Ranh giới sinh tử ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM
Rút máy thở là thời khắc đặc biệt trong công việc điều trị bệnh nhân của các y, bác sĩ hồi sức cấp cứu Covid-19. Lúc này, bệnh nhân tiến triển tốt hoặc không qua khỏi.
“Cố gắng cấp cứu ca này, một người nhưng 3 mạng”, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM, nhắn nhủ khi ê-kíp của mình.
Nữ bệnh nhân mắc Covid-19 mang song thai, phổi tổn thương nặng, đang được thở máy tại Bệnh viện Trưng Vương. Sau 15 phút hội chẩn qua điện thoại, bác sĩ Linh, bác sĩ Chinh, bác sĩ Việt Anh, bác sĩ Thành và điều dưỡng Hải chuẩn bị dụng cụ hỗ trợ, máy thở và máy ECMO khẩn trương lên đường.
Gần 0h, chuyến xe cấp cứu chở 5 bác sĩ và hy vọng sống cuối cùng của sản phụ mang song thai mắc Covid-19 đang nguy kịch.
"Một bệnh nhân, ba sinh mệnh"
Ngày thứ 4 ở Bệnh viện hồi sức Covid-19, chị P.H.T.T. nằm bất động giữa đống máy móc và dây truyền dịch. Thành bụng thỉnh thoảng lại nhấp nhô vì hai sinh linh bé nhỏ quẫy đạp bên trong. Thai phụ này là một trong 4 bệnh nhân nguy kịch đang phải chạy ECMO tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM.
Mang thai được 28 tuần thì chị T. mắc Covid-19, tình trạng bệnh diễn biến xấu đi nhanh chóng, phổi tổn thương. Giờ đây, sự sống của chị cũng như hai đứa bé trong bụng, phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở và máy ECMO (tim phổi nhân tạo).
Bác sĩ Trần Hữu Chinh bước vào buồng bệnh, quan sát kỹ các chỉ số trên hàng loạt màn hình như SpO2, huyết áp, nhịp tim... So với những ngày đầu, giờ đây tình trạng chị T. đã tiến triển rõ rệt.
"Bệnh nhân đã có ý thức, mạch tốt, oxy trong máu cải thiện, chụp X-quang phổi phục hồi, chỉ số máy thở đã giảm", bác sĩ Chinh nói.
Tuy nhiên, diễn biến sức khỏe ở những bệnh nhân mang thai luôn rất khó lường, đặc biệt phải đảm bảo tính mạng cho cả mẹ lẫn con. Bởi vậy lượng oxy luôn cần nhiều hơn.
Từ lúc đi đặt ECMO trong đêm đến khi nhập viện, bác sĩ Chinh được phân công phụ trách chính, theo dõi tình trạng của sản phụ mang song thai mắc Covid-19.
Đều đặn mỗi buổi sáng, anh đến khám, cho thuốc và siêu âm thai nhi. "Chúng tôi đặt mục tiêu phải đảm bảo sự an toàn cho cả 3 mẹ con", nam bác sĩ chia sẻ.
Điều trị Covid-19 cho những bệnh nhân mang thai rất phức tạp. Một số loại thuốc có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi như kháng sinh, thuốc giãn cơ. Vì vậy, bác sĩ Chinh cùng đội ngũ đang cố gắng ngừng thuốc càng sớm càng tốt.
"Ngày nào thấy được sinh hiệu, tim thai tốt thì chúng tôi mừng ngày đó. Với tình trạng tiến triển như hiện tại của bệnh nhân, chúng tôi sẽ giảm dần máy thở và giảm ECMO, tập cho nữ bệnh nhân tự thở. Nếu thuận lợi, khoảng 4-5 ngày nữa sẽ cai máy thở", bác sĩ Chinh chia sẻ.
Thai phụ này là một trong 4 bệnh nhân rất nặng đang được chạy ECMO tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM.
Một tín hiệu đáng mừng là những ngày qua, nhiều bệnh nhân có tiến triển tốt, được cai máy thở để phục vụ những bệnh nhân nguy kịch khác được chuyển đến.
Giữa lằn ranh sinh tử
Nằm trên xe cứu thương, một bà cụ mắc Covid-19 nói vọng tới những y, bác sĩ đang đứng sau xe.
- Bác sĩ ơi, tôi bị tai biến, chữa cho tôi với...
- "Bà chờ chút rồi con đưa bà vào viện, bà thở đều nhé", điều dưỡng Lương Ngọc Hồng Trang vừa trấn an vừa đỡ bà cụ uống nước.
Sau khi đánh giá chung tình trạng bệnh nhân, kíp trực của điều dưỡng Trang nhanh chóng thay bình oxy và đưa bà cụ lên lầu 6, nơi điều trị bệnh nhân có bệnh nền và triệu chứng của Bệnh viện Hồi sức Covid-19.
Từ lúc vào ca trực, điều dưỡng Trang và các đồng nghiệp tại khu cấp cứu liên tục tiếp nhận bệnh nhân. Những ca trực gần đây vất vả hơn do bệnh viện đang mở rộng khu điều trị.
Bệnh viện đang điều trị hơn 400 bệnh nhân Covid-19 nặng. Trong tuần tới, cơ sở này sẽ mở rộng công suất lên 700 giường.
