Rể điên điển ở rễ cố vợ ruộng đợ
Cơn cớ làm sao khi ở nhà vợ/ quê vợ thì vai trò 'tu mi nam tử' lại mất giá đến thế? Có nhiều cách lý giải, ở đây chỉ bàn đến một quan niệm đã hình thành từ ngàn đời trong ý thức của người Việt: 'Trai tay không chẳng ăn mày vợ, gái trăm mẫu ruộng phải ăn mày chồng'.
-Tay X đã lên đời rồi hè?
- Khỉ mốc. Chó chui gầm chạn, hay ho gì!
- Đang nhọ như lọ nồi lại chuột sa hũ nếp thì ngon cơm quá đi chớ?
- Ừ. Nhưng loại bám váy đó, tớ không ưa.
Một người nước ngoài giỏi tiếng Việt, khi nghe mẩu đối thoại này liệu có thể hiểu nội dung? Không rõ. Nhưng rất rõ một điều, có thể bất kỳ người Việt nào, dù không có quan hệ thân thiết gì với hai người này, vẫn thừa biết tỏng hoàn cảnh của người thứ ba vắng mặt mà họ đang nói đến. Ta thử giải thích một vài từ, chẳng hạn, “lên đời” là thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn, bảnh hơn; “nhỉ” là từ dùng để hỏi, tùy vùng miền có thể là he, hè, hả, há, nhỉ, hỉ…
Còn chạn?
Hầu như ngày xửa ngày xưa, trong gian bếp của mỗi nhà, dù giàu dù nghèo cũng thường đóng cái tủ có thể bằng hay tre hay gỗ. Phía vách ngoài, ở giữa có cửa, một hoặc hai cánh; khoảng trống hai bên được bịt bằng lưới, nhìn vào bên trong, thấy trên cái giá đựng những gì, có thể thức ăn thức ăn thừa để dành. Phía dưới nữa, có thể thêm cái ngăn đựng chén bát hoặc chày, cối, hủ, lọ, vại cà… tùy mỗi nhà mà hình thức có khác chút đỉnh.
Cái tủ đơn giản, quen thuộc này được gọi là chạn.
Một câu hỏi đặt ra, cái chạn ấy làm sao có thể ngăn được kiến, gián, côn trùng nếu nó bò lên theo bốn chân của chạn? Người ta phải đặt bốn chân chạn vào cái chén/ cái tô có đổ nước vào đó, như thế ắt “an toàn trên xa lộ”. Ở Quảng Nam khi người ta nói cái cụi, bạn đừng nghĩ là phát âm của cái cũi; hoặc hiểu theo nghĩa thọi nhau/ chọi nhau/ ghè nhau/ kình nhau mà chính là từ dùng để chỉ… cái chạn.
Vào thế kỷ XIX, Khi người Pháp bằng tàu đồng “ống khói chạy đen sì”, bằng súng thép “bắn đạn nhỏ, đạn to” đã ngang nhiên đánh chiếm nước Nam ta, lúc ấy, hỡi ôi, cái chạn cũng thay tên đổi họ. Trong tập phóng sự “Cơm thầy cơm cô” (NXB Văn Học - 1987), nhà văn Vũ Trọng Phụng có kể về chuyện một con ở/ con sen/ osin là cái Đũi sau bữa cơm khuya, còn thấy đói nên: “liền khoắng vào cái liễn trong gác-măng-dê lấy ra ba miếng thịt vịt” (tr.78). Gác-măng-dê/ gác-măng-rê này nói trắng phớ ra đích thị là từ vay mượn garde - manger. Tuy nhiên, không vì thế mà tên gọi chạn biến mất đi.
Cái chạn này cao vừa tầm với người sử dụng, nhưng không quá thấp, vì thế mới có câu “Ngay lưng như chó trèo chạn”; phía dưới gầm có khoảng cách, không sát đất, do đó có câu “Chó chui gầm chạn/ chó nằm gầm chạn”. Từ chỗ con chó nằm chầu chực dưới gầm chạn nhưng không thể chủ động thỏa mãn thèm thuồng, người ta đã dùng để hiểu qua nghĩa khác: “Thân phận nghèo hèn, phải nương nhờ vào người có tiền của, thế lực, dẫn đến mất hết chủ quyền, cam chịu nhẫn nhục, hèn mọn - thường nói về người con trai, đàn ông đi ở rể”, theo “Từ điển thành ngữ Việt Nam” (1994) của Viện Ngôn ngữ học.
