Rất ít người dân biết việc quản lý ngân sách tại địa phương
Các tỉnh ít tạo cơ hội cho người dân tham gia vào quản lý ngân sách tại địa phương và mức độ phản hồi thông tin đối với người dân rất thấp.
Theo chỉ số tỉnh (POBI) do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới công bố, với thang điểm 100, Vĩnh Long là địa phương có chỉ số cao nhất về công khai ngân sách tỉnh năm 2018 với 90,52 điểm. Xếp thứ 2 là Bà Rịa-Vũng Tàu với 85,91 điểm, sau đó là các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và Quảng Nam.
Đáng chú ý, Hải Phòng là thành phố đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số công khai ngân sách tỉnh khi chỉ đạt 5,14 điểm, đứng sau Hòa Bình với 14,62 điểm.
Đại diện nhóm nghiên cứu POBI cho biết, có 6 tỉnh công khai đầy đủ thông tin về NSNN và không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0. Nhóm công khai đầy đủ gồm Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam và Hậu Giang. Các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Giang, Nam Định... được xếp vào nhóm ít công khai ngân sách tỉnh.
Theo PGS.TSVũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu POBI, kết quả khảo sát POBI 2018 cho thấy chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 51 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn so với chỉ số trung bình đối với POBI 2017 là 30,5 điểm. Điều này cho thấy mức độ công khai NSNN của 63 tỉnh, thành phố năm 2018 đã cải thiện hơn so với năm 2017.
Cũng theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Hà Nội và TP HCM đều không được xếp hạng cao về công khai ngân sách và thuộc nhóm công khai chưa đầy đủ, trong khi đây là hai địa phương chi tiêu ngân sách rất lớn.
TS. Ngô Minh Hương, Giám đốc CDI cho hay, POBI là công cụ giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo lường mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước. POBI giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển đối với quản lý ngân sách tại địa phương, thông qua các khía cạnh độ minh bạch, tính giải trình và mức độ tham gia của người dân vào quản lý ngân sách.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát POBI 2018 về mức độ tham gia của người dân cho thấy, nhìn chung các tỉnh ít tạo cơ hội cho người dân tham gia vào quản lý ngân sách tại địa phương. Các cổng thông tin điện tử của 63 tỉnh, thành đều có thư mục hỏi đáp và email liên hệ nhưng mức độ phản hồi đối với người dân rất thấp.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khuyến nghị, để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng NSNN cần có sự tham gia giám sát của cộng đồng. Để làm được điều này, các tỉnh cần chủ động trong việc phản hồi các câu hỏi của người dân về ngân sách thông qua chuyên mục hỏi đáp và email hoặc có thể sử dụng các mạng xã hội để tăng cường tương tác, trao đổi./.