'Rào cản' trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn gặp không ít khó khăn, 'rào cản'.
Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Thời gian qua, nông dân Thái Nguyên đã tích cực ứng dụng KHCN vào sản xuất, trong đó tập trung chuyển đổi sang nuôi trồng các giống cây, vật nuôi cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao; xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao…
Đến nay, cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, trong đó nông nghiệp chiếm 90,99% (trồng trọt: 42,95%, chăn nuôi: 52,66%, dịch vụ nông nghiệp: 4,39%), lâm nghiệp chiếm 4,93%, thủy sản chiếm 4,08%. Từ năm 2019 đến nay, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 4,04%/năm.
Có thể thấy, việc ứng dụng, chuyển giao KHCN đã có những đóng góp tích cực trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết: Trở ngại lớn nhất chính là sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn chủ yếu là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, rất khó phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, tỉnh chưa có nhiều mô hình có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ…
Ngoài ra còn một "rào cản" lớn khác là việc người dân phần lớn chỉ ứng dụng kỹ thuật chứ chưa chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn ở mức thấp, lĩnh vực chế biến bảo quản ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển…
Trước những “rào cản” đang hiện hữu, việc ngành Nông nghiệp tăng cường phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao được xem là một hướng đi đúng đắn. Cùng với đó là việc tích cực chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KHCN tiên tiến, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa gắn với các quy trình sản xuất tiên tiến.
Đặc biệt là tập trung chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học về giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo lợi thế của từng địa phương; tăng tỷ lệ sử dụng giống mới, ứng dụng quy trình sản xuất thâm canh, VietGAP... Đồng thời, khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cánh đồng mẫu... để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm nông sản, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP; quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các nền tảng số. Đồng thời, tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, địa phương vào xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, như: Sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…