Rầy tấn công lúa xuân: Cần tuân thủ khuyến cáo chuyên môn!
Sau quá trình tích lũy số lượng, khi lúa xuân bước vào giai đoạn làm đòng - đỏ đuôi chính là thời điểm tập đoàn rầy nâu, rầy lưng trắng đồng loạt 'xuất kích' phá hại mùa màng...
Cánh đồng thôn Trung Văn, xã Thạch Văn (Thạch Hà) những ngày này “nóng” lên bởi chuyện rầy nâu, rầy lưng trắng bùng phát phá hại lúa xuân. Vào thời điểm này, có những thửa ruộng, mật độ phân bố của rầy 3.000-4.000 con/m2. Bà Nguyễn Thị Thi làm 1 mẫu ruộng, mấy ngày nay đứng ngồi không yên, vừa phun phòng trừ hôm trước nhưng hôm sau phải lội khắp cánh đồng để kiểm tra. Bà Thi cho biết: “Thời điểm này, lúa chỉ mới bắt đầu giai đoạn phân hóa đòng, vậy mà, rầy nâu, rầy lưng trắng đã “nở rộ” khắp nơi. Giống bị nhiễm rầy chủ yếu là khang dân 18. Chúng tôi đã phun thuốc phòng trừ nhưng với mật độ cao như vậy sợ sẽ còn bùng phát mạnh ở giai đoạn sau”.
Đã nhiều năm nay, rầy nâu, rầy lưng trắng không còn xa lạ với bà con nông dân toàn tỉnh. Chúng xuất hiện và gây hại trên đồng ruộng từ khi lúa làm đòng - đỏ đuôi đến thu hoạch, nhẹ thì hạt lúa bị lửng lép, nơi nặng xảy ra hiện tượng cháy rầy. Nhất là những vùng có “thâm niên” nhiễm như cánh đồng thôn Trung Văn này, mầm dịch cũ còn lưu trú trong môi trường và chờ thời cơ tiếp tục bùng phát ở vụ sau. Theo ghi nhận của ngành chuyên môn, vào thời điểm này, ngoài Thạch Văn, vùng đồng thuộc xã Thạch Thắng (Thạch Hà), Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) và một số xã tại huyện Kỳ Anh đều đã xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ tương đối cao. Tỷ lệ trung bình từ 50-100 con/m2, nơi cao 800-1.000 con/m2, cục bộ ổ 3.000 - 5.000 con/m2 (Thạch Hà) với diện tích nhiễm toàn tỉnh là 78,6 ha. Rầy nâu, rầy lưng trắng chủ yếu ở tuổi 4, tuổi 5 trưởng thành.
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Vào giai đoạn này, rầy tập trung từng ổ cục bộ trên đồng ruộng. Trong điều kiện thời tiết chuyển nắng nóng lại có mưa xen kẽ càng tạo môi trường để rầy nhân nhanh về số lượng. Dự báo, lứa rầy tuổi 1, tuổi 2 sẽ phát sinh rộ từ 30/4, trùng với thời gian lúa xuân trổ rộ đến chín. Đây cũng là thời điểm rầy nâu, rầy lưng trắng phá hại mạnh nhất, có thể bùng phát thành dịch, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả thu hoạch”.
Cũng theo ông Phong thì để đề phòng rầy nâu, rầy lưng trắng bùng phát ở giai đoạn sau, ngay từ bây giờ, các địa phương cần có phương án chủ động phòng chống. Cắt đứt mầm dịch bằng việc xử lý ổ rầy với các loại thuốc nội hấp hay lưu dẫn nhằm chặn nguy cơ gối lứa của loài dịch hại số 1 này. “Để diệt trừ hiệu quả, ít tốn kém, bà con phải thực hiện nguyên tắc “4 đúng”, gồm: đúng lúc, phun thuốc khi rầy ở 1-3 ngày tuổi (rầy cám); đúng cách, giữ nước chân ruộng để đuổi rầy di chuyển từ gốc lên phần trên, phun thuốc sát mặt nước nơi rầy đeo bám chích hút; đúng thuốc theo khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật; đúng liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì” - ông Phong nhấn mạnh.
Có một thực tế, dù không còn lạ lẫm với rầy nâu, rầy lưng trắng nhưng việc tuân thủ quy trình chăm sóc, phun thuốc trừ sâu của bà con nông dân vẫn còn tùy tiện. Bà con thường quá nôn nóng trong việc diệt trừ sâu bệnh, ngay ở giai đoạn tích lũy (làm ổ) đã sử dụng thuốc hóa học có nồng độ mạnh. Cũng không loại trừ tập quán sản xuất thiếu chuyên nghiệp, không đầu tư chuyên canh nên chỉ phun cho được việc. Việc sử dụng thuốc nồng độ mạnh ngay từ đầu không những không diệt được sâu bệnh (rầy đang ở dạng trứng, thuốc không hấp thụ vào được) mà còn có tác dụng ngược lại.
Theo dự báo, thời gian tới, thời tiết vẫn duy trì trạng thái nóng ẩm, là điều kiện để rầy nâu, rầy lưng trắng tích lũy nhanh số lượng và có nguy cơ gây cháy cục bộ ở một số diện tích, đặc biệt là trên các ruộng gieo cấy muộn và mật độ dày. Bà con nông dân cần tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn, đồng thời, thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Nguyễn Oanh