Rau xanh 'đội' giá 2 - 3 lần sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ?

Sáng 15/9, giá rau xanh tại các chợ truyền thống của Hà Nội đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức rất cao so với ngày trước bão.

Đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao

Sau bão Yagi, giá rau xanh tại các chợ truyền thống của Hà Nội tăng phi mã. Khảo sát vào ngày 11/9, tức là sau 3 ngày bão Yagi đổ bộ vào đất liền các tỉnh, thành phố phía Bắc, giá bán nhiều loại rau tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với trước đó.

Đơn cử, giá rau muống tăng 20.000 đồng/mớ lên 40.000 đồng/mớ, giá bí xanh cũng tăng lên 45.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 30.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Rau bắp cải trước đây 15.000 đồng/kg thì nay 20.000 đồng/kg.

 Giá rau xanh tại Hà Nội đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao. (Ảnh: ST)

Giá rau xanh tại Hà Nội đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao. (Ảnh: ST)

Một số loại rau xanh, rau thơm khác cũng tăng mạnh, như hành lá tăng lên 50.000 đồng/kg, có thời điểm tăng lên 70.000 - 75.000 đồng/kg; mồng tơi, rau cải cũng tăng lên 20.000 - 25.000 đồng/bó, tùy nơi tăng gấp đôi so với ngày thường.

Một số tiểu thương cho biết, sau mưa bão, nhiều vùng trồng rau tại Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung thiệt hại nặng, cung không đủ cầu khiến giá bán của loại mặt hàng này tăng mạnh.

Tính đến sáng 15/9, giá rau xanh tại các chợ truyền thống của Hà Nội đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức rất cao so với ngày trước bão.

Khảo sát tại chợ Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), chợ Nguyễn An Ninh (quận Hoàng Mai) cho thấy, giá rau muống đang ở mức 30.000 - 32.000 đồng/mớ, cà chua giảm còn 35.000 đồng/kg, hành lá 50.000 đồng/kg,...

Vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Trung, miền Nam ra Bắc

Trước thực trạng này, vào tối 14/9, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc và các thương nhân, các hiệp hội ngành hàng sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa về việc tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân địa phương ảnh hưởng của bão số 3.

Cụ thể, Bộ Công thương yêu cầu, Vụ Thị trường trong nước thực hiện công tác điều tiết hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác (ưu tiên việc điều tiết hàng hóa cung ứng từ miền Trung và miền Nam) khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu, chú trọng hàng hóa cho nhu câùhọc tập của học sinh, chữa bệnh của bệnh nhân, cho nhóm người yếu thế trong xã hội tại các địa phương chịu tác động nặng nề của mưa, lũ.

Đối với lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công thương giao nhiệm vụ, tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát. Trên cơ sở đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vilợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lợi bất chính, gây tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.

Tại công điện này, Bộ Công thương yêu cầu thương các doanh nghiệp sản xuất: Tăng cường năng lực sản xuất để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho các địa phương; Ưu tiên nguồn cung các mặt hàng có nhu cầu cao như lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, hàng tiêu dùng,... cho nhu cầu tại các vùng bị thiệt hại do bão, mưa, lũ.

Đối với các doanh nghiệp phân phối, Bộ Công thương yêu cầu không được đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào. Tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, sở công thương trên địa bàn các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão, mưa, lũ, cung cấp hàng hóa cứu trợ, hàng hóa nhu yếu phẩm cho người dân, đặc biệt là tại các địa bàn bị chia cắt.

Đối với các doanh nghiệp phân phối, Bộ Công thương yêu cầu rà soát, tăng cường điều phối nguồn cung, tập trung nguồn lực để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Trung, miền Nam để cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình tại các tỉnh phía Bắc, ưu tiên cung ứng cho các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/rau-xanh-doi-gia-2--3-lan-se-con-tiep-dien-den-bao-gio-post312405.html