Rét nàng Bân: Nhớ về thuở ấu thơ nghèo khó…
Cuộc đời là vậy, có những điều vĩnh viễn chỉ còn trong ký ức. Nhưng chính từ những ký ức ấy, tôi hiểu được rằng, những gì đẹp đẽ nhất không nằm ở vật chất, mà là tình thương, là sự hy sinh thầm lặng mà mẹ đã dành cho tôi.
Tác giả: Lê Thị Hiệp
Trường CĐSP Trung ương
Mới đây, khi nghe tin Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ chiều tối ngày 28/03/2025, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới thời tiết Bắc Bộ, khi nền nhiệt độ giảm mạnh, trời trở rét…, trong tôi lại nôn nao hoài niệm về thuở ấu thơ, nơi quê nhà với biết bao kỷ niệm, trong đó đáng nhớ nhất là những dịp rét nàng Bân rơi rớt sau cùng, khi tiết trời đã chuẩn bị sang Hè.
Trong dòng chảy của nhân sinh, mọi sự đổi thay đều mang theo những bài học vô giá. Những cơn rét cuối cùng của mùa đông cũng nhắc nhở con người về vô thường, một nguyên lý cốt lõi trong giáo lý Phật giáo. Cái lạnh bất chợt ấy, dù chỉ thoáng qua, nhưng cũng đủ làm người ta run rẩy, giống như cách đời người đôi khi gặp những nghịch cảnh không báo trước. Nhưng cũng như rét nàng Bân rồi sẽ tan đi, mọi nỗi khổ trong đời nếu hiểu rõ bản chất của nó, ta sẽ không còn chấp trước, không còn đau khổ vì nó nữa.

(Ảnh: Internet)
Câu chuyện về con gái của Ngọc Hoàng trên Trời là: Nàng Bân may áo cho chồng trong suốt mùa Đông dài mà mới xong đôi cổ tay là một truyền thuyết đẹp về tình vợ chồng, mà chắc hẳn rất nhiều người đều biết, nhất là những người sinh ra và lớn lên tại miền Bắc, nơi có mùa Đông lạnh giá đầy khắc nghiệt. Khi nàng Bân may xong tấm áo cho chồng thì trời đã chuyển qua tháng Ba và hết rét rồi, vì vậy nàng Bân buồn lắm. Thương con gái có tấm lòng chân thật với chồng, vua cha Ngọc Hoàng đã sai Trời nổi gió rét trong mấy ngày để chồng diện thử chiếc áo của nàng đã kỳ công may nên. Chính vì vậy, dân gian gọi những đợt rét thoảng qua như vậy là rét nàng Bân.
Rét nàng Bân, giúp ta gợi nhớ tới bài thơ Gửi miền Bắc (1962) của nhà thơ Tế Hanh:
Nàng Bân xưa may áo ấm cho chồng,
Áo may xong không còn mùa lạnh nữa.
Nàng Bân khóc, đất trời thương lệ ứa,
Cho rét về đáp lại nỗi chờ mong.
Chuyện nàng Bân chậm trễ may áo có thể gợi cho ta suy ngẫm về nhân duyên và phước báo. Trong Phật giáo, mỗi sự việc xảy ra trong đời đều là kết quả của nhân duyên hội tụ. Dù nàng Bân có may xong áo sớm hay muộn, thì thời tiết cũng không thể thay đổi theo ý muốn cá nhân. Điều này cũng giống như trong cuộc sống, có những điều dù ta đã cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa thể viên mãn, bởi vì còn tùy thuộc vào nhiều nhân duyên khác nhau. Khi hiểu được điều đó, ta sẽ bớt mong cầu và biết cách chấp nhận mọi sự đến đi với tâm an nhiên.
Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi đã trải qua bao nhiêu lần rét nằng Bân như thế. Dẫu không phải là những đợt rét đậm, mà chỉ là vài cơn gió lạnh thoảng qua trong vài ngày, nhưng rét nàng Bân cũng đủ làm mọi người phải run rẩy, tái tê, bởi lẽ Trời đang bừng nắng, đang quen dần với khí hậu ấm nóng, bỗng trời trở lạnh bất thình lình nên ai cũng phải bắt đầu suýt xoa và “sống chung” với cái lạnh, dẫu biết rằng… chỉ như thoảng qua.
Ngày còn sống ở làng quê, thường nhà nào cũng nghèo khó nên trẻ con trong làng, trong xóm chúng tôi cái ăn còn không đủ, nói gì đến cái mặc. Lẽ vậy, chúng tôi rất sợ mùa đông lạnh giá, vì đứa nào cũng không có đủ áo quần dày và ấm áp để chống chọi với cái lạnh. Thời đó, những đứa trẻ ở hầu hết các gia đình thôn quê đều luôn “được đóng vai người chồng của... nàng Bân”!
Tôi ví von như vậy là bởi, nếu chồng của nàng Bân đợi vợ may xong áo để mặc chống rét, thì bọn trẻ quê tôi cũng luôn được bố mẹ hứa sẽ mua áo ấm để mặc, nhưng nhà nào cũng nghèo quá nên có khi mùa đông qua đi rồi mà áo ấm chưa được bố mẹ mua cho. Biết là vậy, nhưng chúng tôi nào có dám trách mẹ cha, mà ngược lại còn luôn thể hiện tình thương cha mẹ, bởi cha mẹ luôn là người vất vả nhất, khi không chỉ chịu rét mà còn chịu đói để nhường cái ăn cho các con.

