Rau an toàn chưa có lối ra bền vững
Những loại rau quả xanh mướt gắn mác rau an toàn (RAT) được bày bán ở chợ có thật sự an toàn? Câu hỏi của nhiều bà nội trợ vẫn chưa có lời giải, chỉ biết là giá của các loại rau quả gắn mác RAT cao hơn nhiều so với các loại rau quả không gắn nhãn hiệu. Ngay cả ở chợ quê, rau RAT cũng được bày bán, vậy mà các cơ sở sản xuất rau an toàn lại 'khóc ròng' vì đầu ra gặp khó.
Nghe có vẻ lạ, người tiêu dùng ai mà chẳng có nhu cầu sử dụng rau sạch hay còn gọi RAT, vậy mà qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cơ sở sản xuất buộc phải từ bỏ "giấc mơ" sản xuất rau sạch.
Giá nào cũng là giá!
Cũng như nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở xứ đồng rau xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi), anh Trịnh Minh Phước bám lấy các vùng đất cát ven sông làm giá đỗ và trồng rau chạy chợ mưu sinh. Bản tính vốn cần cù, năng động, anh Phước học hỏi, áp dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất rau sạch, để người tiêu dùng có được sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Đầu năm 2017, anh vay mượn 60 triệu đồng để có thêm tiền mua máy làm giá hiện đại.
Nông dân Nguyễn Du, đang chăm sóc vườn rau, quả tại HTX rau an toàn Sông Trà.
Khăn gói vào tận Cần Thơ và ở trong đó cả tháng trời để học hỏi kỹ thuật làm giá, rồi thì anh Phước cũng thành công với những mẻ giá được sản xuất theo quy trình khép kín, cọng giá tươi, ngọt, sạch, hoàn toàn không có hóa chất tăng trưởng. Hồ hởi với "kết quả học tập", anh tiếp tục sản xuất cải mầm sạch. Nhiều người ở quê khen chàng trai trẻ có chí làm ăn, có người thì tặc lưỡi bảo, đó là một quyết định mạo hiểm, tiền mua máy móc đã ngốn cả trăm triệu, liệu sản phẩm rau sạch có bán chạy ra thị trường trong khi giá cả cao hơn các loại rau khác.
Ở Quảng Ngãi chỉ có anh Phước mạnh dạn đầu tư làm giá sạch bằng máy hiện đại và đăng ký cơ sở đủ điều kiện sản xuất RAT. Hằng ngày vẫn nghe ra rả vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm, các loại rau quả có tàn dư thuốc bảo vệ thực vật nguy hại đến sức khỏe con người, anh Phước chắc mẩm lần này mình đã đi đúng hướng, đáp ứng được nhu cầu mua rau sạch của người tiêu dùng. Vậy mà, mô hình sản xuất rau an toàn của anh lại thất bại, vì đầu ra gặp khó.
"Chúng tôi mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện để tăng cường quảng bá sản phẩm, để sản phẩm RAT vào được siêu thị, bếp ăn trong trường học... Đồng thời được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất".
Giám đốc HTX rau Sông Trà PHẠM QUỐC THANH
Rau giá bán không được nên "dự án" sản xuất cải mầm đành gác lại. Ngày nào cũng vậy, cứ 2 giờ sáng, vợ chồng anh Phước nhọc nhằn chất mớ rau trên chiếc xe máy cũ, chở lên chợ đầu mối tiêu thụ. "Rau giá nào cũng là rau giá, rau giá sạch đưa ra chợ thì lẫn lộn trong bất kỳ loại rau giá nào khác. Mình muốn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm rau sạch bằng lương tâm và trách nhiệm. Tâm huyết bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu", anh Phước chua chát nói.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh Phước bán ra thị trường khoảng 1 tạ giá. Chưa xây dựng được thương hiệu cũng như chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, nên giá sạch khó "chạm" đến siêu thị, các trường học, bếp ăn tập thể trong tỉnh.
Các vùng RAT “tự bơi”
Nhìn xa xăm về phía cánh đồng rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bà Cao Thị Sinh (60 tuổi) ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) thở dài: "Lương tâm không cho phép làm hại đến sức khỏe người tiêu dùng, nên tôi đăng ký sản xuất RAT, tốn kém nhiều chi phí đầu tư, vậy mà tiêu thụ lại khó khăn".
