Rau quả tụt dốc: Đâu là 'thủ phạm'?
Sau nhiều năm liên tục tăng 'siêu tốc', xuất khẩu rau quả của Việt Nam hầu như ngay lập tức 'tụt dốc không phanh' sau khi thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ hồi giữa năm ngoái, còn từ đầu năm đến nay đã nhiều tháng phải chứng kiến mức tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, nếu xem xét một cách kỹ càng, chúng ta có thể thấy kết quả này bắt nguồn từ yếu kém nội tại của chính ngành này.
Từ tăng “sốc” đến tụt dốc không phanh
Trước hết, nếu chỉ đơn thuần nhìn vào tổng kim ngạch xuất khẩu, có thể thấy mặt hàng này bắt đầu tăng đột biến 35,3% từ năm 2011 và nhịp tăng tương tự được duy trì đến năm 2017 với mức tăng bình quân 33,6%/năm. Với tốc độ tăng như vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả từ 623 triệu đô la Mỹ năm 2011 đã vượt ngưỡng 1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2013 và đến 2017 vọt lên tới 3,5 tỉ đô la Mỹ.
Đây là mức tăng mà không mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu nào của Việt Nam đạt được.
Nếu nhìn dưới góc độ sản xuất, nhịp tăng nói trên dường như phi lý, bởi trong suốt 10 năm 2005-2014 diện tích cây ăn quả của Việt Nam “giậm chân tại chỗ” dưới ngưỡng 800.000 héc ta và hai năm tiếp theo mới nhúc nhích tăng (từ năm 2017 trở lại đây các nhà quản lý không công bố số liệu thống kê này, còn số liệu thống kê về diện tích và sản lượng rau cũng chỉ mới được công bố gần đây).
Thế nhưng, nếu nhìn dưới góc độ nhập khẩu, nhịp tăng nói trên lại tỏ ra hợp lý. Cụ thể, các số liệu thống kê cho thấy, trong sáu năm 2012-2017, nhập khẩu cũng tăng “sốc” tới 31,9%/năm với kim ngạch nhập khẩu tăng từ 293 triệu đô la Mỹ lên 1,55 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, nhập khẩu trong cùng kỳ từ Thái Lan tăng gần 20 lần, từ 48 triệu đô la Mỹ lên kỷ lục 857 triệu đô la Mỹ. Các nhà quản lý cũng đã xác nhận rằng, có khoảng 90%, hoặc gần như là toàn bộ nhập khẩu từ Thái Lan là để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Do vậy, nếu trừ số rau quả của riêng Thái Lan “mượn đường” để xuất khẩu, thì xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2011 chỉ mới đạt 594 triệu đô la và năm 2017 cũng chỉ còn hơn 2,7 tỉ đô la. Dù vậy, tốc độ tăng bình quân trong giai đoạn này vẫn đạt 30,6%/năm.
Như vậy, các số liệu thống kê về xuất khẩu rau quả không phản ánh bức tranh của chính nền nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2012-2017.
Thế nhưng, ngược lại, trong hơn một năm kể từ khi xảy ra thương chiến Mỹ - Trung, xuất khẩu rau quả đột nhiên đảo chiều.
Trước hết, các số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2018 vẫn còn tăng 18,9%, nhưng cả năm chỉ còn tăng 8,7% và tám tháng đầu năm nay giảm tới 6%. Nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu mặt hàng này tụt dốc là do xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục giảm, trong đó bảy tháng đầu năm nay giảm 416 triệu đô la Mỹ, nhưng vẫn còn chiếm 70% trong “rổ” rau quả của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, giảm mạnh so với tỷ lệ 74,9% trong cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, ở đầu vào, nhập khẩu vẫn tăng, trong đó nhập khẩu từ Thái Lan cũng vẫn tăng, nhưng tăng thấp hơn và vẫn còn chiếm 36,9% trong toàn bộ “rổ rau quả nhập khẩu”.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, việc xuất khẩu rau quả hiện nay tụt dốc chủ yếu là do thị trường Trung Quốc giảm mua, nhưng rau quả Thái Lan “mượn đường” xuất khẩu sang thị trường này vẫn tăng, đồng nghĩa với rau quả Việt Nam xuất khẩu còn giảm nhiều hơn nữa.
