Rét đậm rét hại khiến sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề ra sao?

Khả năng ảnh hưởng của rét đậm, rét hại tới sản xuất nông nghiệp là rất lớn, thậm chí nhiệt độ có thể xuống thấp khả năng xảy ra tuyết, băng giá, sương muối, gây ra thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và vật nuôi.

Vào mùa đông, trong các bản tin dự báo thời tiết thường đề cập đến hiện tượng rét đậm, rét hại. Rét đậm, rét hại chủ yếu được hiểu cho vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nơi có các hoạt động sản xuất nông nghiệp nhiều nhất vào mùa lạnh.

Theo các chuyên gia, thuật ngữ rét đậm, rét hại được sử dụng chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bởi rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Các nhà khoa học đã tính toán được rằng khi nhiệt độ trung bình ngày dưới ngưỡng rét đậm, rét hại sẽ ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây lúa.

Nếu rét đậm, rét hại xảy ra trong 1 ngày thì cây lúa vẫn có khả năng quang hợp và phát triển bình thường. Nếu kéo dài từ 2 ngày trở lên thì cây lúa sẽ không còn khả năng quang hợp và tự bảo vệ mình dẫn đến không còn khả năng đề kháng và bị chết.

Rét đậm rét hại gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và vật nuôi.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ tháng 12/2021 đến nửa đầu tháng 2/2022, nước ta đã xảy ra 9 đợt không khí lạnh. Trong đó, đợt rét hại, băng giá từ ngày 19/2 đến nay là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa, mạnh nhất trong 40 năm cùng thời kỳ; nhiệt độ thấp nhất là tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -1 độ C, thấp kỷ lục cùng thời kỳ.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, qua nhiều năm ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại nên khu vực miền núi phía bắc đã có kinh nghiệm và nhiều tiến bộ trong việc chống rét cho đàn gia súc.

Nhìn lại năm 2007-2008 có những lúc rét đậm, rét hại kéo dài đến hơn 30 ngày làm chết trên 200.000 con gia súc, năm 2011-2012 cũng phải tiêu hủy và chết trên 100.000 con gia súc.

"Trong quá trình chăm sóc vật nuôi đặc biệt chú ý nền chuồng, vì sẽ ảnh hướng đến móng vật nuôi nếu bị lạnh và môi trường chất thải không được xử lý sạch. Nếu nhiệt độ dưới 12 độ thì không chăn thả. Bên cạnh đó, vào mùa đông không có thức ăn xanh thì phải có rơm rạ phơi khô, thức ăn tinh cũng phải được chuẩn bị kỹ để tránh cho vật nuôi bị đói dẫn đến không chống chịu được rét…" - Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Rút kinh nghiệm từ những đợt rét trên, trước khi vào mùa đông, Bộ NN&PTNT luôn có văn bản chỉ đạo phòng chống rét cho vật nuôi. Cụ thể, ngay từ ngày 29/9/2021, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản gửi các tỉnh phía bắc về việc phòng chống rét cho chăn nuôi, tập trung vào trâu bò. Ngày 14/12/2021, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị liên quan vấn đề này và giao Cục Chăn nuôi cùng Tổng cục Phòng chống thiên tai đi kiểm tra, đôn đốc việc phòng chống rét trên vật nuôi".

Theo đó, công tác kiểm tra cho thấy nhiều tỉnh hỗ trợ người dân xây dựng chuồng trại, che bạt… nhưng trong trường hợp rét đậm chỉ còn vài độ, thậm chí có nơi có tuyết thì việc này cần được làm bài bản hơn.

Giảm thiệt hại cây trồng đến mức thấp nhất

Nhằm tránh tình trạng cây trồng bị thiệt hại do rét đậm, rét hại, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, cơ quan này đã đưa ra nhiều khuyến cáo với các địa phương. Cụ thể, đối với diện tích lúa đã gieo sạ, người dân cần thường xuyên kiểm tra, có biện pháp phòng chống rét cho lúa kịp thời; duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa từ 2-3 cm, không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét, nếu lúa bị chết phải dặm lại và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm. Tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C.

Nhằm tránh tình trạng cây trồng bị thiệt hại do rét đậm, rét hại, tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C.

Đối với diện tích chưa gieo mạ, các Sở NN&PTNT cần tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, gieo mạ theo lịch thời vụ, kế hoạch sản xuất và diễn biến của thời tiết; tránh tình trạng để nông dân gieo mạ lúc rét đậm, rét hại.

Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương tập trung gieo cấy, kết thúc trước ngày 28/2. Riêng một số tỉnh miền núi phía bắc, có thể kéo dài nhưng không quá ngày 5/3 để đảm bảo lúa sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt là giai đoạn làm đòng, trỗ bông trong điều kiện nhiệt độ, ánh sáng tốt nhất. Các địa phương cần chuẩn bị tốt điều kiện làm đất, vật tư để khẩn trương gieo cấy tập trung theo lịch thời vụ đã xác định ngay khi có đủ nguồn nước và thời tiết thuận lợi.

Đối với sản xuất rau màu, Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý, cần thu hoạch kịp thời cây vụ đông đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng; chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây màu vụ xuân như lạc, ngô, dưa chuột, bí xanh… Không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm. Với diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch, người dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị hạt giống rau các loại, đảm bảo chất lượng để tiếp tục gieo trồng ngay trên diện tích mới thu hoạch càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo nguồn rau cung cấp cho thị trường.

Đặc biệt, khi nhiệt độ tăng lên trên 15 độ C, cần kiểm tra lại các diện tích đã gieo cấy, nếu ảnh hưởng phải có phương án cấy dặm hoặc gieo lại. Nếu không bị ảnh hưởng thì chăm sóc kịp thời kết hợp bón phân kali, phân lân (không bón phân đạm), kết hợp duy trì mực nước trên ruộng hợp lý để lúa sinh trưởng thuận lợi, đẻ nhánh sớm, không để ruộng lúa bị hạn. Với diện tích mạ đã gieo, khi nhiệt độ lên trên 15 độ C, có thể mở 2 đầu luống cho thoáng nhưng không được mở hoàn toàn, tránh sốc nhiệt. Bên cạnh đó, cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng...

Lan Anh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ret-dam-ret-hai-khien-san-xuat-nong-nghiep-thiet-hai-nang-ne-ra-sao-64875.html