Rèn luyện đạo đức công vụ qua công tác xây dựng Đảng
Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) Nguyễn Thanh Sơn cho biết, nhiều người dân từ rất xa, vượt hàng trăm cây số đến Viện cấp cao 3 không phải chỉ để gửi đơn (vì nếu vậy họ có thể gửi qua bưu điện), mà họ muốn đến để được trình bày, được hướng dẫn, được giải thích, nếu cán bộ, Kiểm sát viên chỉ nhận đơn rồi trả lời họ là 'về chờ' thì chưa hoàn thành trách nhiệm...
Xác định rõ “Chi bộ mạnh thì Đảng bộ mạnh”
Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện cấp cao 3 Nguyễn Thanh Sơn cho biết, trong năm qua, Đảng bộ Viện cấp cao 3 đã đề ra nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng Chi bộ. Xác định rõ Chi bộ mạnh thì Đảng bộ mạnh, do vậy, Đảng ủy Viện cấp cao 3 tập trung lãnh đạo hai nội dung quan trọng:
Thứ nhất, nâng cao vai trò hạt nhân của các cấp ủy Đảng (cả Đảng ủy, Chi ủy) mà trước hết là nâng cao nhận thức của Đảng ủy viên, Chi ủy viên về những nội dung trong các Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng của Đảng, nhất là các Chỉ thị, Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng hiện nay như: Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7; Chỉ thị 05; xác định đây là lực lượng chủ chốt của Đảng bộ cần phải được nhận thức sâu hơn để chỉ đạo đúng hướng. Các Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng này sau khi được quán triệt, học tập qua hội nghị trực tuyến do Đảng ủy VKSND tối cao tổ chức hoặc do Viện cấp cao 3 mời báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực phía Nam truyền đạt thì Thường vụ Đảng ủy tiếp tục tổ chức họp Ban chấp hành Đảng ủy mở rộng tới cấp ủy các Chi bộ để thảo luận sâu các nội dung trọng tâm của Nghị quyết, nhất là những nội dung trực tiếp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của cấp ủy về các Chỉ thị, Nghị quyết, Đảng ủy đặc biệt chú trọng vai trò nêu gương của các đồng chí này, nhất là trong điều kiện Viện cấp cao 3 là cấp mới, có nhiều khó khăn cả về con người, áp lực công việc, thể chế hoạt động, cơ sở vật chất, kinh phí, trụ sở làm việc...
Thứ hai, Đảng ủy chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ, cả sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt chuyên đề. Sinh hoạt chuyên đề có nhiều đổi mới và thực chất hơn, đã gắn với thực tiễn nhiều hơn, nhất là đã gắn với những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể, năm 2019, Viện cấp cao 3 đã tổ chức được 23 buổi sinh hoạt chuyên đề, trong đó có nhiều buổi sinh hoạt dã ngoại ý nghĩa như chuyến đi về nguồn, về chiến khu cách mạng, về biển đảo thăm các di tích lịch sử,... Sinh hoạt dã ngoại luôn gắn với những hoạt động ý nghĩa như: tặng nhà tình thương, phát quà cho người nghèo, hiến máu nhân đạo... Qua sinh hoạt chuyên đề, Thường vụ Đảng ủy Viện cấp cao 3 rút ra 3 tiêu chí phải đạt được khi tổ chức sinh hoạt chuyên đề, đó là: phải đổi mới; phải thực chất, không hình thức; phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, những nội dung đột phá về công tác chuyên môn.
Tập trung thực hiện tốt 4 nội dung
Đối với công tác xây dựng Đảng về tổ chức, là một cấp mới theo Luật Tổ chức VKSND năm 2014 nên Đảng bộ Viện cấp cao 3 xác định: Kiện toàn bộ máy, “Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” là một trong những nội dung trọng tâm đột phá. Với đặc thù là một Đảng bộ lớn, có 110 đảng viên, có 5 chi bộ được thành lập tương ứng với 4 Viện nghiệp vụ và Văn phòng, để làm tốt công tác xây dựng Đảng về tổ chức, Đảng ủy đã tập trung thực hiện 4 nội dung.
Một là: Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Đảng ủy và lãnh đạo Viện. Đảng ủy xác định, bất kỳ một ngành, một đơn vị, một tổ chức nào muốn phát triển được đều phải hội đủ 3 yếu tố, đó là: Con người, cơ chế và chiến lược. Trong cơ chế thì cơ chế phối hợp là rất quan trọng để hoạt động hiệu quả. Quy chế phối hợp do Đảng ủy Viện Cấp cao 3 xây dựng được Đảng ủy VKSND tối cao đánh giá cao và đã photo gửi các Chi bộ, Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ VKSND tối cao tham khảo. Quy chế này cụ thể hóa nhiều hoạt động phối hợp như phối hợp trong xây dựng báo cáo do Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao, Ban cán sự Đảng VKSND tối cao yêu cầu.
Hai là: Thường vụ Đảng ủy và Ban chấp hành tham gia cùng lãnh đạo Viện trong việc bàn bạc, quyết định hàng loạt các vấn đề về công tác tổ chức và cán bộ như: bổ nhiệm, đề nghị bổ nhiệm các chức vụ quản lý, các chức danh tư pháp, tham gia xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của đơn vị, xây dựng quy hoạch cấp ủy. Hiện nay, Viện cấp cao 3 đã làm xong công tác quy hoạch cấp ủy, chuẩn bị cho nhân sự Đại hội dự kiến diễn ra trong quý I/2020.
