Reo ngân tiếng đàn klek klok
Cứ tưởng Nghệ nhân Ưu tú Rơchâm Tih (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã 'cũ' khi hàng chục năm nay báo chí viết quá nhiều về anh-một con người rất đỗi tài hoa. Nhưng lần tình cờ ghé thăm nhà anh gần đây, tôi mới biết mình phiến diện. Chiếc đàn klek klok vừa được anh sáng chế cất lên những thanh âm mới lạ, rộn rã, như muốn nói với chúng tôi rằng, chủ nhân của nó luôn tìm cách làm mới mình.
Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi ngắm nhìn chiếc đàn kỳ lạ lần đầu “mục sở thị”. Cũng là tre nứa vô tri nhưng qua sự sáng tạo, kỳ công của nghệ nhân mà những bổng trầm từ miền rừng cao, núi thẳm cứ đua nhau hòa quyện, mang đến miên man cảm xúc cho người nghe.
Giới thiệu về đàn klek klok (tạm gọi là đàn lắc) mà mình vừa sáng chế, nghệ nhân Rơchâm Tih cho hay, chiếc đàn này hoàn toàn mới so với hệ thống các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Jrai đã được nhiều người biết đến như: klông pút, ting ning, t’rưng, đing pơng, k’ni… Nghệ nhân Rơchâm Tih kể lại: Lần nọ, xem trên ti vi, anh tình cờ thấy một nghệ sĩ Indonesia biểu diễn nhạc cụ khá lạ, âm thanh vang lên réo rắt khi dùng tay lắc các tổ hợp tre nứa. Tiết mục ấy khiến anh trăn trở mãi: Cũng là những vật liệu sẵn có, tại sao mình không làm được một chiếc như vậy?
Sau 6 tháng suy nghĩ, mày mò, thử nghiệm, chiếc đàn đầu tiên hoàn thành từ sự mường tượng của riêng anh, hoàn toàn thủ công. Nhưng nó lại chẳng khiến người nghệ sĩ chuyên chế tác và diễn tấu nhạc cụ truyền thống này hài lòng, bởi tiếng đàn chưa thể làm dậy lên trong anh niềm xao xuyến. Làm đi làm lại, phải đến cái thứ 3 anh mới ưng ý. Theo quan sát của tôi, chiếc đàn có một bộ khung gỗ đứng trên 3 chiếc chân kiềng chắc chắn làm bằng gốc tre. Bộ khung này dùng để cố định một dàn các tổ hợp tre nứa gồm 26 thanh lớn nhỏ xếp dọc, song song với nhau. Nghệ nhân Rơchâm Tih giải thích: “Mỗi một tổ hợp gồm 2 thanh tre, đều được vót âm thanh cùng một nốt, ví dụ nốt “Rê lớn” đi với nốt “Rê nhỏ” (1 nốt cao, 1 nốt trầm-P.V). Khi các thanh tre xếp dọc va đập với ống tre nằm ngang bên dưới sẽ tạo ra âm thanh trầm bổng đan xen”.
Đầy mới mẻ và sáng tạo nhưng chiếc đàn vẫn giữ nguyên thang âm truyền thống (ngũ âm) của người Tây Nguyên bản địa. Bàn tay người nghệ sĩ chạm đến đâu, những ngân rung vang lên đến đó. Tiếng đàn klek klok thoạt nghe gần giống đàn t’rưng nhưng âm thanh có độ reo ngân dài hơn, như tiếng róc rách của trong trẻo suối ngàn. Khép mắt lại, lắng nghe lời tre nứa, ta như thấy mình trở về giữa thiên nhiên hoang dại, bạt ngàn, tĩnh lặng; trở về với nguyên sơ chính mình. Thứ nhạc điệu ấy càng cuốn hút khi diễn tấu những bài dân ca Jrai: “Chàng trai dũng cảm”, “Đi hái trái rừng”, “Em đẹp như hoa pơ lang”, “Tắc kè tháng 5”… Càng nghe càng mê say.
Trò chuyện cùng chúng tôi về sáng chế này của Rơchâm Tih-nghệ nhân mà mình hằng yêu quý, nhạc sĩ-nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdăm (trú tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak) cho hay: Bà từng biết đến chiếc đàn tương tự là đàn Angklung của người dân Indonesia. Sau này, Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc cũng mô phỏng và làm ra chiếc đàn như trên để mang đi biểu diễn ở nhiều nơi, kể cả các sân chơi âm nhạc quốc tế. “Rơchâm Tih không biết đến những cây đàn kia nhiều đâu, nhưng tôi đoán là anh dựa trên nguyên tắc vận hành giống như đàn t’rưng nước: Khi nước đổ lên gàu sẽ làm chuyển động những thanh tre gõ vào dàn nứa tạo ra âm thanh. Ở đây thì người nghệ sĩ sẽ lắc bằng tay để tạo nên tiếng đàn. Rơchâm Tih là một nghệ nhân say mê, yêu quý và trình diễn được tất cả các nhạc cụ dân tộc, từ chiêng đến các loại đàn làm bằng tre nứa. Anh luôn chịu khó mày mò, học hỏi để làm mới mình. Đây chính là minh chứng cho sự gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là điều vô cùng đáng quý!”-nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm nhận định.
Nói về việc giới thiệu rộng rãi chiếc đàn klek klok đến đông đảo công chúng, nghệ nhân từng mang âm nhạc dân tộc đi biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới như Anh, Úc, Phần Lan… cười hiền chia sẻ: “Nếu được, tôi cũng mong có cơ hội đưa chiếc đàn này đi biểu diễn khắp mọi nơi”.
PHƯƠNG DUYÊN
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8213/202206/reo-ngan-tieng-dan-klek-klok-5781282/