Rau xanh từ miền Nam ùn ùn ra Bắc
Nguồn cung rau xanh ở miền Bắc khan hàng, các siêu thị tăng nguồn hàng nhập từ miền Nam, để thay thế cho nhà cung cấp tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 Yagi.
Để ổn định nguồn cung và giá cả hàng hóa sau bão lũ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tiếp tục có công điện yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai ngay các biện pháp để bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ công tác khắc phục sau bão cho các vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ.
Bên cạnh đó, vận động, giám sát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư sửa chữa, máy phát điện, dụng cụ tích điện, tích nước cam kết bình ổn giá hàng hóa.
Trước bối cảnh giá một số mặt hàng có xu hướng tăng lên do khan hàng cục bộ, đặc biệt là mặt hàng rau xanh, cao gấp 2-3 lần, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, đã yêu cầu các doanh nghiệp linh động vận chuyển hàng từ Nam ra Bắc.
Hiện hệ thống MM Mega Market đã tăng gấp 3 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ trạm cung ứng tại Lâm Đồng ra các tỉnh phía Bắc (dự kiến lên đến 7 chuyến xe/tuần với tổng cộng hơn 40 tấn rau củ quả).
Hệ thống siêu thị này có 5 trạm thu mua – cung ứng hàng hóa, 2 kho trữ hàng lớn tại Bình Dương, cùng 6 kho giao hàng B2B (depot). Nhờ đó, trữ lượng hàng hóa có khả năng cung ứng lên đến một tháng cho miền Bắc.
Còn hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đã đặt mua 200 tấn rau các loại từ các hộ dân, hợp tác xã để vận chuyển ra Bắc trong thời gian tới để đảm bảo giá cả ổn định cho hệ thống gồm 11 siêu thị Co.op Mart và 28 cửa hàng Co.op Food của Saigon Co.op.
Hệ thống các siêu thị của Winmart mỗi ngày cũng huy động khoảng 100 tấn rau củ quả từ miền Nam ra Bắc, gồm các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, bầu bí, mướp đắng.
Nhận định chung về thị trường hàng hóa phía Bắc, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, dù còn một số nơi bị cô lập, bị chia cắt do lũ như Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái... tuy nhiên hàng thiết yếu vẫn đảm bảo.
Bộ Công thương cũng đã yêu cầu Sở Công thương tại 35 tỉnh thành chuẩn bị, có phương án điều phối vận chuyển, cung ứng hàng hóa trong bối cảnh mưa lũ ở phía Bắc diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước khuyến cáo "người dân không tích trữ quá mức cần thiết, để ưu tiên hàng, thực phẩm cho các nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do bão".