Ba là: Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, các Nghị quyết 18, 26 Hội nghị Trung ương 6, 7 Khóa XII; Nghị quyết 46 của Ban cán sự Đảng VKSND tối cao, Kế hoạch 27 của VKSND tối cao. Trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ của đơn vị, yêu cầu kiện toàn bộ máy cũng như yêu cầu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban chấp hành Đảng bộ Viện cấp cao 3 đã xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác luân chuyển cán bộ trong đơn vị. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng bộ, cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, của Ban cán sự Đảng VKSND tối cao. Nghị quyết xác định khá cụ thể về mục đích, phương châm, nguyên tắc, nội dung, giải pháp và lộ trình công tác luân chuyển để lãnh đạo đơn vị có kế hoạch tổ chức thực hiện. Vừa qua, lãnh đạo và Ban thường vụ đã họp, quyết định luân chuyển, điều động gần 25% tổng số cán bộ của đơn vị, đây cũng là bước tiền đề để sắp xếp nhân sự cấp ủy cho Đại hội chi bộ, Đảng bộ sắp tới.
Bốn là: Đảng bộ chú trọng công tác phát triển đảng viên mới với 38 đoàn viên được đào tạo chính quy, nhiệt huyết với Ngành. Đảng bộ đã đưa những đoàn viên này đi học lớp tìm hiểu về đảng, chuẩn bị phát triển đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (năm 2019 đã kết nạp 3 đảng viên và đang xác minh hoàn tất 2 hồ sơ).
Xây dựng Đảng về đạo đức là gốc của thành công
Đối với công tác xây dựng Đảng về đạo đức, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện cấp cao 3 Nguyễn Thanh Sơn cho biết, đây là một trong bốn nội dung quan trọng về công tác xây dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết Trung ương 4 nêu rõ: “Một bộ phận đảng viên thoái hóa biến chất, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống,…”. Trong bối cảnh đó, xây dựng Đảng về đạo đức là rất quan trọng, có tính quyết định đối với sự tồn vong của Đảng. Đảng ủy Viện cấp cao 3 xác định, xây dựng Đảng về đạo đức trong đơn vị không chỉ là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên không tiêu cực, không tham nhũng mà còn là xây dựng ý thức trách nhiệm, không để xảy ra oan, sai, không vô cảm với người dân, đó là đạo đức nghề nghiệp.
Cụ thể là: Với đặc thù là một đơn vị quản lý địa bàn khu vực khá rộng (23 tỉnh, thành khu vực phía Nam), hàng năm, Viện cấp cao 3 tiếp trên 2.000 lượt người dân đến khiếu nại, tố cáo, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, ở các tỉnh Tây Nguyên, hải đảo,… cách xa TP Hồ Chí Minh 500 - 600 km, thậm chí hàng ngàn km, vì có cả người dân từ phía Bắc vào, đường sá xa xôi, có người 70-80 tuổi, có người bị tật nguyền, ốm yếu, bệnh tật, nhiều người là dân lao động lam lũ, họ đi xe đò, đi tàu, 4 - 5 giờ sáng đã có mặt ở VKSND cấp cao 3, họ ngồi ngoài cổng chờ đến giờ làm việc vào nộp đơn trình bày. “Chúng tôi cảm nhận họ đặt niềm tin rất nhiều vào ngành Kiểm sát” - Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện cấp cao 3 Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.
Trước sự tin tưởng, mong mỏi đó, Đảng ủy và lãnh đạo Viện đã chủ trương xây dựng lịch lãnh đạo tiếp công dân hàng tuần, Kiểm sát viên cao cấp tiếp công dân hàng ngày (Viện cấp cao 3 có 40 Kiểm sát viên cao cấp). Sở dĩ Viện cấp cao 3 chủ trương bố trí Kiểm sát viên cao cấp tiếp công dân hàng ngày vì đây là lực lượng chủ yếu trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, giải quyết công việc của người dân và khi họ trực tiếp tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả của người dân, họ sẽ cảm nhận và thấu hiểu được nỗi khổ của người dân, từ đó suy nghĩ nhiều hơn, có trách nhiệm cao hơn khi giải quyết công việc và khó có thể có những ý nghĩ tiêu cực trước hoàn cảnh của người dân như vậy. Phương châm mà Đảng ủy và lãnh đạo Viện chỉ đạo, đó là: “Lễ phép, kính trọng, lắng nghe, chú trọng hướng dẫn, giải thích pháp luật để người dân hiểu”.
Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện cấp cao 3 Nguyễn Thanh Sơn tâm sự: “Bởi người dân từ xa vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số đến Viện cấp cao 3 không phải chỉ để gửi đơn, vì nếu vậy họ có thể gửi qua bưu điện, mà họ muốn đến để được trình bày, được nghe hướng dẫn, giải thích, nếu cán bộ, Kiểm sát viên chỉ nhận đơn rồi trả lời họ là “về chờ” thì chưa hoàn thành trách nhiệm”.
Với cách thức trên, trong năm qua, Đảng ủy và lãnh đạo Viện cấp cao 3 đã làm tốt công tác này và đây cũng chính là cách thức xây dựng Đảng về đạo đức cho đảng viên, Kiểm sát viên thông qua công việc tiếp công dân, giải quyết yêu cầu của công dân. Kết quả, đã có những lá thư của người dân gửi đến cảm ơn cán bộ, Kiểm sát viên của Viện cấp cao 3 vì sự tận tình hướng dẫn, giải thích pháp luật cho người dân khi họ đến khiếu nại, tố cáo. Đây chính là nguồn động viên to lớn để Viện cấp cao 3 càng phải nỗ lực, cố gắng, phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng, để xứng đáng hơn với niềm tin, sự mong mỏi và kỳ vọng của xã hội và nhân dân đối với ngành Kiểm sát nhân dân.