Rèn kỹ năng nghe - ghi cho học sinh lớp 5
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 (GDPT 2018), môn Tiếng Việt lớp 5 không chỉ đòi hỏi học sinh rèn luyện kỹ năng nghe, đọc hiểu, viết và nói, mà còn phải biết tư duy sáng tạo, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề, đặc biệt là việc rèn luyện kỹ năng nghe - ghi.
Do đây là năm học đầu tiên tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới nên nhiều giáo viên gặp không ít khó khăn trong việc dạy môn học này.
Chuyển từ kỹ năng nghe - viết sang kỹ năng nghe - ghi
Đối với Chương trình GDPT 2018, yêu cầu cần đạt khi dạy môn Tiếng Việt có nhiều thay đổi. Trong đó, thay đổi lớn nhất là chuyển dịch dạy kỹ năng nghe - viết sang một kỹ năng hoàn toàn mới đối với học sinh tiểu học là nghe - ghi.
Theo đó, trong quá trình học, học sinh phải biết ghi lại ý chính của bài học, ghi lại ý chính trong nội dung thuyết trình của các nhóm, ghi lại thông tin cơ bản của một câu chuyện… Không chỉ riêng môn Tiếng Việt, yêu cầu về nghe - ghi cần được sử dụng thường xuyên trong các môn học, đặc biệt là khi học phân môn Chính tả. Điều này nhằm giúp học sinh dần hình thành thói quen ghi chép nội dung quan trọng, cần thiết. Đây cũng là bước chuẩn bị cần thiết cho học sinh trước khi bước sang bậc trung học cơ sở.
Theo cô Hoàng Thị Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/2, Trường tiểu học An Hảo (phường An Bình, thành phố Biên Hòa), phần nghe - ghi không chỉ mang ý nghĩa là học sinh nghe và viết ra giấy, mà còn giúp học sinh nghe và ghi nhớ. Chẳng hạn, khi tiết học có phần thuyết trình, học sinh có thể ghi nhanh ý chính mà nhóm của các bạn thuyết trình. Sau đó, học sinh nhận xét về những ý chính của bài thuyết trình mà các bạn mới trình bày. Như vậy, ngoài việc viết tóm lược các ý chính, học sinh còn phải ghi nhớ trong đầu.
Về phương pháp dạy học, theo GS-TS NGUYỄN MINH THUYẾT, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018, có 3 điểm chính, đó là dạy học tích cực (giáo viên dạy học sinh thông qua hoạt động vì năng lực, phẩm chất của con người chỉ có thể được hình thành, phát triển thông qua hoạt động), dạy học tích hợp và dạy học phân hóa (tùy theo sở thích, năng khiếu, trình độ… của học sinh).
Cô Trang cũng cho biết một số khó khăn khi rèn kỹ năng này cho học sinh: “Trình độ của học sinh trong mỗi lớp không đồng đều. Học sinh nào nhanh thì làm điều này rất tốt, đối với những học sinh chậm hơn thì giáo viên chỉ yêu cầu học sinh ghi được những gì các em nghe được, sau đó sẽ hỗ trợ, hướng dẫn chỉnh sửa lại nội dung”.
Cô Đinh Thị Ngọc, giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên thực hiện dạy lớp 5 theo Chương trình GDPT 2018 nên giáo viên còn đang trong quá trình hoàn thiện các kỹ thuật dạy học đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Khó khăn đối với học sinh là chương trình không chỉ yêu cầu phải nghe, hiểu nội dung, mà còn phải sử dụng ngôn từ linh hoạt để biểu đạt nội dung, trong khi nhiều học sinh còn hạn chế vốn từ”.
Phải “bám” vào chương trình
Tại Hội nghị Chuyên đề môn Tiếng Việt lớp 5 do Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức mới đây, những vấn đề liên quan đến việc dạy và học bộ môn Tiếng Việt lớp 5 đã được GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 trình bày. GS-TS Nguyễn Minh Thuyết đã có những lưu ý đối với đội ngũ giáo viên đang dạy chương trình lớp 5 theo chương trình GDPT mới.
Theo Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018, với Chương trình GDPT 2018, giáo viên cần phải dành thời gian đọc kỹ chương trình để nắm rõ học sinh cần đạt yêu cầu gì. Về việc sử dụng ngữ liệu để dạy học, giáo viên không nhất thiết phải theo một bộ sách giáo khoa mà có thể sử dụng cả 3 bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt.
Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 lưu ý, các lớp 1, 2 và 3, chương trình yêu cầu học sinh nghe và nhắc lại hoặc phát biểu ý kiến. Đối với lớp 4 và 5, chương trình có 2 tiết trao đổi để học sinh nghe và ghi lại. Kỹ năng nghe - ghi là kỹ năng rất khó, vì vậy giáo viên không nên đòi hỏi cao ở những bài đầu tiên. Ở những bài đầu tiên, thầy cô không cần “chạy” theo sách giáo khoa mà “bám” vào chương trình là chính.
Những bài đầu, học sinh chưa quen, giáo viên có thể tập trung cho một vài học sinh để trình bày trước lớp, sau đó tất cả học sinh cùng ghi và trình bày xem học sinh ghi được gì, từ đó cả lớp rút kinh nghiệm. Sau một học kỳ, học sinh khá lên, phần lớn học sinh nghe - ghi được rồi thì khi đó mới chuyển sang thực hiện theo đúng tất cả nội dung trong sách giáo viên.
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh thêm: “Giáo viên không nên vội, mà quan trọng nhất là thực hiện được yêu cầu của chương trình. Trên cơ sở nắm vững chương trình, giáo viên phải đánh giá xem học sinh lớp mình còn có khó khăn gì, có những gì đạt được, những gì cần cố gắng. Khi đó mới chọn ngữ liệu để dạy học”.