Rét sâu những màu biên tái
Màu biên tái là màu gì? Nếu thực sự muốn biết thì phải tới khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc những ngày cuối năm.
Tháng Chạp rét căn cắt trong cái gió Đông Bắc buốt xương tái da, màu giời cứ ỉu thiu như nồi nước không sôi. Thương lái đánh hàng biên và cánh lái xe vận tải hàng ủ rũ nhìn nhau vì một đợt tắc biên ngột ngạt bất ngờ ập tới khi mà Tết Nguyên đán cũng đang đến gần.
Giao thương biên mậu là một canh bạc mà chơi hoài cũng vẫn còn những tình huống bất ngờ ở phía trước. Ấy là dân chuyên buôn hàng nông sản ra cửa khẩu đúc rút ra thế. Lực lượng chức năng chống buôn lậu ở khu vực biên giới canh hàng nhập lậu vào nội địa chẳng khác nào trông chừng cái cây cứ vươn ngọn thì lại bị bấm, cắt. Ác thay cứ bấm ngọn đi thì lại kích thích mọc ra vài cái ngọn khác.
Ngược lại, hàng xuất khẩu của ta qua biên giới thì tình thế bị động, “bắc nước chờ gạo người”, chả khác gì các dòng sông “bắc vọng” – cách gọi chung để chỉ những dòng sông biên giới chảy về hướng Bắc. Hàng hóa thông quan như nước sông chảy ngược nguồn. Bên kia biên giới có lệnh thôi nhập hàng, vì nhiều kiểu lý do không biết trước, là bên này dòng chảy hàng hóa ùn ứ, tắc nghẽn. Hàng vạn chiếc container nằm như những thỏi lego ngổn ngang sau trận domino tùy hứng.
Trên cả tuyến biên giới bộ Việt – Trung, hàng nông sản phía ta chủ yếu đi qua các cửa khẩu tại Quảng Ninh và Lạng Sơn, tiếp đến Cao Bằng và Lào Cai, một số ít nữa đi qua ngả Hà Giang, Lai Châu sang nước bạn. Nhiều nhất là trái cây theo mùa, hải sản, thực phẩm đông lạnh. Giao thương biên mậu đã từng là yếu tố thúc đẩy sự hình thành các khu bảo thuế, khu kinh tế cửa khẩu sầm uất nồng mùi biên ải. Bên cầu Ka Long hồi mới thông thương cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, cả một chợ tiền lưu động thu đổi ngoại tệ với số lượng lớn chả ngân hàng nào sánh kịp. Móng Cái đã từng xa hoa đến ngộp thở. Bước qua Trạm kiểm soát Km15 – Bến tàu Dân Tiến vào Móng Cái chỉ có tiếng cười hảo sảng sau mỗi thương vụ, tiếng xôn xao trả giá hàng hóa, trao tay tiền mặt không đếm, không chút nghi ngại. Thương nhân có câu cửa miệng khi làm ăn với người Trung Quốc: “Chữ tín quý hơn vàng”.
Bên sông biên giới Ka Long những ngày chống dịch
Tôi mông lung trong cái tâm thức ấy, hướng về Móng Cái một chiều cuối năm với tập báo cáo hằng ngày về số lượng container ùn ứ ở cửa khẩu không xuống hàng được. Qua đủ các bước đo thân nhiệt và tầm soát dịch tễ, tôi đứng tần ngần bên cầu Bắc Luân vắng tanh nhìn cửa khẩu Móng Cái im lìm trong buổi chiều mưa phùn. Mấy trung tâm thương mại quy mô lớn tôi đã từng vào đó tám chuyện với dân đánh hàng buôn bây giờ cửa tôn sập xuống tứ phía. Các khu chợ lớn không bóng người. Đặc biệt là chợ đêm sặc mùi biên ải dưới chân cầu Ka Long, nơi thương lái và cửu vạn hay ngồi uống rượu khuya ở đó không còn dấu tích của sự tồn tại. Chỉ còn màu nước bàng bạc, khói sóng như có, như không trong sương mù ẩm ướt.
Trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam – Trung Quốc đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đều thực hiện theo phương thức điện tử và phân luồng xanh, vàng, đỏ giống nhau. Hàng hóa nông sản, thủy sản, trái cây của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam theo hồ sơ quy định. Người khai hải quan phải nộp kết quả kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch để được thông quan lô hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc phải được cơ quan Hải quan Trung Quốc cấp xác nhận truy xuất nguồn gốc theo thông lệ quốc tế, ngoài ra có kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thường, xe chở container cũng như bao bì hàng hóa trên xe.
