RCEP - Ngành dệt may vẫn có cơ hội mới
Kể từ khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết, cộng đồng doanh nghiệp dệt may đón nhận thông tin này với những tâm thế khác nhau. Theo doanh nghiệp dệt may thì ngành này sẽ hưởng lợi ít hơn so với các lĩnh vực khác như nông thủy sản, tuy nhiên điều này không có nghĩa là RCEP không mang đến cơ hội mới cho dệt may.
Lợi thế về thị trường và công nghệ cho dệt may trong nước
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - đánh giá: RCEP sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may. Cụ thể là chúng ta có thị trường hơn 2 tỷ dân trong khu vực các nước thành viên của RCEP, đặc biệt là thị trường rộng lớn tại Trung Quốc. Theo số liệu của chúng tôi có được, Trung Quốc hiện nay chiếm khoảng 10% trong tổng giá trị hàng may mặc xuất khẩu của toàn ngành. Trong 5 năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam nên chúng tôi kỳ vọng Hiệp định này sẽ tạo ra cho chúng ta có một thị trường rộng mở hơn ở quốc gia tỷ dân này.
Ngoài Trung Quốc thì Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng. Nếu như trước đó hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản. Trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc. Nay với RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành này dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực. Như vậy RCEP sẽ giúp hài hòa các cam kết, quy định trong FTA ASEAN+1 như hiện nay, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và thuận lợi hóa thương mại.
Đặc biệt, một lợi thế lớn nữa từ RCEP sẽ tạo ra cho ngành dệt may được ông Giang chỉ ra là giải pháp thương mại của Hiệp định RCEP. Theo đó RCEP sẽ tạo ra động lực phát triển công nghệ dệt may, giúp chuyển dịch cơ cấu dệt may của các nước trong khu vực vào thị trường Việt Nam và đạt được mục tiêu phần cung thiếu hụt của Việt Nam.
Tạo động lực từ quy hoạch hoàn chỉnh
Bên cạnh những thuận lợi nói trên, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với một số thách thức không hề nhỏ. Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - khẳng định, việc chúng ta sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với hàng dệt may từ Trung Quốc là điều khó tránh khỏi bởi quốc gia này vốn có lợi thế về nguồn nguyên liệu. Nay khi tham gia RCEP đồng nghĩa với việc Trung Quốc cũng sẽ được giảm thuế, dẫn tới sản phẩm của họ sẽ có cạnh tranh hơn.
Cùng lo lắng này, ông Trần Như Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công - chỉ ra: Từ trước khi có Hiệp định này Việt Nam đã phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước này vốn đã thấp hơn so với nguyên liệu mà các doanh nghiệp trong nước làm ra, đồng nghĩa việc cạnh tranh đã gặp khó từ lâu.
Để giải quyết thách thức này, ông Vũ Đức Giang cho rằng, chúng ta cần sớm quy hoạch các khu công nghiệp có xử lý nước thải, phải kêu gọi đầu tư nhà máy về sợi - dệt - nhuộm hoàn tất. Tại các khu này doanh nghiệp sẽ kết với nhau và phát triển hiệu quả hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đầu tư mạnh mẽ hơn cho việc phát triển khoa học công nghệ, cụ thể là xây dựng nền tảng thiết kế, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. “Chính phủ giao cho ngành dệt may đến năm 2030 có 30 thương hiệu xuất khẩu ra thế giới bằng thương hiệu, nhãn hiệu của Việt Nam. Tuy nhiên nếu nhà thiết kế không có phần nguyên phụ liệu để thể hiện khả năng tư duy, xả thân cho ngành công nghiệp thời trang thì sẽ thiếu đi động lực cạnh tranh và phát triển” - ông Giang nhìn nhận.
Chính từ đó, VITAS đã kiến nghị với Chính phủ để sớm xây dựng giải pháp về chiến lược dệt may giai đoạn năm 2030-2040. Theo đó định hướng đầu tư vào các khu công nghệp có các nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn về môi trường nhằm tạo ra động lực để đón đầu lợi ích từ Hiệp định RCEP cũng như các hiệp định mà Việt Nam đã ký.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/rcep-nganh-det-may-van-co-co-hoi-moi-147842.html