Rất khó để tăng sản lượng và tăng dự toán thu dầu thô
Về đề nghị tăng dự toán thu dầu thô, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: Sản lượng thực tế hằng năm từ giai đoạn 2016-2020, đã giảm bình quân 1,45 triệu tấn/năm, tức là tương ứng 11%; các mỏ suy giảm tự nhiên do giếng dầu cạn và rủi ro kỹ thuật địa chất cao, cho nên rất khó để tăng sản lượng.
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 9/11, sau khi các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tiếp thu, giải trình, làm rõ một số nội dung trong phiên thảo luận.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Chi ngân sách năm 2021 có thể nói là hoàn thành, với thu ngân sách vượt dự toán đề ra và chi ngân sách đảm bảo bám sát dự toán và bội chi ngân sách đảm bảo theo quy định 4% của Quốc hội. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách tài khóa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân, cũng như phòng, chống dịch, với tổng mức khoảng 200.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng Nghị định 52 đã giãn, hoãn thuế cho các doanh nghiệp 115.000 tỷ, Nghị định 92 đã giảm 21.300 tỷ và các vấn đề liên quan, Quỹ vaccine được gần 9.000 tỷ. Có thể nói là chính sách tài khóa được điều hành một cách linh hoạt.
Về kiến cho rằng dư địa của nợ công còn lớn, cần tăng bội chi ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ rõ, dư địa không còn nhiều. Trong giai đoạn 2016-2020 tổng vay của Chính phủ là 1.852.000 tỷ, giai đoạn năm 2021-2025, chúng ta đã biểu quyết dự kiến vay là 3.068.000 tỷ, tức là gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Về ưu đãi đối với khu công nghiệp sinh thái, Bộ trưởng cho biết, đã có cơ chế đối với khu kinh tế. Hiện nay, chúng ta có 18 khu kinh tế và 377 khu công nghiệp, tổng cộng là 395, đã có chính sách ưu đãi như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn 4 năm, giảm 5% của 9 năm tiếp theo… và một số chính sách khác.
Về đề nghị tăng dự toán thu dầu thô, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, không tăng được. Bởi vì lý do như sau: Sản lượng thực tế hằng năm từ giai đoạn 2016-2020, chúng ta giảm bình quân 1,45 triệu tấn/năm, tức là tương ứng 11% và sản lượng khai thác các mỏ hiện tại suy giảm tự nhiên do giếng dầu cạn và rủi ro kỹ thuật địa chất cao, cho nên rất khó để tăng sản lượng.
Về vấn đề tăng tính chủ động của ngân sách trung ương, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ xây dựng đề án để phân cấp quản lý ngân sách, tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương, đồng thời sẽ sửa Luật Ngân sách vào thời gian tới.
“Các đồng chí có ý kiến là thu ngân sách năm 2022 chỉ 3,4% và tỷ lệ huy động là 15,1%, thấp hơn so với kế hoạch. Chúng tôi xin giải trình là có những giai đoạn đột xuất, bất thường và các cơ chế, chính sách thay đổi thì tốc độ thu ngân sách không tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng GDP. Thực tế, giai đoạn năm 2011-2012 tăng trưởng phục hồi kinh tế là 5,25% thì thu ngân sách chúng ta chỉ đạt 2,2% hay năm 2020 thì GDP tăng 2,91% nhưng thực tế thu nội địa chỉ đạt 1,6%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ. Chúng tôi cũng đã thảo luận với các bộ, ban, ngành và các địa phương rất kỹ, mong đại biểu hết sức ủng hộ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Đối với ý kiến cho rằng năm 2021 rất khó khăn thì tăng thu ở khoản nào? Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình như sau: Thu nội địa tăng lên, chẳng hạn thu tăng 7.200 tỷ đồng từ phát sinh của năm 2020 trở về trước như truy thu thuế nhà thầu của Formosa được 2.257 tỷ; xử lý thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu sản phẩm 2.457 tỷ; thu ngân sách đối với các khoản khác là 2.500 tỷ và phát sinh đột biến là 2.997 tỷ đồng tiền thuê đất của Đại sứ quán Mỹ. Một số khoản thu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên 22.800 tỷ như chứng khoán, bất động sản, khối tài chính, ngân hàng và hoạt động sáp nhập, chuyển nhượng vốn và các hoạt động lắp ráp xe ô tô. Thu dầu thô tăng lên 12.000 tỷ. Thu xuất, nhập khẩu cũng tăng lên…