Rau quả rộng đường xuất khẩu chính ngạch
Đảm bảo tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng là các tiêu chí mà doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam hướng tới nhằm chinh phục những thị trường lớn.
Liên tiếp đón tin vui
Từ cuối năm 2022 đến nay, ngành hàng rau quả Việt Nam liên tiếp đón tin vui khi hàng loạt trái cây như bưởi, chanh leo, chuối, sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu…
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trong tháng 6/2023, xuất khẩu rau quả đạt trên 723 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một con số bùng nổ, bởi trong lịch sử hơn 30 năm của ngành hàng này, kim ngạch xuất khẩu rau quả bình quân mỗi tháng chỉ dưới 300 triệu USD.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 3 tỷ USD, gần bằng con số 3,16 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022. Với thành tích này, rau quả hiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông sản.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí số 1, với 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng trưởng tốt.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần tập trung khai thác mạnh thị trường EU - nơi vẫn còn dư địa rất lớn. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 50 trong số các thị trường cung cấp rau quả cho EU. Năm 2022, rau, củ, quả Việt Nam chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu trái cây của EU.
Hiện vẫn còn nhiều dư địa cho trái cây và rau củ Việt Nam thâm nhập thị trường EU vì quy mô của thị trường này chiếm tới 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Trong khi đó, với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam được xóa bỏ đến 94% dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia xuất khẩu khác.
Bà Ngô Tường Vy, CEO Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, sở dĩ có sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy một phần là nhờ các nghị định thư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ký kết với thị trường Trung Quốc, giúp hoạt động xuất khẩu rau quả thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành cũng ngày càng ý thức cao hơn về các tiêu chuẩn xuất khẩu, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó nâng cao chất lượng mặt hàng nông sản này.
“Chất lượng ngày càng cao, giá cả cạnh tranh đang là những lợi thế cho nông sản Việt trên thị trường Trung Quốc nói riêng và thị trường quốc tế nói chung”, bà Vy nói.
Không ngừng nâng cao chất lượng
Dù có sự tăng trưởng vượt bậc, song theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit, ngành rau quả Việt Nam chưa khai thác hết lợi thế khi mới là nguồn cung cấp thứ 3 cho Trung Quốc (sau Chile và Thái Lan) và khoảng cách còn khá xa.
Trong khi đó, ông Lương Văn Tài, Tùy viên thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông tin, dự báo đến năm 2026, số lượng tiêu thụ và nhập khẩu trái cây của Trung Quốc lần lượt đạt 319 triệu tấn và gần 15 triệu tấn. Bên cạnh đó, tiềm năng thị trường tiêu dùng nông sản nhiệt đới tại các địa phương khu vực phía Bắc, Đông Bắc Trung Quốc còn lớn, là cơ hội cho nhiều loại nông sản, trái cây, thực phẩm của Việt Nam.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy cho biết, là một nước có nền nông nghiệp trù phú, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu... Tuy nhiên, để có thể nâng cao sản lượng xuất khẩu, theo bà Vy, các doanh nghiệp cần phải xác định rõ thị trường, sản phẩm và nghiên cứu kỹ về những tiêu chuẩn riêng mà mỗi quốc gia yêu cầu.
“Từ lâu nay, đa số người Việt cho rằng, Trung Quốc là thị trường dễ tính, nên ít đầu tư để nâng cao chất lượng. Song hiện nay họ đã có nhiều tiêu chuẩn khắt khe, ngang với châu Âu, bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân theo thì mới giữ được thị trường này”, bà Vy nói.
Để có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn từ các thị trường khó tính, bà Ngô Tường Vy chia sẻ, Chánh Thu đã xây dựng mô hình theo chuẩn GlobalGap, VietGap, FSSC 22000… Đồng hành cùng các hộ nông dân, thuyết phục, hướng dẫn người dân canh tác, trồng trọt theo các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đồng thời, những năm gần đây, Chánh Thu đã xây dựng chuỗi liên kết bền vững với các hợp tác xã, thương lái, với đầy đủ chức năng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về thị trường, hỗ trợ nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu bền vững.
Tương tự, là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đi Trung Quốc, Công ty TNHH MTV Trái cây Thủy đã xây dựng được vùng nguyên liệu trên 1.200 ha tại các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai và Bình Thuận.
Bà Lê Thị Bích Thủy, Giám đốc Công ty Trái cây Thủy cho biết, để đảm bảo chất lượng cho trái sầu riêng, tại mỗi khu vực vùng trồng, công ty đều bố trí cán bộ kỹ thuật để hướng dẫn cho nhà vườn canh tác, sản xuất theo đúng quy chuẩn.
Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu rau quả cũng tăng trưởng khá tốt ở nhiều thị trường quan trọng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, UAE hay Malaysia.
Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, dù nhiều lĩnh vực khác đang gặp khó khăn, nhưng xuất khẩu chuối vẫn thuận lợi ở các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Huy nhận định, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải có vùng trồng, gắn với nông dân; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
“Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng đưa ra mục tiêu phấn đấu Việt Nam trở thành “bếp ăn” của thế giới, doanh nghiệp và nông dân phải liên kết để làm ra sản phẩm an toàn. Điều này đòi hỏi hình thành những vùng chuyên canh lớn để đáp ứng thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp bắt buộc phải đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu”, ông Huy nhấn mạnh.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/rau-qua-rong-duong-xuat-khau-chinh-ngach-d193292.html