Qua mẩu đối thoại vừa kể trên, thân phận anh chàng X, lại còn nhấn mạnh một lần nữa ở câu “Chuột sa hũ nếp” - hàm nghĩa dù “trên răng dưới ca tút”, nghèo sặt gạch, nghèo mạt rệp nhưng lại may mắn vớ được con gái nhà giàu. Chưa hết, còn là từ “bám váy” nữa, ta ngầm hiểu chàng X sống chỉ bám vào tài sản của vợ; còn “ngon cơm” là ngon ăn, “ngon lành cành đào”, không chê vào đâu… Ấy là nói một cách kín đáo, bằng không còn có câu nghe dễ nổi nóng: “Ở chuồng heo còn hơn ăn theo quê vợ”.
Cơn cớ làm sao khi ở nhà vợ/ quê vợ thì vai trò “tu mi nam tử” lại mất giá đến thế? Có nhiều cách lý giải, ở đây chỉ bàn đến một quan niệm đã hình thành từ ngàn đời trong ý thức của người Việt: “Trai tay không chẳng ăn mày vợ, gái trăm mẫu ruộng phải ăn mày chồng”. Tuy nhiên với câu tục ngữ này, tôi ngờ không chính xác, chẳng lẽ ông bà mình lại hồ đồ đến thế sao? Nếu bên vợ có “trăm mẫu ruộng” thì dứt khoát thuộc hàng cự phú, cơn cớ gì phải “ăn mày” chồng - trong khi chồng chỉ “tay không” tức không có tài sản xu teng gì sất. Vậy, phải nhờ vả vào chồng làm sao đặng? Thật ra, câu tục ngữ này chính xác phải là “Trai tay không chẳng ăn mày vợ, gái trăm mẫu ruộng đợ phải ăn mày chồng”.
Có lẽ do không rõ từ “đợ” nên về sau người ta lượt bỏ đi khiến người tiếp nhận hiểu sai ý vốn có của nó. Trước hết ta tìm hiểu từ “đợ” trong một vài ngữ cảnh cụ thể, thí dụ như vì lý do gì đó mình vay một khoảng tiền, không có cách nào trả nổi bèn “ở đợ” - làm đày tớ cho họ để trừ nợ; hoặc “đợ con” là bắt con ở đợ/ làm osin/ làm mướn cho người khác để trừ nợ cho mình - mà đợ cũng có nghĩa là cầm cố, theo “Việt Nam từ điển” (1931). Cố/ cầm cố là bằng cách gán cái gì đó cho người ta, sau đó tìm cách chuộc lại, nếu không thì mất. Tục ngữ có câu “Cố vợ, đợ con”, đơn giản là bắt vợ con ở đợ cho thiên hạ. Do từ “cố” đã phai nghĩa về sau nói trại thành “Bán vợ, đợ con”, câu này không chỉ vô lý ở từ bán/ bán vợ vì luật pháp xưa nay không cho phép cũng như bị “dư luận xã hội” phê phán, mà cũng không đúng trong phép đối xứng về cách sử dụng từ đồng nghĩa trong tục ngữ “cố/ đợ”.
Tóm lại, “cố” và “đợ” là anh em song sinh, tuy hai mà một. Vậy, “ruộng đợ” trong câu tục ngữ trên, ta hiểu thế nào? Rằng, nếu ngoài Bắc gọi “ruộng đợ” trong Nam lại gọi “điền cố”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: “Giao ruộng đất cho kẻ khác ăn hoa lợi mà trừ tiền lời, tục kêu là đồ”. Từ “đồ” này, “Dictionnaire Annamite - Francais” (1879) của J.M.J ghi nhận: “Đồ, cố ruộng: Engager des champs”. Qua giải thích của tự vị mà ông Hùinh Tịnh Paulus Của đã nêu, ta có thể suy luận ra rằng, một khi đã vay nợ thì mình phải trả tiền lời/ lãi cho chủ nợ; nếu mình gán ruộng thì cách trả đó thông qua hoa màu mà chủ nợ được quyền canh tác trên ruộng đất do mình đã đem cầm cố.
Hiểu như thế, ta thấy “ruộng đợ/ điền cố” không phải của mình, mình không có quyền sở hữu vĩnh viễn hoặc lâu dài, nó tùy thuộc vào thời gian con nợ có khả năng chuộc lại. Rõ ràng, “gái trăm mẫu ruộng đợ” thì số ruộng đó chỉ có tính cách tạm thời, chứ không phải cố định đã được nhà nước thừa nhận. Tài sản của cô gái ấy chỉ tạm bợ, vậy, về lâu dài phải “ăn mày” tức phải nhờ cậy vào công sức của chồng là phải rồi. Với từ “đợ” rắc rối này, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban cho biết còn có từ “bán đợ” là hiểu theo nghĩa: “Bán trong thời gian tạm thời, sau đó sẽ chuộc lại theo giá lúc đó. Còn gọi là cố, cầm, thế, bán lai thục”.
Trở lại với chuyện đang bàn, có thể nói rằng dù vợ/ nhà vợ cho “trăm mẫu ruộng” hay “trăm mẫu ruộng đợ” đi nữa thì người đàn ông cũng không trông cậy, nương nhờ vào đó mà phải “tay trắng làm nên” thì mới bảnh. Vậy mà có kẻ lại “bám váy” vợ/ ở nhà vợ/ quê vợ - nói cách khác là ở rể, há chẳng hèn kém đấy sao? Chà, miệng đời nói thế, kệ họ, nhiều nhà vẫn quan niệm: “Dâu dâu rể rể cũng kể là con”.
Thiên hạ có câu nghe thiệt tức cười: “Chễm chệ như rể bà góa”. Người đàn bà trong hoàn cảnh mà chồng đã ngao du tiên cảnh, có mỗi một con gái cưng, về làm rể nơi đó thì bảnh quá, vì trong nhà đó chỉ mỗi rể là đấng mày râu nên được cả nhà trọng vọng mà đâm ra lên mặt ta đây. Cái sự lên mặt này nằm gọn trong từ “chễm chệ” là chàng rể thể hiện tư thế ngồi không cần giữ khuôn phép, ý tứ trên dưới cho phải phép.
Ở đời, nếu ai: “Ăn mày nơi cả thể, làm rể nơi nhiều con” thì tốt quá. Đúng là vậy. Kiếm ăn qua ngày nơi nhà nào đó giàu sang, có địa vị trong xã hội, đang ăn nên làm ra thì nơi đó mới thừa thãi mà thí cho chút đỉnh; chứ đến nơi “Nhà rách như tàu tượng” thì ngay cả “húp cháo rùa” cũng trớt quớt. Còn làm rể nơi nhà nhiều con, không những mình thêm vây thêm cánh từ mối quan hệ gia đình, mà ngay cả lúc nhà vợ có việc thì nhiều người cùng lo, cùng chung sức, chứ không phải mỗi mình gánh vác.
Trong câu “làm rể nơi nhiều con”, xét ra không phải bất kỳ trường hợp nào cũng hiểu theo nghĩa “Trở thành con rể của bố mẹ vợ” - theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999). Ta hãy xét một trường hợp cụ thể, chẳng hạn: “Công anh làm rể ba năm/ Chiếu chả được nằm, đất lại cắm chông/ Con bà, bà lại gả chồng/ Để tôi vất vả tốn công nhiều bề”. “Làm rể” ở đây chỉ là sự hứa hẹn, lúc đó chàng trai sang ở nhà vợ, tất nhiên không thể xảy ra chuyện chung chạ chăn gối mà mục đích chính là nai lưng ra làm việc theo sự sai khiến của cha mẹ vợ tương lai, còn chuyện chính thức thế nào thì tính sau. Có trường hợp ta thấy cũng tựa như anh chàng nông dân thật thà trong cổ tích “Cây tre trăm đốt”.