(Ảnh: Internet)
Tôi còn nhớ rất rõ, năm ấy tôi đang học lớp 5 trường làng, đầu mùa Đông mẹ hứa khi bán được đàn gà mẹ sẽ mua cho tôi chiếc áo len ấm. Thế nhưng, khi bán được đàn gà, vì gia đình cần chi tiêu nhiều, rồi cả tiền mua sách bút, mực cho tôi và vài đứa em nên mẹ lại thất hứa. Dẫu có thoảng chút buồn, vì tâm tính trẻ con chưa đủ lớn để hiểu và cảm thông với nỗi khổ của mẹ cha, nhưng tôi không mè nheo gì cả. Rồi năm đó mẹ đã “đền” cho tôi bằng một chiếc áo sợi mẹ tự đan, khi chính những sợi để đan nên chiếc áo chống rét đó cho tôi dùng để khâu bao bố xi măng mà mẹ xin, kết hợp với mua rẻ ở một cửa hàng bán vật liệu xây dựng gần nhà. Gần nửa cân sợi dây khâu miệng bao xi măng ấy mẹ đã giặt sạch, phơi khô, rồi chắp nối và đan ròng rã trong vòng vài tháng mà vẫn chưa xong, bởi mẹ còn bận biết bao công việc đồng áng.
Qua Tết một thời gian dài, khi trời hửng nắng, ấm dần thì chiếc áo mới hoàn thiện. Tôi hí hửng với chiếc áo mới, nhưng vì trời nóng quá nên không thể đem mặc, mà định bụng để mùa rét sang năm sẽ diện. Như đoán biết được suy nghĩ của tôi, mẹ tôi cười bảo: “Do mẹ bận quá nên đan mãi mới xong cái áo cho con và khi đan xong thì trời mùa đông đã hết, vì vậy mẹ chẳng khác nào hoàn cảnh của nàng Bân đan áo cho chồng... Nhưng không sao đâu con, mai mốt thế nào cũng có mấy ngày rét nàng Bân cho mà xem, khi đó con sẽ mang áo ra mặc thử...”. Và quả nhiên, lời mẹ nói chưa qua đi một tuần thì hôm đó, trời đang nóng, nắng tràn ngập nhân gian bỗng đột nhiên mây đen ầm ầm kéo tới che phủ khắp bầu trời. Đêm đó, gió mùa Đông Bắc tràn về kéo theo mưa nhỏ khiến nhiệt độ hạ thấp đột ngột. Sáng hôm sau đến trường, tôi đã có cơ hội để diện chiếc áo mẹ đan, dù chiếc áo ấy không đẹp nhưng tôi luôn trân trọng, nâng niu ngay từ lúc bắt đầu mặc, bởi đó là công sức, là tình thương yêu chứa chan của mẹ. Dù trời có rét, lạnh giá thế nào, khi mặc chiếc áo, cơ thể và trái tim tôi luôn được sưởi ấm.
Mùa Đông cùng biết bao đợt rét nàng Bân nối tiếp cứ thế trôi đi, tôi lớn khôn và gia đình tôi kinh tế cũng khá giả dần. Áo quần dẫu đã đủ đầy, ấm áp để chống chọi lại với mùa Đông khắc nghiệt, nhưng mỗi khi bước vào tháng Ba, hoa xoan nở tím trời và đợt rét nàng Bân cuối cùng trong năm lại tràn về, trong tôi luôn hoài niệm về một thời nghèo khó.
Những kỷ niệm ấy, dù khó khăn hay hạnh phúc, đều là những dấu ấn của quá khứ, giống như một dòng sông không bao giờ chảy ngược. Phật giáo dạy rằng mọi sự vật, hiện tượng đều là vô thường, không có gì tồn tại mãi mãi. Nhưng điều quan trọng là ta giữ được trong tim sự tri ân và tình thương. Bởi tình thương ấy, dù mẹ tôi không còn trên cõi đời này nữa, vẫn là ngọn lửa sưởi ấm tôi suốt đời. Giống như đức Phật đã dạy về lòng hiếu thảo: cha mẹ là những bậc ơn sâu và chỉ khi ta sống trọn vẹn trong tình thương ấy, ta mới thấu hiểu và trân trọng từng giá trị.
Tôi vẫn thường mang chiếc áo sợi cũ kỹ mẹ đan năm xưa ra nhìn ngắm, bởi từ chiếc áo, tôi như thấy hình bóng người mẹ thân yêu dù mẹ đã không còn trên cõi đời này nữa. Nhớ mẹ, hai hàng nước mắt cứ tự nhiên tuôn ròng... những lúc như thế tôi thầm gọi: Mẹ ơi rét nàng Bân đã về rồi đó mẹ ạ!
Rét nàng Bân mỗi năm đều trở lại, nhưng mẹ tôi thì không thể trở về. Cuộc đời là vậy, có những điều vĩnh viễn chỉ còn trong ký ức. Nhưng chính từ những ký ức ấy, tôi hiểu được rằng, những gì đẹp đẽ nhất không nằm ở vật chất, mà là tình thương, là sự hy sinh thầm lặng mà mẹ đã dành cho tôi. Và đó cũng chính là bài học mà phật pháp luôn nhắc nhở - sống với tâm biết ơn, trân trọng những gì ta đã có và lan tỏa yêu thương đến những người xung quanh.
Tác giả: Lê Thị Hiệp
Trường CĐSP Trung ương
Địa chỉ: Đội 6, thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội