Ráo riết chặn hàng lậu ngay tại 'cửa ngõ', chống thất thu ngân sách
Cuối năm là thời điểm hàng tồn, hàng kém chất lượng được nhập lậu ồ ạt vào nội địa tiêu thụ, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp mà còn gây thất thu ngân sách. Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng, đặc biệt là hải quan đang ráo riết tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, biển, hàng không để ngăn chặn hàng lậu, gian lận ngay ở 'cửa ngõ'.
Hàng tồn, hàng trôi nổi tìm đủ ngõ ngách để vào nội địa
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia, về việc tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, trên biển, hàng không nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn vào thị trường nội địa tiêu thụ, các lực lượng chức năng đã ráo riết vào cuộc.
Từ đầu tháng 11 đến nay, liên tiếp nhiều vụ buôn lậu, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm bị phát hiện và bắt giữ, với khối lượng ngày càng lớn, tần suất ngày càng dày đặc. Điển hình, ngày 9/11, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang đã phát hiện bắt quả tang xe ô tô tải vận chuyển số lượng lớn hàng hóa nhãn mác nước ngoài, nghi giả nhãn hiệu, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại đường Tôn Đức Thắng, phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc với trị giá 400 triệu đồng.
Ngày 11/11, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ một vụ vận chuyển 432 chai rượu mang nhãn hiệu Chival, Macalan, Johnnie Walke, Jagermeister không rõ nguồn gốc tại quốc lộ 1A, thuộc địa bàn thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương. Ngày 15/11, lực lượng chuyên ngành tỉnh Lào Cai đã thu giữ gần 1 tấn táo và nho khô không nguồn gốc được vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ. Ngày 16/11, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện, thu giữ trên địa bàn huyện Lệ Thủy 52 hộp pháo hoa nổ lậu do Trung Quốc sản xuất…
Hải quan Hà Tĩnh phát hiện vụ buôn lậu pháo "khủng". Ảnh: T.Uyên
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đánh giá, khoảng thời gian cuối năm, tình trạng buôn lậu hàng hóa tại các tuyến biên giới, tuyến biển, hàng không… diễn ra rất phức tạp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Đa số hành vi buôn lậu nhắm vào hàng cấm, hàng tiêu dùng tồn, hàng trôi nổi, hàng kém chất lượng từ nước ngoài.
Thực tế cho thấy, bên cạnh việc lợi dụng đường mòn, lối mở biên giới để mang vác hàng hóa trái phép, các đối tượng còn chuyển sang “con đường” buôn lậu mới với hình thức nhập khẩu qua cửa khẩu, cảng biển để gian lận về số lượng, chủng loại hàng hóa... Thậm chí, các đối tượng thành lập nhiều doanh nghiệp "ma", lợi dụng chính sách thông thoáng trong làm thủ tục nhập khẩu, thông quan hàng hóa, hay chính sách quản lý rủi ro trong quản lý thuế, "quay vòng" hóa đơn…để gian lận, buôn lậu.
Tập trung chống hàng lậu trong 2 tháng cao điểm
Chỉ còn gần 2 tháng là đến Tết Nguyên đán và thị trường cuối năm đang “nóng” lên từng ngày với nhu cầu hàng hóa tăng cao. Song song với đó, các lực lượng chức năng đang tiếp tục ráo riết thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát để đẩy lùi vấn nạn buôn lậu.
Trong đó, lực lượng hải quan đang tập trung kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không…; chú trọng vào các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp cuối năm như: ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp…
Bên cạnh đó, Cục Điều tra chống buôn lậu cho hay đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, trọng điểm hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh qua các cửa khẩu; tổ chức chia sẻ thông tin, phân tích và xác định đối tượng trọng điểm để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo dõi, xác định, làm rõ hành vi vi phạm; Phát huy tối đa việc sử dụng phương tiện, công nghệ hiện đại trong kiểm soát hàng nhập khẩu...
Đáng chú ý, lực lượng hải quan cũng xác định rõ mọi công tác kiểm soát buôn lậu đều tránh gây ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng của các doanh nghiệp. Đồng thời, các cục hải quan trong cả nước có sự phối hợp nhịp nhàng để nắm rõ thông tin của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã có những vi phạm về gian lận, sẽ được đưa vào danh sách theo dõi.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã yêu cầu cơ quan thuế phối hợp hiệu quả với cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và khuyến khích đầu tư.
Ngoài ra, riêng tuyến hàng không, để tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các điểm làm thủ tục hàng không trong những tháng cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép hàng hóa, Cục Hàng không Việt Nam vừa chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các điểm làm thủ tục hàng không; chú trọng các nhân sự tham gia dây chuyền vận chuyển hàng không…
Bên cạnh đó, cục còn yêu cầu các đơn vị chủ động chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường tuyên truyền rộng rãi để mọi người hiểu rõ và kiên quyết từ chối vận chuyển hay buôn bán trái phép gian lận thương mại và hàng giả…/.