Móng Cái đìu hiu sau 2 năm dịch bệnh, chính xác là sau 23 tháng đại dịch Covid-19 gây hại, cứ bên này biên giới vãn thì bên kia lại tăng và ngược lại. Tình thế khiến hai bên đường biên lúc nào cũng căng thẳng. Và chỉ cần một thời điểm nào đó, những người bán mua hàng hóa qua biên giới lơ là chống dịch, bên kia phát hiện ca nghi nhiễm là đóng cửa biên giới, ngừng nhập hàng, ngừng xuất nhập cảnh. Cửa ngõ biên giới có khi vài giờ trước còn náo nhiệt, lúc sau đã vắng lặng như tờ, chỉ còn lác đác bóng bộ đội biên phòng và nhân viên kiểm dịch canh cửa khẩu. Dòng sông người và hàng hóa lại ngưng chảy. Trung Quốc tuyên bố họ hạn chế người của họ xuất cảnh ra nước ngoài cho đến giữa năm 2022, và như vậy, hàng hóa sẽ lưu thông nhỏ giọt cho đến qua tháng Giêng. Các tour du lịch lữ hành lại hủy mà chưa biết bao giờ nối lại.
Tôi gặp lại Lưu Hà, một người quen cũ vốn nổi tiếng là “chì” trong nghề đánh hàng biên. Ông này thạo từ việc thăm dò thị trường bên kia cần gì, đến xét tới nguồn cung hàng bên này. Tiếp đến là móc nối với chủ hàng, làm thủ tục và xuất hàng nhanh gọn lẹ. Lưu Hà bảo phương thức đánh hàng qua biên mỗi năm một khác. Bây giờ cả thế giới lưu thông hàng hóa bằng logistics (hệ thống vận tải trung gian). Đây là lý do mà thương mại biên mậu vẫn lưu thông mặc dù dịch bệnh cứ hết đợt này lại tới đợt khác uy hiếp. “Tuy nhiên, đó là hàng hóa nhập về, còn dòng xuất đi thì vẫn còn a ma tơ lắm”, Lưu Hà cười khùng khục. Mà có khi, vì lý do chống dịch, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn mới, khử khuẩn ngặt nghèo, cái kế xoay chuyển từ chủ động sang bị động chưa biết chừng. Vì vậy, thời gian xuất hàng kéo dài, dòng sông hàng hóa lại được phen tù đọng, úng thối. Vùng biên như thê lương hơn.
Chừng đã khuya, tôi theo công vụ, đi cùng một phiên tuần tra của bộ đội biên phòng dọc sông biên giới Ka Long vào phiên gác ban đêm. Triền sông sáng tỏ vì hai bên biên giới chia nhau đoạn ngang sông rất hẹp. Phía bên kia cũng im lặng như tờ vì lệnh giới nghiêm. Bên này, lực lượng chống dịch ở các chốt phải đốt thêm lửa chống rét. Kinh nghiệm của họ là mọi thứ hơ nóng đều diệt được virus, chống nhiễm khuẩn. Bên cạnh cồn lỏng để khắp nơi, còn có lửa bập bùng xóa đi giá lạnh và dường như ánh lửa còn chống được lại cả nỗi sợ hãi, khi mà cứ một thời gian trôi qua, Covid-19 lại xuất hiện biến chủng mới.
Toàn bộ người và hàng trong khu vực cửa khẩu luôn phải bảo hộ chống dịch
Một khu cách ly tại Móng Cái (Quảng Ninh)
Lái xe container chở hàng làm thủ tục kiểm dịch để ra vào khu vực cửa khẩu
Thêm nữa, năm nay dường như rét sâu hơn. Vùng biên quạnh hiu và vắng vẻ, lợi nhuận tất thảy đều sụt giảm đi cho nên cái rét càng tê tái hơn. Chưa bao giờ lái buôn lẫn cửu vạn phải ăn cơm hộp qua ngày, chờ sang hàng như bây giờ. Ở Lạng Sơn, giáp Tết mà hàng hóa cũng chỉ qua được cửa khẩu Hữu Nghị, còn Tân Thanh và Chi Ma vẫn ùn ứ. Các đoàn xe tải hàng lại xoay xở chuyển qua Cao Bằng và Quảng Ninh trong lúc chờ đợi nhiều biện pháp khơi thông dòng chảy hàng hóa của cả hai bên, kể cả chờ đợi một phương thức ngoại giao linh diệu nào đó.
Mọi năm, dân thương lái ăn Tết Nguyên đán hết Rằm tháng Giêng mới khai xuân. Cái rằm đầu tiên của năm ăn to là theo lệ của người Trung Quốc, họ cũng thông báo cho bạn hàng rằng ăn xong Rằm tháng Giêng mới mở hàng. Hồi Móng Cái còn hào hoa, lái buôn Trung Quốc ăn Tết truyền thống ngay trong các trung tâm giải trí và thương mại lớn ở Móng Cái. Có những tài phán, tổng tài mang theo gia đình, đánh bạc nguyên tháng, ăn nghỉ trong các khách sạn cao cấp. Họ quan niệm rằng đầu năm xuất hành hướng Nam, tiêu tiền cũng là mang đến may mắn, hanh thông. Covid-19 đã khóa chân họ khiến sự kích thích tiêu dùng không còn nữa.
Móng Cái như lọt xuống một mùa đông chưa từng có, rét sâu hơn. Nơi mà người ta chỉ có thể chờ đợi đến mùa xuân, những tia nắng ấm có thể khơi lại dòng Ka Long.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ret-sau-nhung-mau-bien-tai-post290301.html