Rào chắn bảo vệ trẻ trên không gian mạng: 'Áo giáp' vô hình

Internet có thể là một công cụ hiệu quả giúp trẻ em kết nối, khám phá, học tập và tham gia các hoạt động một cách sáng tạo, theo hướng được trao quyền. Nhưng để bảo vệ trẻ trong không gian này, không ít phụ huynh và người chăm sóc cũng gặp trở ngại khi cố gắng bắt kịp việc sử dụng công nghệ của trẻ em.

Thách thức nhỏ mà khó

Việc cung cấp kiến thức để an toàn trên không gian mạng cho trẻ hiện nay dù không quá khó, những vấn đề đặt ra tưởng chừng chỉ là câu hỏi nhỏ, nhưng không nhiều trẻ em được cung cấp đầy đủ kiến thức. Và kỹ năng an toàn trên mạng dù được triển khai ở nhiều trường học hiện nay, nhưng tùy vào lịch của mỗi trường, chứ chưa trở thành một môn học thật sự.

Trong quá trình làm việc và nghiên cứu về an toàn mạng cho trẻ em, Hoàng Nhật Minh (thành viên Saigon Children’s) phân tích: “Nhiều em nhỏ còn rất vô tư trong không gian mạng và chưa thể xử lý cũng như nhận diện rủi ro nguy hiểm cho mình, như chuyện phân biệt sự tử tế và việc bảo vệ những thông tin cá nhân của mình. Cần nói chuyện tử tế với mọi người trên mạng, nhưng không cần trả lời những câu hỏi của người lạ, đặc biệt là những câu hỏi về thông tin cá nhân. Hoặc cách phân biệt ai là người lạ, ai là người quen, một người lạ có thể kết bạn và trở thành bạn bè trên mạng xã hội; nhưng nếu không có nhiều thông tin về người đó ngoài đời thực, những người đó vẫn là người lạ”.

Th.S Trần Anh Duy (nghiên cứu sinh An toàn thông tin tại Trường KU Leuven, Bỉ) phân tích thêm: “Một số trang giả mạo chúng ta có thể nhận diện ra ngay, tuy nhiên cũng có một số trang web mà đối tượng lừa đảo có sự đầu tư cao thì rất khó nhận diện. Về cơ bản, “Áo giáp” vô hình một số thao tác kiểm tra bước đầu có thể hướng dẫn các em là kiểm tra các đường dẫn URL của trang web. Địa chỉ URL của các website chính thống thường bắt đầu bằng https:// và có biểu tượng ổ khóa ở phía trước. Kiểm tra tên miền có phải thuộc tên các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan uy tín không. Các bậc cha mẹ, hoặc thầy cô cũng có thể lên sẵn danh sách các website uy tín và cần thiết cho việc học và chỉ cho phép các em truy cập vào các website đó. Chi tiết hơn, người lớn có thể hướng dẫn các em xem kỹ nội dung của website và các đường dẫn, yếu tố liên kết trong các website mà các em truy cập. Phải hỏi ngay ý kiến của người lớn khi phát hiện trang có dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, một số tổ chức hiện nay cũng cung cấp các sản phẩm kiểm tra tính tin cậy của website hoặc các sản phẩm hỗ trợ nâng cao nhận thức trước các dấu hiệu lừa đảo như: https://antoanso.org/”.

Tò mò nhưng e ngại

Việc dễ dàng truy cập không gian mạng và việc các nền tảng mạng xã hội liên tục cập nhật xu hướng càng thu hút trẻ em. Hầu hết các em có tâm lý tò mò về những cái mới và e ngại trong việc tìm những kênh trợ giúp, tư vấn khi gặp rủi ro.

Báo cáo nghiên cứu Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng do ECPAT, INTERPOL và Văn phòng Nghiên cứu UNICEF - Innocenti thực hiện trong năm 2022, chỉ ra một thực tế có sự lo lắng, xấu hổ, lo sợ lộ thông tin cá nhân, bị chế giễu và hứng chịu cái nhìn tiêu cực từ dư luận do những yếu tố cản trở phụ nữ và trẻ em trình báo hành vi xâm hại tình dục.

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đồng tình rằng, rào cản văn hóa và thành kiến xã hội là những yếu tố dẫn tới sự nhìn nhận không đúng đắn về tội xâm hại trẻ em. Nhiều nạn nhân và gia đình nạn nhân vẫn không dám trình báo hành vi phạm tội do xấu hổ hoặc lo sợ bị xã hội phán xét.

Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn cho biết, hành vi xâm hại tình dục sẽ gây ra tổn hại tinh thần và thể chất nghiêm trọng đối với trẻ em, thậm chí có thể dẫn tới tử vong, bao gồm cả trường hợp tự sát. Họ cũng nói thêm, hầu hết kẻ phạm tội là người thân hoặc người quen của nạn nhân. Dữ liệu của các quốc gia trong nghiên cứu Ngăn chặn hành vi gây tổn hại đều xác nhận rằng, kẻ vi phạm thường có quen biết với nạn nhân.

Không gian mạng và các vấn đề đặt ra với trẻ em hay người trẻ là thách thức không hề nhỏ. Bên cạnh tiêu chuẩn cộng đồng trên các nền tảng, quy định pháp luật, thì một số mạng xã hội hiện nay như TikTok đặt máy chủ ở nước ngoài nên rất khó kiểm soát.

Thông tin về kết quả kiểm tra toàn diện TikTok vào đầu tháng 10 vừa qua, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết: “Đối tượng của đợt kiểm tra là 2 pháp nhân của TikTok tại Việt Nam gồm Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam. Tuy nhiên, từ thực tế kiểm tra, Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua website TikTok. com và ứng dụng TikTok. Việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam do TikTok Pte.Ltd (TikTok Singapore) trực tiếp quản lý, vận hành”.

Bài toán “bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” đặt trong lời giải cần sự chung tay liên ngành, từ cơ quan quản lý, gia đình, nhà trường… Nhưng có lẽ, liệu pháp mạnh hơn hết chính là cung cấp cho các em đầy đủ kiến thức để tự trang bị “áo giáp” cho mình trong “thế giới phẳng”.

Th.S-Luật sư NGÔ VIỆT BẮC - Trưởng Văn phòng Luật sư Sài Gòn Tây Nguyên, Đoàn Luật sư TPHCM:

Hoàn thiện hơn về hành lang pháp lý

Từ khi Luật An ninh mạng được áp dụng, đã thấy được hiệu quả của các quy định pháp luật đối với các hoạt động trên mạng. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu bước đầu, an ninh trên không gian mạng đứng trước nhiều nguy cơ với những hành vi vi phạm pháp luật của các tác nhân ngày càng tinh vi.

Hiện nay, Việt Nam về cơ bản đã có những quy định pháp luật rõ ràng và có tính áp dụng thiết thực điều chỉnh các hành vi xã hội. Tuy nhiên, việc số lượng tội phạm an ninh mạng nói chung vẫn đang cao cũng như tính bảo mật thông tin cá nhân của Việt Nam vẫn chưa thật sự tốt, bản thân tôi cho rằng, một phần xuất phát từ việc thực thi pháp luật. Hoạt động xét xử của tòa án đối với các vụ án vi phạm pháp luật an ninh mạng có vai trò và sức lan tỏa đặc biệt quan trọng, vì chỉ có tòa án mới có chức năng xét xử. Trước khi thụ lý hồ sơ, tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ lợi ích của các đương sự. Trong quá trình xét xử, tòa án tuân thủ chặt chẽ những quy định về trình tự, thủ tục chặt chẽ của Luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thực tế xét xử của ngành tòa án thời gian qua cho thấy các vụ án hình sự ở lĩnh vực này không nhiều và phổ biến.

Các vấn đề tố giác tội phạm hay thực thi áp dụng các khung hình phạt, truy tố xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự đối với loại tội phạm này còn rất hạn chế. Nhiều chủ thể còn lúng túng khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Ý thức tuân thủ pháp luật về an ninh mạng của đa số tổ chức, cá nhân chưa cao; nguồn nhân lực chuyên trách bảo vệ an ninh mạng còn hạn chế về trình độ, năng lực, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Chưa làm chủ được các thiết bị hạ tầng, còn phải nhập sản phẩm công nghệ từ nước ngoài cũng là một trong những nguyên nhân khiến thông tin cá nhân không được bảo mật an toàn do thiếu sự kiểm soát từ nhà nước.

Hiện nay đã có các quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến việc đảm bảo an ninh mạng. Tuy nhiên, đối với những hệ lụy tiềm tàng và hậu quả đáng kể mà các hành vi vi phạm gây ra, bản thân tôi đánh giá các chế tài và quy định xử còn đang thiếu, yếu về hiệu lực, chưa đủ sức răn đe, xử lý thích đáng đối với hành vi vi phạm. Cần thiết bổ sung, sửa đổi, tập trung thống nhất các chế tài xử lý vi phạm để đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh mạng, cũng như công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Việc cấp thiết là bổ sung các chế tài trong pháp luật về an ninh mạng theo hướng quy định phải đủ sức răn đe, ngăn chặn vi phạm; quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an ninh mạng, bảo đảm tất cả các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh.

HỒNG DƯƠNG ghi

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/rao-chan-bao-ve-tre-tren-khong-gian-mang-ao-giap-vo-hinh-post712802.html