Rào cản tới quốc tế hóa giáo dục Đại học

Quốc tế hóa giáo dục đại học tại Việt Nam đang trên đà phát triển khi lượng sinh viên nước ngoài đến học tập, trao đổi ngày càng tăng.

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành kết bạn và trao đổi văn hóa với sinh viên quốc tế, tăng cường sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, tháng 8/2024. Ảnh: NTTU

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành kết bạn và trao đổi văn hóa với sinh viên quốc tế, tăng cường sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, tháng 8/2024. Ảnh: NTTU

Tuy nhiên, quá trình này vẫn chưa đạt được kỳ vọng, đòi hỏi sự cải thiện về chất lượng đào tạo, dịch vụ hỗ trợ và nguồn kinh phí.

Thu hút sinh viên quốc tế

Năm học 2023 - 2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) đã tiếp nhận 182 sinh viên quốc tế từ 14 quốc gia, đến từ nhiều trường danh tiếng như Đại học Paris 1, Đại học Quốc gia Singapore hay Đại học Chulalongkorn (Thái Lan). Sinh viên đến trao đổi theo ba hình thức chính: Học tín chỉ, tham gia khóa học ngắn hạn và giao lưu văn hóa.

“Tuy không tạo ra nguồn thu đáng kể từ nguồn sinh viên trao đổi này, nhưng trường đã từng bước xây dựng hình ảnh trong khu vực và trên thế giới trong các trường đại học cùng khối ngành”, đại diện Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết.

Tương tự, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đã đón nhận 160 sinh viên quốc tế trong năm 2023 thông qua nhiều hình thức khác nhau như toàn thời gian, trao đổi tín chỉ, văn hóa và chương trình được thực hiện theo yêu cầu của đối tác.

Chia sẻ tại hội thảo về thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế đến học tập và làm việc tại TPHCM, PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, cũng là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới. Cùng với việc quy tụ hàng loạt các cơ sở giáo dục hàng đầu cả nước, TPHCM có nhiều lợi thế để trở thành nơi thu hút sinh viên và giảng viên nước ngoài đến học tập và làm việc lâu dài.

“Chúng tôi sớm nhận thấy tác động to lớn của quốc tế hóa giáo dục đại học nói chung và đón tiếp sinh viên và học giả quốc tế theo học tại trường nói riêng. Hiện tỷ lệ sinh viên quốc tế chỉ chưa tới 1%, khá khiêm tốn so với quy mô toàn trường nhưng cao hơn gấp đôi mức trung bình của các trường đại học cả nước”, ông Hạ thông tin.

Trong 5 năm qua, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng đã tiếp nhận khoảng 10.000 sinh viên quốc tế đến học tập, thực tập, trao đổi và giao lưu văn hóa. Riêng trong năm học 2023 - 2024, trường đón khoảng 2.000 sinh viên nước ngoài, theo học các ngành như Việt Nam học, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, điện - điện tử...

Tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), số lượng sinh viên quốc tế cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể. Trong vòng 5 năm qua, số sinh viên quốc tế tham gia chương trình trao đổi tín chỉ đã tăng gần gấp đôi mỗi năm. Tính đến nay, trường có 612 sinh viên quốc tế theo học, bao gồm cả chương trình đào tạo chính quy và trao đổi học thuật.

 PGS. TS Lại Quốc Đạt chia sẻ kinh nghiệm thu hút sinh viên quốc tế của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: HCMUT

PGS. TS Lại Quốc Đạt chia sẻ kinh nghiệm thu hút sinh viên quốc tế của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: HCMUT

Chưa đạt kỳ vọng

Dù số lượng sinh viên quốc tế tăng nhanh tại nhiều trường đại học nhưng theo PGS.TS Lại Quốc Đạt - Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại - Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), quá trình quốc tế hóa giáo dục vẫn chưa đạt kỳ vọng. Đến năm học 2023 - 2024, mới chỉ có khoảng 22.000 sinh viên người nước ngoài đến học tập tại Việt Nam, bằng một phần ba so với mục tiêu của Chính phủ.

“Trong tổng số sinh viên đang học tại các trường đại học Việt Nam, người nước ngoài chỉ chiếm khoảng 0,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% vào năm 2020”, ông Đạt thông tin. Hiện tại, sinh viên quốc tế đến Việt Nam chủ yếu học bậc đại học, số người lựa chọn chương trình sau đại học rất ít.

Đối với các chương trình đào tạo dài hạn, phần lớn sinh viên đến từ Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore theo diện hiệp định thỏa thuận song phương. Sinh viên quốc tế thường học các ngành liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa và chính trị. Ở hệ ngắn hạn, sinh viên từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Philippines và Pháp thường đến theo diện trao đổi hoặc giao lưu văn hóa.

Bà Hoàng Vân Anh - Giám đốc chương trình Giáo dục Hội đồng Anh chia sẻ, kết quả khảo sát của Hội đồng Anh với sinh viên quốc tế cho thấy, sinh viên theo học các chương trình dài hạn tại Việt Nam chỉ tập trung ở 5 trường đại học trên tổng số 123 trường được khảo sát. “Điều này cho thấy chỉ một số ít trường đại học của Việt Nam có khả năng thu hút sinh viên quốc tế. Các trường cần xem xét lại chính sách và chiến lược quốc tế hóa của mình”, bà Vân Anh nhấn mạnh.

Để tăng sức hút với sinh viên quốc tế và tín nhiệm từ các trường đối tác, PGS.TS Lại Quốc Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo và kiểm định chất lượng giáo dục. Các trường cần phát triển chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, đồng thời xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ, chính sách và cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy của sinh viên quốc tế.

“Việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và gia tăng các công bố quốc tế không chỉ là nhiệm vụ tất yếu mà còn là giải pháp quan trọng để quảng bá hình ảnh nhà trường, tạo ấn tượng tốt với đối tác nước ngoài”, ông Đạt khẳng định.

Theo kinh nghiệm của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), các trường đại học cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các trường quốc tế. Việc thiết kế và gửi các tài liệu giới thiệu chương trình học bằng tiếng Anh đến đối tác hằng năm là một cách hiệu quả để thu hút sinh viên.

Ngoài ra, một yếu tố khác góp phần không nhỏ vào sự thành công trong thu hút sinh viên quốc tế là mô hình Buddy 1-1 với sự hỗ trợ từ đội ngũ cộng tác viên của trường. Sinh viên quốc tế được hỗ trợ từ lúc bắt đầu nộp hồ sơ xin visa, tìm kiếm chỗ ở trọ; sau đó là cùng học và trao đổi văn hóa, cùng sát cánh trong những chuyến đi thực tế, tham quan.

Điều này tạo ra một hình ảnh tốt trong việc thu hút sinh viên nước ngoài. Đồng thời, sinh viên của trường cũng được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, tăng cường ngoại ngữ và có cơ hội giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Báo cáo của Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) chỉ ra lượng sinh viên quốc tế đến trường cao gấp 3 lần so với số sinh viên của trường được gửi đi. Điều này cho thấy nguồn kinh phí giới hạn của trường nói riêng và của các trường đại học Việt Nam nói chung trong việc đưa sinh viên đi trao đổi. Nguồn kinh phí đầu tư cho quốc tế hóa giáo dục còn hạn chế. “Các trường cần bố trí thêm nguồn kinh phí cho sinh viên khi đi trao đổi”, nhà trường kiến nghị.

Lê Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/rao-can-toi-quoc-te-hoa-giao-duc-dai-hoc-post715594.html