Tóm lại, trong xuất khẩu rau quả, cho đến nay, tình trạng “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” - thị trường Trung Quốc vẫn đang ngự trị và đây là bức tranh ảo theo hai chiều hướng trái ngược nhau: những thành tích vô cùng ấn tượng trước đây một phần rất quan trọng thực chất là của rau quả Thái Lan, còn khó khăn chưa từng có hiện nay cũng được giảm nhẹ nhờ rau quả của Thái Lan.
Hy vọng sẽ thức tỉnh
Như đã nói ở trên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã bắt đầu suy giảm ngay từ đầu năm 2018, cho nên đương nhiên không phải do tác nhân thương chiến Mỹ - Trung, mà là do Trung Quốc bắt đầu thắt chặt biên mậu và chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, cũng như điều chỉnh sản xuất trong nước, điển hình là ồ ạt mở rộng diện tích cây thanh long.
Điều đáng nói là nhu cầu nhập khẩu rau quả của Trung Quốc không giảm. Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu rau quả sáu tháng đầu năm nay của nước này vẫn tăng tới 19,8% so với cùng kỳ và đạt 7,8 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi bế tắc ở thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sang thị trường lớn thứ hai là Mỹ cũng chỉ “nhúc nhích” tăng, còn các thị trường khác thì không thay đổi đáng kể.
Từ những thực tế đó, có thể rút ra hai bài học sau đây: Thứ nhất, “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” - thị trường Trung Quốc, có nghĩa là hầu hết các thương nhân của chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển thị trường khác để mở rộng quy mô kinh doanh, đồng thời cũng phân tán rủi ro khi thị trường chủ yếu hoặc những thị trường quan trọng có biến động lớn.
Thứ hai, việc xuất khẩu rau quả sụt giảm mạnh do Trung Quốc thay đổi phương thức nhập khẩu, từ biên mậu sang chính ngạch và cùng với đó là các yêu cầu cao hơn về chất lượng, cho thấy những bất cập rất lớn, rất cơ bản trong hệ thống tổ chức sản xuất và phân phối rau quả của chúng ta.
Trong đó, đáng lo nhất chính là khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, cụ thể là yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là nguyên nhân chính ngành rau quả Việt Nam trong suốt thời gian dài hầu như chỉ lọt được vào “chiếc giỏ” Trung Quốc.
Điều này có thể là hệ quả của đặc tính manh mún của ngành sản xuất rau quả Việt Nam - chủ yếu là ở quy mô nông hộ nhỏ, thậm chí là rất nhỏ. Trong đó, cho dù trình độ sản xuất, thâm canh của nhiều nông dân là rất cao, nhưng lại không tuân theo những quy trình canh tác dựa trên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu để bảo đảm yếu tố sản lượng thu hoạch là minh họa rõ nét cho hiện trạng này.
Công nghiệp chế biến rau quả cũng còn rất nhiều bất cập.
Trong điều kiện hệ thống tổ chức sản xuất và hệ thống phân phối như vậy, thương hiệu rau quả “Made in Vietnam” vẫn còn là cái gì đó rất xa vời.
Tóm lại, thị trường Trung Quốc lâu nay vẫn được mặc định là dễ tính, giờ đột nhiên trở nên “khó tính”, đã gây sốc cho ngành rau quả xuất khẩu. Hy vọng rằng sự thay đổi này sẽ là “đòn đánh” mạnh đủ sức làm thức tỉnh ngành rau quả từng say sưa với thành tích có phần ảo rất lớn của Việt Nam.
Nguyễn Đình Bích
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294227/rau-qua-tut-doc-dau-la-thu-pham.html