Rau xanh và thủy sản đắt hàng
Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ - ngày mùng 5 Tết (tức ngày 2/2/2025), các mặt hàng như rau xanh, thủy sản, đậu phụ… đắt khách do nhu cầu tăng.
Nhu cầu rau xanh, thủy sản tăng cao
Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương tại một số khu chợ và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các các khu chợ và siêu thị, nhu cầu của người dân đã dần tăng cao. Hàng hóa đắt khách chủ yếu là các mặt hàng “giải ngấy” như thủy sản, rau xanh, đậu phụ…
Chị Nguyễn Thu Hà (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, gia đình bà mới quay trở lại thành phố để chuẩn bị đi làm và đi học vào ngày mai (mùng 6 Tết) nên đi chợ để chuẩn bị cho mâm cúng đầu năm mới.
“Do những ngày Tết đã ăn nhiều bánh chưng, giò lụa, thịt gà… nên bữa cơm đầu năm ở thành phố, gia đình tôi quyết định làm một mâm cỗ chay. Theo ghi nhận của chúng tôi, giá các loại rau xanh, đậu phụ có đắt hơn một chút so với ngày thường, nhưng chấp nhận được” – chị Hà chia sẻ.
Theo đó, các loại rau xanh và hoa như súp lơ, su hào đang có giá khoảng 20.000-22.000 đồng/kg; cà chua 18.000-20.000 đồng/kg; rau cải cúc, cải canh 20.000 đồng/kg; đậu phụ mơ 24.000 – 28.000 đồng/10 miếng; hoa cúc 35.000 đồng/bó…
Một mặt hàng khác khá đắt khách trong những ngày này là thủy sản. Theo đó, giá thủy sản vẫn giữ mức cao tương đương với thời điểm trước Tết. Cụ thể, giá tôm sú (loại 26-30 con/kg): 400.000-600.000 đồng/kg; cá trắm: 90.000-120.000 đồng/kg; cá chép giòn 120.000 – 150.000 đồng/kg...
Đáng chú ý, ở các khu chung cư, không khí mua sắm tại các chợ chung cư khá sôi động do sự tiện lợi khi người mua được ship hàng tận nhà. Bên cạnh đó, giá hàng hóa tại các chợ cư dân chung cư cũng “mềm” hơn so với tại chợ hay siêu thị do các tiểu thương không phải mất tiền thuê mặt bằng để kinh doanh.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, tại chung cư Gemek 2 – An Khánh – Hoài Đức, cá trắm từ 80.000-110.000 đồng/kg; cá chép giòn 100.000 – 120.000 đồng/kg; tôm sú loại to khoảng 450.000-500.000 đồng/kg; gà lễ: 120.000-130.000 đồng/kg; đậu phụ mơ 24.000 đồng/10 miếng; bánh chưng 50.000 – 55.000 đồng/cái; súp lơ: 18.000 đồng/kg; su hào: 15.000 đồng/kg; hoa cúc đại đóa 7.000 đồng/bông; hoa thược dược 35.000 đồng/bó; đào dăm 50.000 đồng/bó…
Chị Nguyễn Thị Hảo (tiểu thương tại chung cư Gemek 2) cho biết: “Ngày mùng 5 Tết tôi mới mở hàng do mới ở quê lên. Ngày đầu bán hàng, cư dân chung cư mua nhiều bún, đậu phụ, cà chua, rau xanh… Tuy chúng tôi lấy hàng từ đầu nguồn giá có tăng nhẹ nhưng khi bán cho bà con ở chung cư, chúng tôi giữ giá ổn định để giữ khách”.
Tại các siêu thị, tình hình thị trường ngày mùng 5 Tết đã sôi động hơn. Ngoài một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ xuyên Tết (Aeon Mall), một số đã mở cửa phục vụ trở lại bình thường hoặc theo một số khung giờ nhất định từ ngày mùng 2 Tết (Lotte mart, Co.op mart, Go!, MM Mega Market,...). Thị trường hàng hóa đa dạng hơn vì có thêm nhiều siêu thị lớn, các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, tiểu thương tại chợ truyền thống mở cửa kinh doanh trở lại. Hoạt động mua bán hầu hết tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ các loại, hoa quả...
Thị trường dần sôi động
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương thông tin, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ, thị trường hàng hóa đã dần sôi động hơn nhưng vẫn chưa trở lại như ngày thường. Người lao động bắt đầu trở lại các thành phố để đi làm, tuy nhiên phần lớn đều mang theo thực phẩm từ nhà nên sức mua chưa tăng mạnh. Các siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh đã khởi động trở lại nhưng các mặt hàng tiêu thụ chủ yếu vẫn là thực phẩm tươi sống, rau, quả. Tại chợ đầu mối, lượng hàng về chợ đã tăng hơn so với các ngày trước do vậy nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, giá cả diễn biến theo quy luật thị trường thông thường và không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Trong thời gian này, người dân đi lễ đầu năm hoặc đi du lịch nhiều nên dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tiếp tục tấp nập.
Các hoạt động du xuân, đi chơi Tết của người dân vẫn tiếp tục nốt ngày cuối cùng của đợt nghỉ Tết cùng với một bộ phận lớn người lao động tại các tỉnh trở lại các thành phố lớn để chuẩn bị đi làm nên thị trường hàng hóa tại các thành phố lớn và các điểm du lịch, đền chùa sôi động hơn. Sức mua trên thị trường vẫn chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ các loai, hoa quả… Nguồn cung các mặt hàng thực phẩm cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Giá cả các hàng hóa tại hệ thống siêu thị ổn định, không tăng so với thời điểm trước Tết. Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thực phẩm đã thấp hơn những ngày Tết trước đó do nguồn cung tăng. Hoạt động ăn uống ngoài gia đình tiếp tục tăng. Nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng tăng giá bất thường.
Theo Vụ Thị trường trong nước, ngày mùng 6 Tết, do đã kết thúc kỳ nghỉ Tết, thị trường sẽ trở lại gần như ngày gần trước Tết. Giá cả các mặt hàng có xu hướng giảm nhẹ so với ngày mùng 5 Tết, một số mặt hàng vẫn ở mức cao (thịt bò, thủy hải sản) do nguồn cung chưa nhiều.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/rau-xanh-va-thuy-san-dat-hang-371911.html