Sờ tay vào những cây đu đủ trĩu quả, bà Sinh tiếp lời: "Rau quả có an toàn hay không cũng do lương tâm người sản xuất. Đúng là nghịch lý, RAT thật, nhưng lại khó kiếm người mua". Bà Sinh cũng đồng cảnh ngộ với những người tâm huyết sản xuất RAT, họ chạy đôn chạy đáo tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Bà Sinh xây dựng một quầy rau sạch ngay tại chợ Quảng Ngãi, nhưng sức tiêu thụ chưa cao. Do giá cao hơn 3-4 nghìn đồng so với cùng loại rau bày bán ở chợ, nên người mua chê... đắt.
“Chúng tôi làm RAT theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình kỹ thuật khắt khe, đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng, vậy mà khi sản phẩm ra thị trường đâu có ai kiểm chứng, xác định đó là RAT. Bởi thế, cũng đúng thôi khi người tiêu dùng không nhận biết được đâu là rau sạch, đâu là rau bẩn", bà Sinh bộc bạch.
Rời đồng rau của bà Sinh, chúng tôi tiếp tục khảo sát tại vùng rau của Hợp tác xã sản xuất KD&DV RAT Sông Trà. Dù được quy hoạch tới 10ha, với 100 hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn RAT, nhưng đến nay hợp tác xã này chỉ quản lý và bao tiêu sản phẩm trồng trên diện tích 4ha, còn lại các xã viên phải “tự bơi” trong việc tiêu thụ rau an toàn, hầu hết rau được bán ra chợ. Giám đốc Hợp tác xã sản xuất KD&DV RAT Sông Trà Phạm Quốc Thanh cho hay: "Đúng là rất khó ở khâu tiêu thụ, RAT của hợp tác xã vẫn chưa vào được siêu thị. Chúng tôi đang rất trăn trở".
Còn với mô hình sản xuất RAT của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao QNSafe có quy mô 5ha tại xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), đầu ra cho sản phẩm vẫn là một bài toán khó.
Để RAT có chỗ đứng trên thị trường
Làm thế nào để RAT có chỗ đứng trên thị trường, đó là nỗi trăn trở của các hộ dân sản xuất theo mô hình RAT trên địa bàn tỉnh. Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật thuộc Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Văn Do cho biết, chi cục đã cấp phép 9 cơ sở đủ điều kiện sản xuất RAT, nhưng đến nay chỉ tồn tại 7 cơ sở. Hai cơ sở vì đầu ra không ổn định, nên đã dừng hoạt động.
Anh Phước bên sản phẩm giá sạch, được làm từ máy móc hiện đại.
Tại các cửa hàng RAT trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, nhiều người đến mua rau nhưng vẫn trong tâm lý bất an. Đến cửa hàng RAT, nhưng vẫn chưa tin đó là RAT, đây là một thực tế cần sớm có giải pháp, để người tiêu dùng yên tâm. Bà Nguyễn Thị Mai, ở phường Quảng Phú tâm sự: “Tôi có thể mua rau giá đắt hơn rau ngoài chợ, nhưng phải đảm bảo đó là RAT, phải có sự kiểm chứng của cơ quan chức năng, chứng minh nguồn gốc rõ ràng, có cơ sở chịu trách nhiệm khi người tiêu dùng gặp vấn đề về sức khỏe".
Để RAT đến với người tiêu dùng, Giám đốc HTX rau Sông Trà Phạm Quốc Thanh kiến nghị: "Chúng tôi mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện để tăng cường quảng bá sản phẩm, để sản phẩm RAT vào được siêu thị, bếp ăn trong trường học... Đồng thời được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất".
Con đường đưa RAT đến với người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn. Nhưng dù khó mấy cũng phải làm, bởi đó là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tránh tình trạng rau bẩn tràn lan. Các cơ quan chức năng cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất RAT, cần tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất thỏa đáng; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất và tiêu thụ RAT.
Đối với việc tìm đầu ra cho RAT, cần có sự chủ động hình thành các mối liên kết ổn định giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với các hợp tác xã và nông dân vùng sản xuất RAT tập trung; phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ... để từ đó xây dựng chỗ đứng cho RAT trên thị trường.