Reply Y2K: Thương mến Cú Bông một ngày đá cánh cổng nhà, mở cửa trái tim tôi
Tôi lại lặng lẽ đọc truyện, chơi điện tử. Nhưng tai luôn lắng nghe, chờ tiếng chân ai đá vào cánh cổng. Chờ đợi rất lâu, đến lúc tôi không còn mong ngóng nữa, Cú Bông đột ngột trở về.
Đôi khi có những mất mát trong đời khiến bạn thấy đơn độc, thấy đau đớn đến mức bạn đóng chặt cánh cửa trái tim mình. Nhưng rồi sẽ có những người mới xuất hiện, những người yêu thương bạn theo cách của họ. Họ sẽ tìm cách đến bên bạn, bằng cách này hay cách khác, có thể là trèo tường, hoặc cũng có thể là đá cánh cổng nhà buộc nó phải mở ra. Và họ sẽ xoa dịu trái tim đang thổn thức của bạn.
CÚ BÔNG
Hồi tôi lên tám, mẹ tôi mất. Tôi không khóc chút nào, nhưng mọi thứ quanh tôi bỗng dưng như bị tắt hết âm thanh và tẩy xóa mất sạch màu sắc. Suốt ngày, tôi ngồi trong nhà, học bài, đọc truyện tranh, chơi một mình với vài món đồ chơi cũ. Ba đưa tôi đến bệnh viện. Ngoài chứng trầm cảm, bác sĩ còn phát hiện tôi bị cận thị và có nguy cơ còi xương. Tôi phải đeo cặp kính dày. Phải uống sữa. Phải phơi nắng. Người lớn lo lắng: "Tí Trụi này, tại sao con không bao giờ cười. Tại sao con không nổi giận, dù chỉ một tẹo thôi?" Tôi im lặng, rúc đầu vào quyển sách.
Một sáng, có tiếng chân đá mạnh vào cổng. Tôi mở ô cửa tí xíu. Một con nhóc trạc tuổi tôi, mắt trợn tròn xoe, khệ nệ ôm trước ngực mấy trái táo đỏ tươi. Nó hét vang lên: "Nhà Cú Bông mới chuyển về kế bên nè. Má Cú Bông kêu mang sang cho mày. Lấy không?" Tôi lắc đầu. Hồi lâu sau, cổng nhà tôi lại rung lên. Con nhỏ vẫn đứng nguyên chỗ cũ, tôi đành phải nhận những món quà. Khi tôi quay vào, bỗng nó túm lưng áo tôi, hừ mũi: "Bộ mày không biết nói hả?". "Ờ, thì cảm ơn!" - Tôi lí nhí. Lâu lắm rồi, tôi mới lên tiếng, lại với một con nhóc lạ hoắc lạ huơ.
Cú Bông đập cổng nhà tôi bất kể giờ nào, bắt buộc tôi phải đánh bạn với nó. Bắt đầu là chơi cờ vua. Cú Bông chơi kém tệ, nhưng nó lại không chịu thua trận bao giờ. Mỗi lúc sắp bị tôi ăn quân, nó ngoác miệng vu tôi ăn gian. Tôi lẳng lặng chơi lại từ đầu, không buồn cãi vã làm chi. Tuy nhiên, nhỏ Cú Bông tháu cáy ghê gớm, cuối cùng, tôi cáu kỉnh gạt phăng bàn cờ: "Không thèm chơi với mày nữa!" Thật không ngờ, con nhỏ òa khóc, la to thấy ớn! Tôi đành xuống nước: "Nín đi! Nín đi mà" Nhỏ bạn bỗng nín thật, nhìn tôi qua làn nước mắt: "Tí Trụi lấy xe đạp ra tập với Cú Bông, nghen!"
Nắng hè chói chang, tôi dắt cái xe lênh khênh trên vỉa hè, vụng về ngồi đằng sau, dùng chân giữ cân bằng cho nhỏ Cú Bông rướn người đạp xe. Rồi tới phiên tôi phải tự điều khiển, chở Cú Bông. Một bữa, loạng choạng, tôi ngã lăn ra vỉa hè. Mẩu đá răm sắc nhọn cứa vào trán tôi, máu chảy tràn xuống mắt. Cú Bông hoảng hồn dắt tôi vào nhà. Nó lau vết thương, băng bó cho tôi thật dịu dàng. Bỗng dưng nước mắt tôi chảy ra. Cú Bông rụt tay: "Tí Trụi đau hả?" Tôi lắc đầu: "Không, mày băng tiếp đi!". Nhắm mắt lại, tôi ngỡ như bàn tay mẹ đang ở rất gần.
Hè, Cú Bông đi Hà Nội. Nó chạy sang nhà tôi, chia tay. Tôi tái nhợt: "Mày đi luôn, phải không?" Nhỏ bạn cắm cổ phóng luôn. Tôi lại lặng lẽ đọc truyện, chơi điện tử. Nhưng tai luôn lắng nghe, chờ tiếng chân ai đá vào cánh cổng. Chờ đợi rất lâu, đến lúc tôi không còn mong ngóng nữa, Cú Bông đột ngột trở về. Nó không đập cổng, mà lỉnh vào sân, đột ngột thò đầu nhìn tôi qua cửa sổ, mỉm cười: "Tao về nè" Mừng quá, tôi chỉ biết nói khẽ: "Vậy mà tao tưởng mày bỏ tao đi luôn...". Mắt Cú Bông mở to: "Tao ra thăm ông bà rồi phải về chứ. Làm sao tao để Tí Trụi một mình được!"
Lúc mất đi một tình thương yêu, bạn đơn độc, đau yếu, ngỡ rằng bị bỏ rơi. Nhưng bạn biết không, ở đâu đó, vẫn sẽ có một trái tim sẵn lòng mở ra, thương mến chào đón bạn. Giống như cô bạn Cú Bông đã đến với tôi ngày ấy.