Ráo riết tuyển giáo viên

Các địa phương của TP HCM đang ráo riết tuyển dụng, tập huấn giáo viên chuẩn bị cho năm học mới

Theo lãnh đạo nhiều phòng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) ở TP HCM, sau giai đoạn luân chuyển giáo viên (GV) mới có thống kê chính xác nhu cầu tuyển dụng đội ngũ này là bao nhiêu nhưng có thể nói là rất thiếu.

Khối nào cũng thiếu

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết năm học 2022-2023, quận Bình Tân cần tuyển 380 GV, chủ yếu ở bậc tiểu học và THCS, đặc biệt là GV dạy các môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Song song với tuyển dụng, các GV cũ sẽ được tập huấn để giảng dạy một số môn trong trường hợp năm học mới chưa tuyển đủ theo nhu cầu.

Thiếu GV ở các bậc học là tình trạng chung của nhiều địa phương tại TP HCM. Theo lãnh đạo một phòng GD-ĐT, hiện nay phải chờ quá trình điều động, luân chuyển GV mới thống kê chính xác nhu cầu tuyển dụng từng cấp học nhưng có thể khẳng định thiếu GV rất nhiều. Năm học trước, do dịch Covid-19 nên khâu tuyển dụng GV phải ngưng trệ. Năm nay sẽ tiếp tục thực hiện và tuyển suốt trong năm để bổ sung nguồn GV còn thiếu.

Tham khảo và chọn môn học tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP HCM)

Tham khảo và chọn môn học tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP HCM)

Trong khi đó, ở khối THPT, theo Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2022-2023, sở sẽ tuyển dụng 386 viên chức để bổ sung nhu cầu GV, nhân viên cho các trung tâm giáo dục thường xuyên, các đơn vị trực thuộc chưa được phân cấp tuyển dụng. Ông Tống Phước Lộc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết hiện nay, công tác tuyển dụng GV có thuận lợi hơn nhờ đã bỏ quy định về hộ khẩu, sở cũng đã có kế hoạch hợp tác với Trường ĐH Sài Gòn và Trường Sư phạm TP HCM để đào tạo, bồi dưỡng GV, bảo đảm sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở các môn học. Riêng với GV dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật theo chương trình mới, ông Lộc nhận định sẽ khó khăn trong tuyển dụng nhưng thực tế, cũng theo ông Lộc, hiện sở đã tăng quyền tự chủ tuyển dụng GV cho các trường, giúp các trường chủ động hơn về nguồn tuyển.

Cụ thể, TP HCM có 2 trường THPT chuyên là Trần Đại Nghĩa và Lê Hồng Phong đã thực hiện tự chủ hoàn toàn việc tuyển GV. Trong năm học tới, sở sẽ triển khai đến 3 trường THPT theo mô hình tiên tiến và 4 trường tại khu vực huyện Cần Giờ, sở chỉ giám sát quá trình tuyển dụng. Riêng 2 môn nghệ thuật, các trường đã tính đến giải pháp mời GV khối THCS về giảng dạy.

Sắp xếp lại tại từng trường

2022-2023 là năm học đầu tiên các trường THPT thực hiện dạy theo chương trình mới, bắt đầu ở lớp 10. Theo lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục, sau khi thu nhận học sinh lớp 10 và tổ chức tư vấn chọn tổ hợp các môn tự chọn cũng là thời điểm các trường bố trí, sắp xếp lại đội ngũ GV.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức), cho biết việc tổ chức các tổ hợp môn tự chọn trên cơ sở nhân sự, điều kiện thực tiễn của các trường nên nếu không thể có nguồn tuyển thì trường sẽ không triển khai. Nhà trường không triển khai dạy môn mỹ thuật và âm nhạc. Trường thực hiện giảng dạy 2 môn tự chọn là tin học và công nghệ, trong đó môn tin học theo đề án chuẩn quốc tế đã thực hiện từ các năm trước, rất có lợi cho học sinh.

Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), cho biết khối lớp 10 năm nay có 762 học sinh, chia làm 16 lớp, sau khi sắp xếp theo các nguyện vọng 1, 2, 3 của học sinh thì chủ yếu các em chọn nhiều nhất là khối tự nhiên với các môn toán, lý, hóa; nhiều thứ hai là khối các môn sử, giáo dục kinh tế và pháp luật. Trong khi không có nhiều em chọn môn sinh học, địa lý, công nghệ. Việc chọn nhiều hay ít một môn trong số các môn tự chọn dẫn đến tình trạng có những GV rất ít giờ dạy và ngược lại, buộc các trường phải tính đến phương án bố trí giờ dạy phù hợp để tránh việc có GV quá tải, có GV lại ngồi không. "Chúng tôi đã tư vấn, hướng dẫn thầy cô việc lựa chọn các môn học phụ thuộc đam mê, định hướng nghề nghiệp của học sinh. Thậm chí, phải chấp nhận cả trường hợp sau nhiều năm nữa, sẽ không có học sinh chọn môn mình dạy" - ông Đảo nói, đồng thời cho hay nhà trường đã dự trù tình huống thầy cô nào có ít lớp, ít giờ dạy sẽ tham gia tập huấn thêm để giảng dạy các môn như trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương.

Năm học 2022-2023, thêm 27.850 biên chế giáo viên

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ngày 2-8 đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai tuyển dụng biên chế GV mầm non, phổ thông theo Quyết định 72-QĐ/TW.

Theo đó, ngày 18-7, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị ở trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc trung ương giai đoạn 2022-2026. Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế GV trong giai đoạn 2022 - 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế GV mầm non, phổ thông công lập.

Để triển khai thực hiện tuyển dụng biên chế GV mầm non, phổ thông, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế GV cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023. Ưu tiên tuyển dụng GV các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng GV mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Bộ cũng đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển như thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu... Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu GV còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 báo cáo Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế GV trong tổng số biên chế GV bổ sung đến năm 2026 nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), với số lượng gần 66.000 GV được bổ sung giai đoạn 2022 - 2026, trong đó năm học 2022 - 2023 được bổ sung 27.850 GV mầm non, phổ thông thì về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho ngành giáo dục, trong đó có việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Yến Anh

Bài và ảnh: Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/rao-riet-tuyen-giao-vien-20220802205955516.htm