Rào cản cho tham vọng bành trướng của chuỗi nhà thuốc An Khang

Từng được lãnh đạo tự tin về khả năng bành trướng, thế nhưng chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động lại chìm trong thua lỗ, đóng cửa hàng trăm cửa hàng.

Chuỗi nhà thuốc An Khang tiền thân là nhà thuốc Phúc An Khang, được thành lập năm 2002. Đến năm 2018, Thế Giới Di Động bắt đầu đã tiến hành mua 634.100 cổ phần, tương đương 49% vốn chuỗi Phúc An Khang với giá trị 62 tỷ đồng rồi đổi tên thành nhà thuốc An Khang.

Thời gian đầu mua lại, Thế Giới Di Động không phát triển mạnh mảng dược phẩm vì tập trung cho nhiều mảng kinh doanh khác. Phải đến tháng 11/2021, sau khi công ty thực hiện mua gần 1,3 triệu cổ phiếu với giá phí hợp nhất kinh doanh là 52,2 tỷ đồng, qua đó sở hữu 100% vốn An Khang, thì Thế Giới Di Động mới thực sự dồn lực cho mảng dược phẩm.

Đuối sức, bỏ dở mục tiêu

Sau khi được Thế Giới Di Động dồn lực, chỉ trong nửa đầu năm 2022, An Khang đã liên tục mở rộng quy mô từ 178 lên 510 cửa hàng. Thời điểm đó, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động là ông Đoàn Văn Hiểu Em đã bày tỏ sự tự tin về khả năng bành trướng của chuỗi nhà thuốc này, thể hiện qua việc công bố mục tiêu cuối năm 2022 có 800 cửa hàng và nâng lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2023.

Thế nhưng "người tính không bằng trời tính", đến cuối năm 2022 số lượng nhà thuốc An Khang đã thu hẹp về 500 cửa hàng, do thị trường thị trường "quá nhiều biến đổi và khó khăn".

Thời điểm cuối năm 2023, chuỗi này có 527 nhà thuốc, nhưng đến cuối quý II năm nay chỉ còn 481 cơ sở, đồng nghĩa với việc có 46 nhà thuốc bị đóng cửa.

Đáng chú ý, Thế Giới Di Động còn dự kiến giảm xuống 300 cửa hàng vào cuối năm nay, tương đương với việc sẽ có khoảng 181 nhà thuốc bị đóng cửa từ nay đến cuối năm 2024.

Không chỉ "xóa sổ" các cửa hàng trong chuỗi nhà thuốc An Khang, theo báo cáo nửa đầu năm 2024, Thế Giới Di Động đã đẩy mạnh rà soát và đóng các cửa hàng không đạt hiệu quả. Nửa đầu năm nay, MWG đã đóng hàng trăm cửa hàng Điện Máy Xanh, xuống còn 2.093 cửa hàng; gần trăm cửa hàng Thế Giới Di Động xuống còn 1.024 cơ sở.

Chìm trong thua lỗ

Về tình hình tài chính, sau 1 năm được Thế Giới Di Động rót vốn, chuỗi nhà thuốc An Khang ghi nhận lỗ gần 6 tỷ đồng vào năm 2019 và tiếp tục lỗ 6,4 tỷ đồng vào năm 2020. Ba quý đầu năm 2021, chuỗi này đã lỗ thêm 4,5 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên 16,9 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2021, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng An Khang khoảng 340 – 350 triệu đồng.

Trong năm 2022, khi đẩy mạnh chiến lược mở rộng cửa hàng mạnh mẽ, nhà thuốc An Khang đã báo lỗ đậm tới 306 tỷ đồng. Tình hình này còn xấu đi khi sang năm 2023, chuỗi nhà thuốc này báo lỗ 343 tỷ đồng. Điểm sáng là doanh thu bình quân hàng tháng mỗi cửa hàng đã được cải thiện từ mức 280 triệu đồng hồi đầu năm 2023 lên 450 triệu đồng vào cuối năm.

Đến nửa đầu năm 2024, An Khang tiếp tục lỗ hơn 172 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên gần 834 tỷ đồng. Hiện doanh thu trung bình của nhà thuốc này là 500 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Thế nhưng theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, để đạt điểm hòa vốn thì mỗi nhà thuốc cần đạt doanh thu 550 triệu đồng/tháng.

Trong định hướng kinh doanh năm 2024, Thế Giới Di Động đã không còn nhắc đến hai từ "lợi nhuận" khi nói về mục tiêu của An Khang. Năm nay, công ty muốn chuỗi này duy trì tăng trưởng hai chữ số, đồng thời gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước cuối năm.

Năm 2024, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động xác định mô hình kinh doanh của An Khang là chuỗi nhà thuốc ở những vị trí thuận tiện, dễ tiếp cận, có diện tích nhỏ gọn trong khoảng 30-40 m2 nhưng vẫn đảm bảo yếu tố trưng bày và đủ thuốc để phục vụ hầu hết nhu cầu của khách hàng.

Ước tính, thuốc chiếm khoảng 65-70% danh mục sản phẩm kinh doanh của nhà thuốc An Khang. Con số này chênh lệch không nhiều với đối thủ FPT Long Châu là chiếm đến 70-80% và cao hơn hẳn so với Pharmacity với tỉ trọng thuốc khoảng 27-40%.

An Khang có thể lỗ thêm gần 600 tỷ đồng trong hai năm nữa

Trong báo cáo cập nhật triển vọng Thế giới Di động, SSI Research đã nhận định chuỗi nhà thuốc An Khang tiếp tục lỗ trong năm 2024 và 2025.

Theo SSI Research, các nhà thuốc thương mại hiện đại ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn để giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ lẻ và nhà thuốc bệnh viện, chiếm khoảng 85% tổng giá trị thị trường trong năm 2023.

Do An Khang không tập trung nhiều vào mảng thuốc kê đơn cho các bệnh mãn tính như đối thủ Long Châu nên sẽ khó giành được thị phần từ nhà thuốc bệnh viện.

Chuỗi nhà thuốc An Khang có thể lỗ 339 tỷ đồng năm 2024 và 243 tỷ đồng trong năm 2025.

Chuỗi nhà thuốc An Khang có thể lỗ 339 tỷ đồng năm 2024 và 243 tỷ đồng trong năm 2025.

Thay vào đó, An Khang vẫn có cơ hội giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ hơn trong dài hạn nhờ có hóa đơn điện tử, giúp bệnh nhân có thể làm đơn bồi thường từ bảo hiểm y tế tư nhân và thuốc có nguồn gốc rõ ràng, điều này vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn An nhà thuốc Khang có thể vẫn cần phải tinh chỉnh lại danh mục sản phẩm. Không giống như điện thoại điện máy, cơ cấu sản phẩm thuốc đa dạng hơn nhiều (>20K SKU cho dược phẩm, so với khoảng 3K SKU cho mảng điện thoại điện máy), do đó việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm sẽ mất rất nhiều thời gian.

Chính vì vậy, SSI dự báo chuỗi nhà thuốc vẫn có thể chưa có lãi trong năm 2024 và 2025.

SSI ước tính chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ đạt 2.500 tỷ đồng doanh thu và lỗ 339 tỷ đồng năm 2024; doanh thu 2.900 tỷ đồng nhưng lỗ 243 tỷ đồng trong năm 2025. Như vậy, ước tính chuỗi nhà thuốc An Khang có thể lỗ thêm 582 tỷ đồng trong 2 năm, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 1.416 tỷ đồng.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/rao-can-cho-tham-vong-banh-truong-cua-chuoi-nha-thuoc-an-khang-20424082015032121.htm