Rao bán nhà ồ ạt trong phố cổ Hội An
Hiện trên các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi ở trung tâm phố cổ Hội An có rất nhiều căn nhà đang được rao bán có giá vài chục tỷ đồng.
Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam được biết đến là di sản văn hóa thế giới. Nơi đây có cộng đồng dân cư sinh sống đã tạo nên hồn cốt cho phố cổ. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn trở lại đây, chủ sở hữu tư nhân ồ ạt rao bán những ngôi nhà cổ này.
Hiện trên các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi ở trung tâm phố cổ Hội An có rất nhiều căn nhà đang được rao bán có giá vài chục tỷ đồng, tương đương hàng triệu USD, đối với diện tích xấp xỉ hoặc hơn 100 m2.
Nhiều ngôi nhà cổ thuộc chủ sở hữu tư nhân là người Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây họ đã mua lại của người dân Hội An để mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách du lịch phục hồi chưa đáng kể khiến việc làm ăn kinh doanh của người thuê nhà cũng giảm theo.
Trong khi đó, giá thuê nhà vẫn cao nên người thuê đành chọn giải pháp đóng cửa và trả lại nhà… Không có người thuê, các chủ nhà mới rao bán với kiểu được giá thì bán không thì cứ để đó.
Nhiều người dân gốc Hội An sống ở trong phố cổ chia sẻ, họ không muốn "chia tay" ngôi nhà hàng trăm năm của cha ông để lại mà thường gắn bó để lưu truyền đến các đời sau.
Bà Trần Thị Minh Thúy có căn nhà cổ nằm trên tuyến phố Nguyễn Thái Học - vùng lõi của di tích phố cổ Hội An. Thời điểm trước dịch COVID-19, dù được trả hơn 40 tỷ đồng nhưng bà quyết không bán do gia đình đã gắn bó nhiều đời với nơi này. Nhưng trường hợp như bà Thúy không nhiều. Riêng tuyến phố này, hầu hết nhà cổ đã sang nhượng từ lâu.
"Gia đình quyết định không bán để lại làm nhà thờ và tự kinh doanh. Nhìn thấy hàng xóm bán và chuyển đi nơi khác mình cũng buồn, nhưng gia đình vẫn quyết định giữ lại…" - bà Thúy chia sẻ.
Không chỉ các ngôi nhà trong phố cổ được rao bán ồ ạt mà hiện nay trên toàn thành phố Hội An còn có rất nhiều hộ gia đình và đơn vị kinh doanh du lịch cũng rao bán nhà cũng như cơ sở kinh doanh.
Anh Đỗ Ninh Hải, ở đường Nguyễn Duy Hiệu cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hội An có rất nhiều biển treo bán nhà sau thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát. Ở ngay quanh nhà anh cũng đã có từ 4-5 nhà treo biển bán…
Tỉnh Quảng Nam đã nắm bắt được tình trạng này và mới đây, trong cuộc họp với đoàn giám sát của Ban thường Vụ Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID -19, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện doanh nghiệp trên địa bàn đang tập trung phục hồi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng cho vay còn cao, chưa giảm nhiều đã gây khó khăn cho hoạt động vay vốn và tình hình tài chính của doanh nghiệp, khan hiếm nguồn vốn phát triển. Nhiều doanh nghiệp phải cầm cố hoặc bán tài sản để khôi phục đầu tư.
Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hội An có hơn 60 doanh nghiệp rao bán nhà và khách sạn… Hội An có hơn 1.000 nhà cổ nhưng chỉ 10% do Nhà nước quản lý; 20% do tập thể sở hữu gồm: nhà thờ tộc và hội quán, nhà lưu niệm dòng họ. Còn lại do tư nhân sở hữu chiếm tới 70%; trong đó, chỉ có 30% của người gốc Hội An.
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện các di tích trong phố cổ được xem như hàng hóa. Theo luật quy định thì được mua bán chuyển nhượng, không có quy định nào cấm hay không cho phép cả. Có năm, có đến 50 ngôi nhà mua bán chuyển nhượng, đặc biệt là các nhà thuộc sở hữu tộc họ.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn, Hội An hiện có hơn 1.000 ngôi nhà cổ; trong đó, gần 100 ngôi nhà cổ trong diện nhà nước quản lý, chiếm khoảng 10%. Khi những ngôi nhà này xuống cấp sẽ được tu sửa theo đúng quy định. Những căn nhà do tư nhân sở hữu có khoảng 30% thuộc về người gốc Hội An sở hữu. Còn lại của cá nhân từ Hà Nội, Sài Gòn mua lại và mở cửa hàng kinh doanh. Họ tìm cách sửa từng chi tiết để phục vụ mục đích kinh doanh nên khó quản lý.
Cũng theo ông Sơn, hiện Phố cổ Hội An đang xảy ra tình trạng phai nhạt "hồn" phố, bởi hiện nay 70% căn nhà cổ được chủ nhà cho người khác thuê buôn bán. Nếu như trước đây, nhà cổ ở Hội An có 3 chức năng: dùng để ở, buôn bán và thờ cúng thì nay chỉ còn buôn bán và đây là thực trạng nhức nhối của Hội An hiện nay.
Thời gian tới, Hội An sẽ thu bớt nhà cổ của các đơn vị sự nghiệp như trung tâm văn hóa, bảo tàng. Sau khi trùng tu thì xây dựng phương án khai thác và sẽ đấu giá theo chủ đề. Đơn cử như nhà trên đường Phan Bội Châu thì đang làm phố trà, phố thuốc bắc… thì dần dần sẽ trả lại cho Hội An những chức năng hoạt động như ngày xưa, khoảng đầu thế kỷ XX.
Quan điểm của chính quyền thành phố là phải làm cho đời sống người dân tốt đẹp hơn nhưng hạn chế việc biến nhà cổ thành điểm phục vụ kiếm tiền, gây biến dạng di sản. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này không dễ mà cần có nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ. Chính quyền thành phố sẽ có đề án báo cáo với tỉnh, thậm chí cả Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để có các giải pháp bảo tồn - ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/rao-ban-nha-o-at-trong-pho-co-hoi-an/299199.html