Reuters: Chiến sự Nga-Ukraine kích thích nhu cầu mua sắm vũ khí Mỹ
Chiến sự giữa Nga-Ukraine đã đẩy nhu cầu mua sắm vũ khí, phương tiện quân sự lên mức cấp thiết tại nhiều nước châu Âu.
Vũ khí Ukraine đang dùng để kháng cự Nga thành "hàng hot"
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết, nhiều chính phủ tại châu Âu đang tiếp cận Chính phủ Mỹ và các nhà thầu quốc phòng nước này với danh sách dài các loại vũ khí, phương tiện quân sự như: máy bay không người lái, tên lửa, hệ thống phòng thủ tên lửa...
Đức, đang gần đạt thỏa thuận mua 35 chiến cơ F-35 của Lockheed Martin, nay đã đề nghị mua thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo – Reuters dẫn nguồn tin trên cho hay.
Trong khi đó, Ba Lan đang sốt sắng muốn mua các hệ thống máy bay không người lái tinh vi Reaper từ Mỹ - Reuters dẫn một quan chức Chính phủ Ba Lan cho biết hồi tuần trước.
Ngoài ra, còn nhiều đề nghị khác xuất phát từ các nước ở khu vực Đông Âu, đặc biệt, nhiều đồng minh của Mỹ muốn mua loại vũ khí mà Ukraine đã sử dụng để kháng cự thành công trước sức mạnh quân sự áp đảo của Nga – hai nguồn thạo tin cho biết.
Hai loại vũ khí được quan tâm nhiều là hệ thống tên lửa chống máy bay Stinger và hệ thống tên lửa chống tăng Javelin.
Theo hãng tin Reuters, hiện nay, các nước ở châu Âu đều tăng cường ngân sách quốc phòng trước viễn cảnh an ninh khu vực ngày càng bất ổn.
Đã có Đức, Thụy Điển và Đan Mạch là ba trong số nhiều quốc gia tuyên bố sẽ tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.
Tuần trước, chia sẻ sau một cuộc điều trần tại quốc hội, bà Mara Karlin – Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho biết, các đồng minh tại châu Âu đang chi mạnh vào quốc phòng.
Một nguồn tin cho hay, tại Mỹ, các hợp đồng mua sắm vũ khí giữa các nhà thầu quốc phòng với chính phủ nước ngoài đều cần Chính phủ, Quốc hội Mỹ thông qua nên Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc sẽ phải tổ chức các cuộc họp hàng tuần với Nhóm quản lý khủng hoảng châu Âu để đánh giá từng yêu cầu cụ thể liên quan tới tình hình hiện nay tại Ukraine.
Thông thường, với mỗi một đơn hàng mua sắm trang thiết bị quân sự, bên mua thường mất vài năm đề cân nhắc nhu cầu và phía bán như Mỹ cũng phải mất tới hàng năm để đàm phán, cấp phép, đánh giá.
Mỹ đẩy nhanh tốc độ sản xuất và bán vũ khí
Để chính phủ tăng tốc độ thông qua hợp đồng mua sắm và chuyển giao vũ khí của các nhà thầu quốc phòng, Lầu Năm Góc đã tái thiết lập một đội phản ứng với nhu cầu mua sắm kể trên, theo hãng tin Reuters.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Lầu Năm Góc đang tìm cách để hỗ trợ nhu cầu của Ukraine, nhanh chóng bổ sung kho dự trữ của Mỹ đồng thời lấp đầy kho dự trữ vũ khí đã cạn kiệt của đồng minh cùng đối tác”.
Dự báo doanh số tất cả các mặt hàng vũ khí sẽ tăng cao kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine nổ ra đã giúp cổ phiếu của Lockheed tăng 8,3% còn Raytheon tăng 3,9%.
Theo người này, Lầu Năm Góc đang phối hợp với các nhà thầu để giảm thiểu chậm trễ trong chuỗi cung ứng và đẩy nhanh tiến độ sản xuất.
Vũ khí Javelin do Tập đoàn Lockheed Martin và Raytheon Technologies liên doanh sản xuất còn hệ thống Stinger do Raytheon sản xuất.
Giám đốc điều hành Raytheon – Tom Laliberty cho biết, công ty này nhận thấy, nhu cầu tích trữ Javelin và Stinger rất cao.
Tuy nhiên, bất cứ sự chuyển dịch mua sắm vũ khí, tìm kiếm nguồn cung từ Mỹ đều có thể kích động phản ứng từ ngành công nghiệp vốn phân mảnh tại châu Âu.
Người đứng đầu hãng sản xuất máy bay quân sự Dassault Aviation (Pháp) từng chỉ trích Berlin khi nước này quyết định đặt mua chiến cơ F-35 của Mỹ và cho rằng động thái này có thể làm suy yếu sự ủng hộ Berlin đối với các dự án hợp tác chung như chiến cơ FCAS giữa Pháp và Đức.
Hiện tại người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức chưa đưa ra bình luận.