Reply Y2K: 'Ông Bụt' hô biến ra ghe cà-rem ngọt ngào cả một thời ấu thơ tôi
Bỗng dưng tui hiểu, Hiệp bày ra chuyện bán cà-rem là nghĩ tới một ai đó, chứ chẳng phải vì toan tính lãi lời như Cúc tưởng đâu.
Trong các câu chuyện cổ tích, ông Bụt hay bà Tiên đỡ đầu thường xuất hiện khi có ai đó bật khóc, cùng với phép màu giúp điều ước của họ trở thành hiện thực. Trong đời thực, "ông Bụt" hay "bà Tiên" lại hay cải trang, giấu mình đằng sau những dáng hình nhỏ bé, thân quen. Nhưng bằng sự quan tâm và cả tình yêu, họ cũng dùng những phép màu của riêng mình để làm cho chúng ta hạnh phúc. Hai mươi năm trước, những trang viết ấy trên Hoa Học Trò rất đúng, và đến tận bây giờ điều đó vẫn không sai.
GHE CÀ-REM
Thời đó nhà tía má tui ở tuốt trong đồng sâu, bốn bề là ruộng và nước. Người lớn suốt ngày lo chuyện làm tôm, làm lúa nên con nít cứ ở rì trong xóm. Lâu lâu, có đứa nào được theo ghe lên chợ, kể như sung sướng không gì bằng.
Trong xóm, có nhỏ Cúc ba má nó chủ mấy đìa tôm lớn nên nhà dư giả lắm. Mỗi khi đi chơi trên thị xã về là nó được sắm sanh đủ thứ. Nhưng thèm nhất là khi nhỏ Cúc kể về một món ăn ngon lành trên chợ. Có lần tui ngơ ngác trước tên món ăn lạ hoắc: "Cà-rem là cái giống gì?". Nhỏ bạn càng giải thích, tui càng không tin. Làm gì có thứ đặc không đặc, nước không nước, lạnh ngắt mà lại bốc khói cơ chứ. Tui ngoác miệng cãi, rốt cuộc, bị nhỏ Cúc nghỉ chơi thẳng cánh.
Buồn thiu, tui lượm mấy cục gạch chọi xuống rạch nước. Đúng lúc, một ghe nhỏ vẫn luồn lách vô các xóm vùng sâu, bán dăm ba thứ mắm muối, xà-bông, bánh trái... bơi qua. Chẳng dè, thằng con trai ngồi ở đầu ghe "dính" cục gạch tui vừa quăng mạnh, nó nhỏm phắt dậy la lớn. Nhưng rồi nhận ra người quen, thằng Hiệp bỗng nín thinh, lẳng lặng tấp ghe vô bờ.
Nó hỏi vọng lên: "Có chuyện gì mà mặt mũi quạu đeo vậy, Thúy?" Tui thở dài: "Nè Hiệp, trên thị xã có thứ gì tên cà-rem không?". "Trời, đầy nhóc! Bộ mày chưa ăn cà-rem bao giờ sao?" Tui sượng sùng gật đầu. Rồi bỗng dưng tủi thân quá xá, nước mắt tui tuôn tràn ướt mặt. Thằng Hiệp khuấy mái chèo, được quãng xa, nó ngoái lại, nói lớn: "Đừng khóc nữa Thúy. Tao sẽ mang cà-rem về đây cho mày!"
Nhà thằng Hiệp là một cái ghe lớn cất hàng bán buôn neo gần bến đò chợ trên thị xã. Lúc rảnh, nó chèo cái ghe nhỏ, mình ên đi bán ít hàng hóa. Tía tui bảo thằng Hiệp có máu khách thương hồ, đi bán buôn không cầu kiếm nhiều tiền, mà lấy niềm vui đi đó đi đây là chính yếu...
Sau lời hẹn của Hiệp, bữa nào tui cũng ngóng cà-rem. Một buổi chiều, chớm thấy cây sào tre cột mấy trái bắp dựng đầu ghe Hiệp, tui nhào ra. Vừa thấy tui, nó cười hớn hở: "Có cà-rem cho Thúy nè!" và chìa một cái bọc nhỏ. Nhưng trong bọc chỉ là một chút nước đặc sánh màu xanh. Hiệp chưng hửng: "Thôi chết, tao quên mất là cà-rem rất mau tan!"
Lần sau, việc "vận chuyển" cà-rem cũng không thành. Mặc dù Hiệp bỏ kem que vô hộp thiếc đóng nắp kín, ráng chèo ghe thiệt lẹ. Nhưng kem vẫn tan chảy hết. Giấc mơ được ăn món cà-rem kỳ diệu của tui coi như tắt ngóm. Tui không ngóng đợi ghe thằng Hiệp nữa.
Chợt một bữa, vẳng nghe tiếng kèn hơi toe toe lạ lẫm từ xa lan tới. Tui chạy ra bờ rạch, tò mò trông. Vẫn là ghe thằng Hiệp, tay nó nhấn một cái kèn hơi. Nhỏ Cúc hỏi: "Mày làm gì nghe giống xe đạp bán cà-rem trên chợ dữ?" Hiệp cười toe: "Thì tao cũng bán cà-rem. Nhưng là ghe cà-rem". Trong cái thùng xốp lót ni-lông trắng tinh, ủ đá cục lớn, những cây kem đủ màu xanh vàng đỏ. Hương vị thơm ngọt, mát lạnh ê răng lần đầu tiên tui được thưởng thức là vậy đó.
Tui và nhỏ Cúc trở thành khách hàng ruột của ghe cà-rem. Một lần, nhỏ Cúc hỏi cắc cớ: "Ê Hiệp, ghe mày bán đồ khô lợi hơn, bán cà-rem chi cho cực thân?". Hiệp đáp tỉnh rụi: "Ai cần gì thì tao có thứ đó, hiểu chưa!" Chợt nó quay lẹ sang ngó tui, cười. Bỗng dưng tui hiểu, Hiệp bày ra chuyện bán cà-rem là nghĩ tới một ai đó, chứ chẳng phải vì toan tính lãi lời như Cúc tưởng đâu.