Đêm xuống, ê-kíp bác sĩ trực nhận bệnh gồm 6 người vẫn ngồi phía ngoài sảnh. Chờ đợi những chuyến xe cấp cứu đến và đi.
Khu vực cấp cứu và tiếp nhận bệnh được phụ trách bởi Bệnh viện Nhân dân Gia Định và những y, bác sĩ của Sở Y tế Hải Phòng chi viện.
Trên tầng 2, công việc trong khoa hồi sức bệnh nhân nguy kịch vẫn quay cuồng không kể ngày đêm. Các bác sĩ luôn phải để ý những ca bệnh mới liên tục vào, đôi lúc lại xử trí những bệnh nhân có chuyển biến nặng.
"Có bệnh nhân ngưng tim", tiếng một điều dưỡng nói lớn từ phóng số 15. Bác sĩ Duy vội vã chạy đến.
Sau gần 2 phút ép tim ngoài lồng lực, nhịp tim bệnh nhân trở lại, bác sĩ Duy thở phào.
22h, bác sĩ trực liên tục tiếp nhận những cuộc gọi chuyển bệnh. Đôi lúc là hội chẩn từ xa cho các bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến dưới.
Để đảm đương việc chăm sóc, điều trị sát sao tất cả bệnh nhân nặng và nguy kịch tại đây, nhân viên y tế hầu như làm việc xuyên suốt, không phân chia thời gian, tính ra gấp 5 lần so với bình thường, bởi bệnh nhân hồi sức cần nhiều nhân lực để chăm sóc hơn.
Gần 23h, điều dưỡng Dũng lặng lẽ rút máy thở, dây truyền dịch cho một bệnh nhân được bác sĩ thông báo tử vong. Ca tử vong hơn 80 tuổi với nhiều bệnh lý nền.
Đây là lần thứ hai trong ca trực nam điều dưỡng làm điều này. Khi chiếc xe chở bệnh nhân tử vong được đẩy ra ngoài, một vài người trong ca trực lặng lẽ nhìn theo. "Mỗi khi nhìn một bệnh nhân tử vong, chúng tôi luôn thấy đó là một phần trách nhiệm của mình", bác sĩ Trần Hữu Chinh chia sẻ.
Hy vọng
Trong khu hồi sức của Bệnh viện Nhân dân 115 phụ trách, những bệnh nhân hồi phục ngày một nhiều, đa số đang thở oxy mask hoặc oxy gọng, chỉ còn một số phải đặt nội khí quản.
"Thêm một ca chuyển lên lầu 9 nhé", điều dưỡng Phi nói với đồng nghiệp rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân cùng đồ đạc đi. Lầu 9 là nơi điều trị những bệnh nhân đã hồi phục, chỉ còn biểu hiện nhẹ. Nếu tiếp tục tiến triển tốt sẽ chuyển những bệnh nhân này xuống bệnh viện dã chiến để theo dõi, điều trị.
Điều dưỡng Phi đến cạnh một bệnh nhân Covid-19 vừa tỉnh lại, hỏi thăm vài câu và bắt đầu đút những thìa cháo cho bệnh nhân.
Ngoài điều trị chuyên môn, các bác sĩ và điều dưỡng còn tự tay lo 5 bữa ăn, vệ sinh cá nhân cho các bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Hữu Chinh xuống ca, anh ăn vội hộp cơm rồi trở về phòng để gọi điện cho vợ. Anh tham gia chống dịch ở Bệnh viện Chợ Rẫy từ 5/7, sau đó tiếp tục xuống Bệnh viện hồi sức Covid-19. Cũng từng đó, vợ anh ở nhà một mình.
Mỗi ngày thức dậy, anh lại theo dõi tin tức và mong chờ số ca mắc Covid-19 giảm để có thể về với vợ. Vợ đang mang thai 28 tuần, anh mong sớm được trở về nhà để cùng đón con khi chào đời.
Đó cũng là một điều trùng hợp khi bệnh nhân mà anh điều trị cũng đang mang song thai. "Mỗi lần nhìn chị T. tôi lại nghĩ đến vợ, sợ lắm. Tôi luôn tự nhủ không được phép để xảy ra chuyện gì với chị và hai đứa bé đang chờ ngày ra đời", bác sĩ Chinh chia sẻ.
Phía phòng đối diện, trên chiếc xe lăn, không khăn phủ, không gương, bác sĩ Lực tận hưởng cảm giác thoải mái khi được bác sĩ Nguyên hớt tóc. Anh cũng không nhớ rõ lần gần đây nhất mình đi hớt tóc ở tiệm là khi nào.
"Cứ hớt ngắn cho em nhé, trong này không cần đẹp gì nữa đâu", anh Lực nói với người "thợ hớt tóc" bất đắc dĩ.
Ngày 25/7, tròn 10 ngày Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM thành lập. Dòng tin nhắn ấm áp được các y, bác sĩ gửi cho nhau trong group chung:
"Một sáng chủ nhật cuối tháng 7, trời không trong xanh, buồn như trong thành phố trong mùa dịch dã. 10 ngày trôi qua rồi, không biết còn mấy cái 10 ngày nữa, có thể 3, 4 hay 5, 6... Thôi thì kệ đi.
Có những con người ở đây, cùng nhau kiên cường dốc sức, cầu cho bệnh nhân may mắn, cầu cho nhân viên y tế thành phố kiên cường mạnh mẽ. Cố lên nhé các anh chị em nhà Chợ Rẫy".