Rào cản tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra trong 2 ngày từ 28-29/9 tại Mỹ, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cam kết của Mỹ đối với khu vực. Tuy nhiên, ngay trước thềm hội nghị, Quần đảo Solomon tuyên bố sẽ không ký tuyên bố chung Hội nghị do Mỹ dự thảo.
Trước khi diễn ra Hội nghị, Mỹ thông báo sẽ công bố Chiến lược quốc gia đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với các quốc đảo Thái Bình Dương, trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đồng thời, Mỹ đã dự thảo và tiến hành đàm phán với các quốc đảo này về nội dung tuyên bố chung của Hội nghị với 11 điểm, tập trung vào: tăng cường quan hệ Mỹ-Thái Bình Dương, hợp tác giải quyết biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, an ninh và duy trì trật tự quốc tế.
Tuy nhiên, ngay trước thềm Hội nghị, Quần đảo Solomon đã gửi công hàm thông báo với tất cả các quốc đảo Thái Bình Dương về quyết định và lý do Solomon không đồng ý ký tuyên bố chung do Mỹ dự thảo.
Ban đầu, chỉ các quốc đảo tại Nam Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao chính thức với Mỹ mới được mời tham dự Hội nghị, ngoại trừ Quần đảo Cook, Niue, New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp. Tuy nhiên, sau khi các nhà lãnh đạo Đảo Thái Bình Dương đề nghị, Mỹ đã mở rộng thành phần tham gia Hội nghị cho các quốc đảo này, cũng như Australia và New Zealand.
Một số nhà lãnh đạo Thái Bình Dương đã mô tả dự thảo tuyên bố chung này tương đối giống với nội dung thỏa thuận thương mại và an ninh sâu rộng do Trung Quốc đề xuất ký kết với 10 quốc đảo Thái Bình Dương từ tháng 5/2022. Giới phân tích chính trị Australia đánh giá, Dự thảo tuyên bố được xây dựng nhằm cung cấp một khuôn khổ hợp pháp cho sự can dự mạnh mẽ của Mỹ ở Thái Bình Dương; vừa tăng cường hiện diện ngoại giao, quân sự và phát triển và thương mại khu vực, vừa để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này.
Thông báo đột ngột của Quần đảo Solomon đã phủ bóng lên Hội nghị thượng đỉnh lần này, khiến cả Mỹ và Australia cũng như các đồng minh khu vực quan ngại hơn về lập trường của Solomon trong quan hệ với Mỹ, Australia và New Zealand, cũng như việc nước này ngày càng xích lại gần hơn với Trung Quốc. Đầu năm nay, Quần đảo Solomon cũng đã ký một hiệp ước an ninh với Trung Quốc, khiến Mỹ quan ngại sâu sắc về khả năng tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc tại khu vực.
Phản ứng trước quyết định của Quần đảo Solomon, đa số các quốc đảo Thái Bình Dương cũng bắt đầu đưa ra những ý kiến thận trọng về khả năng ký tuyên bố chung với Mỹ tại Hội nghị lần này. Một số quốc gia Thái Bình Dương hoan nghênh sự tham gia ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực, nhưng phải tuân theo các điều kiện của các nước này.
Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo cho biết, các nhà chức trách Micronesia đã nhiều lần đàm phán với giới chức Mỹ về nội dung dự thảo tuyên bố chung; khẳng định tầm quan trọng của Hội nghị lần này cũng như mong muốn hội nghị sẽ tập trung nhiều hơn vào việc củng cố chủ nghĩa khu vực Thái Bình Dương, giải quyết biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ chuẩn bị và ứng phó với thiên tai, trong đó, nhấn mạnh việc hợp tác, hỗ trợ giải quyết dịch Covid-19, hỗ trợ y tế và thúc đẩy không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mata'afa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình trong khu vực và nói rằng bà không muốn thấy sự hiện diện quân sự gia tăng của Mỹ ở Thái Bình Dương theo bất kỳ hình thức nào.
Giám đốc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương của Viện Lowy, bà Meg Keen đánh giá, cuộc gặp thượng đỉnh của Mỹ với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương là rất quan trọng, nhưng phải dẫn đến kết quả thực sự. Trong đó, việc đạt được một tuyên bố chung là mấu chốt, vì đó là một tín hiệu cho sự can thiệp mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực này. Việc Mỹ vừa mở đại sứ quán tại quần đảo Solomon, Kiribati và Tonga là một ví dụ thực tế.
Tuy nhiên, những cam kết về nguồn tài chính được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh hôm nay sẽ là một thách thức đối với Mỹ. Những cam kết đó phải được chuyển thành hành động, và điều đó cần có nguồn tài chính, và khoản tài trợ đó phải được đưa ra Quốc hội để thông qua. Thực tế, điều này không hề dễ dàng. Do đó, Hội nghị lần này được dự báo là sẽ khó có thể đạt được kết quả như Mỹ mong muốn./.