Thử hỏi chuyện làm rể/ ở rể có liên quan gì đến việc… ăn trầu hay không? Tôi nghĩ là có. Bằng chứng có câu tục ngữ: “Ăn trầu không có rễ như rể nằm nhà ngoài”,dấu hỏi và dấu ngã phân biệt rõ ràng. Tuy nhiên, thiệt ác ôn cho tiếng Việt, rễ ở đây không phải rễ cây trầu mà chính là… vỏ cây chay, vì: “Ăn trầu mà có vỏ chay/ Vôi kia có nhạt cũng cay được mồm” (ca dao).
À, cái chuyện ăn trầu này cũng “nhiễu sự” lắm đó. Chỉ nêu thêm một thí dụ nữa cho tươi câu chuyện, rằng, trong tập sách “Hái lượm và săn bắt” của ngư dân vùng Khánh Hòa, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban - Võ Triều Dương cho biết, đại khái, ngoài “trầu không” trồng tại nhà thì còn có “trầu nguồn” mọc hoang ở rừng nữa, ăn với vỏ dún lấy từ vỏ cây lồng mang, chứ không phải vỏ chay, đại khái: “Vỏ này được đập dập thật đều cho tơi ra thành sợi, sau đó xoắn mạnh sợi ấy lại, dài khoảng một gang tay, gọi đó là xác dún - giúp cho bã trầu khi nhai trong miệng được khô và dẻo. Nếu thiếu dún trong khi ăn trầu, người ta dùng vỏ cau phơi khô, gọi là xác cau”.
Xét ra, khi ăn trầu nếu không có vỏ chay/ xác dún/ xác cau thì cũng chưa đạt đến độ “hết sẩy con bà Bảy”, đành là thế, nhưng tại sao lại so sánh “như rể nằm nhà ngoài”? Tôi nghĩ cái sự nằm nhà ngoài của của chàng rể mới… “bi đát” hơn chứ? Nhưng rồi có kẻ khi đã là rể được nằm nhà trông thấy cô em vợ còn ngọt nước quá những muốn tò tí te… “mía ngon muốn đánh cả cụm”.
Sử sách còn ghi lại trường hợp của Hoàng giáp Hoàng Văn Thụy (1858-1936) con rể của cụ Cao Xuân Dục. Khi nhìn thấy nữ sĩ Cao Ngọc Anh - cô em vợ không những xuân đào mơn mởn lại còn nổi tiếng văn hay chữ tốt nên ông cũng lăm le “thả thính”. Biết cái thói: “Sông bao nhiêu nước cũng vừa/ Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng”, nữ sĩ tài hoa tặng ngay cho bài thơ:
Anh Tế nhà ta khéo ỡm ờ,
Phong tình quen thói lại lơ mơ.
Rượu ngon uống hết không chừa cặn,
Mía ngọt quen mùi đánh cả xơ.
Duyên chị, trước đà se chỉ thắm,
Tình em, nay muốn chắp dây tơ.
Cho hay quân tử là thế thế,
Chị cũng ưa mà em cũng ưa!
Nhận bài thơ này, dù trong bụng đựng cả bồ chữ nhưng ông Thụy cũng đành… “ngậm bồ hòn làm ngọt”! Khi đi về miền Nam, ta lại nghe nói đến thành ngữ “Rể điên điển” mới thú vị làm sao. Mà “Rể điên điển” là gì vậy? Lưu ý, ở đây “rể” dấu hỏi, là con rể, làm rể, ở rể, chứ không phải hiểu theo nghĩa là một bộ phận của cây, đâm sâu xuống đất/ bùn để hút dinh dưỡng nuôi cho cây phát triển. Ta biết, đặc điểm của rễ cây điên điển là theo con nước. Nước cạn nó chỉ dài chừng ấy; nước sâu thì nó lại dài theo. Nói cách khác, tùy thời, tùy lúc mà rễ cây điên điển có sự thể hiện khác nhau, chứ không phải trước sau như một. Với người miền Nam, điên điển rất quen thuộc, do đó, họ mượn sự đồng âm của rể/ rễ điên điển là cách chơi chữ hoán đổi từ dấu ngã qua dấu hỏi để bóng gió - ngụ ý chê trách con rể đó ở ăn không ra gì với gia đình vợ, khi “năm nắng năm mưa”, lúc cà trật cà duột, lúc thế này khi thế khác.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/re-dien-dien-o-re-co-vo-ruong-do-i684779/