Rèn tính tự lập cho trẻ

Chiều cuối tuần vừa rồi, tôi và đoàn khách 19 người đến từ tỉnh Bình Định đi ô tô từ TP Tuy Hòa ra chùa Thanh Lương (thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An). Sau khi thăm thú, tìm hiểu và chụp ảnh lưu niệm cảnh chùa, đoàn tiếp tục đi bộ ra bến ca nô để ra thăm hòn Chùa nằm ngoài khơi vùng biển của xã.

Trong đoàn khách này có 7 đứa trẻ tầm từ 8-13 tuổi (theo thông tin của cô hướng dẫn viên du lịch). Trong đó, gây chú ý cho tôi nhất là bé trai tên Trần Nhật Tâm (8 tuổi). Nói vậy là vì trong khi ba bạn đồng lứa và ba anh chị lớn tuổi hơn không cầm hay xách đồ đạc gì (vì đã có bố mẹ mang hộ) thì Tâm đeo chiếc ba lô nhỏ đựng quần áo và mấy cuốn sách, đồ chơi.

Chị Nguyễn Nữ Ngọc Hiền (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) là mẹ Tâm, nói: Từ lúc 5 tuổi đến nay, mỗi khi đi du lịch nơi nào, vợ chồng em luôn tạo cho con thói quen phải tự chuẩn bị và bảo quản tất cả các vật dụng của mình chứ ba mẹ không lo. Vì thế, trước khi lên đường là cu cậu tự sửa soạn để mang theo người như anh thấy đó!

Sau khi đoàn bước lên ca nô, trong lúc nhiều người lớn và các bạn nhỏ đang ngơ ngơ ngác ngác chờ tài xế nổ máy chạy ra hòn Chùa thì Tâm đã nhanh nhẹn đến chỗ đặt chồng áo phao, chọn một cái rồi mặc vào. Mọi người thấy vậy liền làm theo. Anh tài xế trẻ cất tiếng: “An toàn là bạn, tai nạn là thù”! Cậu cu này nhỏ mà giỏi quá, xin bà con cho một tràng pháo tay! Nhìn Tâm cười bẽn lẽn mà tôi thấy rất đáng yêu.

Đến hòn Chùa, Tâm càng thể hiện rõ sự “khác biệt” với các bạn. Trong khi mỗi bạn đều chúi mũi vào Iphone, Ipad hay điện thoại thông minh để chơi game, xem video, xem phim, nghe nhạc… (để chờ trời bớt nắng đi tắm biển) thì Tâm chọn một góc yên tĩnh trong quán, mở ba lô lấy cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài ra đọc, thỉnh thoảng lại mỉm cười thú vị. Lân la lại gần, tôi hỏi: Cháu thấy quyển truyện thế nào? Tâm trả lời: Dạ, hay lắm! Con thích nhất là tình bạn rất đẹp giữa Dế Mèn với Dế Trũi, bác ạ! Thì ra cậu bé này còn có cái thú đam mê đọc sách, thật khác với rất nhiều trẻ em ngày nay!

Khi cái nóng đã dịu bởi mặt trời vừa lặn, bọn trẻ rủ nhau xuống biển tắm rồi lên bờ chơi đá bóng trên cát. Quan sát, tôi nhận thấy Tâm rất vui vẻ, hòa đồng cùng các bạn với nụ cười luôn nở trên môi…

Là người hay đi thăm các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, thi thoảng tôi chứng kiến hai “cảnh” trái ngược. Bên cạnh những bạn nhỏ nhanh nhẹn, năng nổ, chủ động, biết chịu trách nhiệm bản thân khi đi chơi xa cùng người thân như cậu bé Tâm, vẫn còn nhiều bạn khác (dù lớn tuổi hơn) vẫn rất phụ thuộc vào sự cưu mang, chăm sóc của người lớn.

Nhớ lại hôm trên đường lên Hải đăng Mũi Đại Lãnh (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa), tôi và nhiều khách không nhịn được cười thầm khi thấy một cậu trai cao lớn dềnh dàng, đeo kính trắng kiên quyết không chịu đi tiếp vì “mỏi chân quá, con ở đây chờ mọi người quay xuống thôi” mặc cho người mẹ trẻ hết lời năn nỉ “ráng lên chút nữa, gần đến nơi rồi con ơi!”. Hỏi thăm cụ thể mới biết cậu trai to xác này đã 16 tuổi chứ đâu còn bé dại nữa!

Từ câu chuyện nhỏ của cậu bé Tâm, có thể nói rằng, cách giáo dục của gia đình rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của con cái. Vì thế, hình thành cho con cái tính tự lập rất cần tấm gương sáng của các bậc phụ huynh để chúng nhìn vào mà học tập.

HUỲNH LONG VŨ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/148/224678/ren-tinh-tu-lap-cho-tre.html