủ môn Chatchai khi kéo ngã Văn Toàn, không thổi phạt đền vào cuối trận dù bóng chạm tay cầu thủ Thái Lan trong vùng cấm.
Tình huống thủ môn Chatchai kéo ngã Văn Toàn đầy thô thiển là minh chứng hoàn hảo của ranh giới mỏng manh bị cán qua phũ phàng này. Dư luận đang chia hai nửa: Một bên tin thủ môn Chatchai xứng đáng nhận thẻ đỏ. Bên còn lại khẳng định thủ môn Thái Lan không phải người cuối cùng trong hàng phòng ngự "Voi chiến", và chưa chắc Văn Toàn đã ghi được bàn nên đây chỉ là tình huống xứng đáng nhận thẻ vàng.
Không hiếm trọng tài sẽ rút thẻ đỏ trực tiếp với người gác đền của Thái Lan và ngược lại. Chính các trọng tài cũng bị chia rẽ bởi tình huống bất bình thường này.
Ranh giới trắng - đen trong những pha bóng như vậy nằm cả ở năng lực đánh giá tình huống của người cầm cân nảy mực. Và trong ngày tạo ra nhiều bất lợi cho tuyển Việt Nam, trọng tài người Qatar chỉ dành cho thủ môn Thái Lan thẻ vàng, quyết định trực tiếp giẫm đạp lên ranh giới thắng - thua.
Dĩ nhiên, ranh giới giữa Việt Nam và Thái Lan còn nằm ở Nguyễn Phong Hồng Duy. Cú trượt chân của hậu vệ HAGL làm sụp đổ mọi toan tính HLV Park Hang-seo giăng ra trước người Thái. Bàn thắng biếu không này giải tỏa mọi áp lực người Thái phải đối mặt trước Việt Nam.
Họ có bàn dẫn trước và hiểu rõ hàng phòng ngự bất khả chiến bại của Việt Nam tại vòng bảng AFF Cup 2020 rốt cuộc cũng đầy rẫy những điểm yếu.
Bóng đá không phải cuộc chơi sòng phẳng như đấu súng miền viễn tây, khi ai rút súng bắn nhanh hơn là người thắng. Đó đã, đang và sẽ luôn là những cuộc chiến với đầy đủ toan tính thiệt hơn, tiểu xảo, thậm chí không dành cho đám đông khi đội thắng có lúc phải giẫm đạp lên những nguyên tắc cơ bản.
Chanathip đã gặp vấn đề về tâm lý và cảm giác bóng từ đầu giải và chưa có bàn. Thứ ngôi sao này cần nhất là bàn thắng để giải phóng sức ỳ trong đôi chân và cả cái đầu. Thứ tuyển Việt Nam cần làm là không cho Chanathip chạm tới đích đến ấy bằng mọi cách, có thể là nhấn chìm nhạc trưởng của người Thái bằng sức ép của tranh chấp tay đôi, tiểu xảo và đôi khi là cả khiêu khích.
Song Hồng Duy khiến mọi toan tính sụp đổ với cú trượt chân tai hại. Lợi thế biếu không cho đối thủ ấy đơn giản là không thể cứu vãn. Nó kéo theo màn trình diễn lên đồng của thủ quân Thái Lan, điều không ai muốn phải đối mặt khi chạm trán "Voi chiến".
Tuyển Việt Nam thua kình địch Thái Lan 0-2, chúng ta trách ai? Trách Hồng Duy làm hỏng kế hoạch hay trách trọng tài xử ép? Khó nói rõ được khi ranh giới thắng - thua giữa hai bên cứ chập chờn trắng đen và bị cán qua đầy phũ phàng bằng các quyết định tranh cãi như thế.
Song nhìn và hiểu rõ ranh giới ấy có lẽ nên chỉ là góc nhìn của giới quan sát. Các cầu thủ cùng ban huấn luyện tuyển Việt Nam không cần nếm trải lại sự mệt mỏi này khi trận lượt về sẽ diễn ra sau đây 2 ngày.
Khoảng cách 2 bàn không phải điệp vụ bất khả thi. Quang Hải và các đồng đội có đủ năng lực để kéo lùi, thậm chí khỏa lấp ranh giới ấy. Tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo chưa và sẽ không phải tập thể dễ bỏ cuộc và gục ngã trước nghịch cảnh.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ranh-gioi-giua-tuyen-viet-nam-va-thai-lan-post1285243.html