Reuters: Washington cân nhắc kế hoạch cải tổ WHO, đưa người Mỹ lên nắm quyền
Chính quyền Tổng thống Donald Trump Mỹ đang xem xét kế hoạch cải tổ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bao gồm việc đưa một người Mỹ giữ chức Tổng giám đốc, nhằm duy trì tư cách thành viên của Mỹ ở WHO.
WHO bị chỉ trích “hoạt động hỗn loạn và kém hiệu quả nhất”
Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin cho hay, tài liệu đề xuất kế hoạch nói trên do một chuyên gia chính sách biên soạn theo yêu cầu của đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump, đã được chia sẻ với các cố vấn của ông Trump trước khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 20/1.
Tài liệu đánh giá WHO đã trở thành “cơ quan hỗn loạn và kém hiệu quả nhất trong hệ thống Liên Hợp Quốc”. Cụ thể, WHO đã không thực hiện các cải cách được đề xuất trong hai thập kỷ qua dẫn đến sự yếu kém trong quản lý và nghiên cứu khoa học.
Dù thừa nhận việc rời khỏi WHO có thể gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ nhưng tài liệu nhận định việc duy trì tư cách thành viên mà không thực hiện được những cải cách cần thiết cũng sẽ gây hại không kém.
Chính vì thế, tài liệu khuyến nghị chính quyền Mỹ nên nhanh chóng tuyên bố rút khỏi WHO đồng thời áp dụng một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với tổ chức này bao gồm việc bổ nhiệm một quan chức Mỹ đảm nhận vai trò Tổng giám đốc WHO sau khi ông Tedros Ghebreyesus kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027.
Đáp lại, Giám đốc Chuyển đổi WHO Søren Brostrøm đã lên tiếng bác bỏ những chỉ trích từ tài liệu nói trên và nhấn mạnh, WHO đã thực hiện những cải cách sâu rộng nhất từ trước đến nay dưới thời Tổng giám đốc Tedros.
“Chúng tôi đã thực hiện cải tổ sâu rộng và vẫn đang tiếp tục tiến trình này”, ông Brostrøm nhấn mạnh đồng thời trích dẫn các động thái nhằm tăng tính độc lập tài chính của WHO bằng cách cải cách mô hình tài trợ, trao thêm quyền tự chủ cho các Giám đốc quốc gia bên ngoài trụ sở chính, đồng thời tăng cường minh bạch trong chi tiêu.
Dù thừa nhận công việc của WHO có thể phức tạp hơn so với các cơ quan Liên Hợp Quốc khác do phạm vi hoạt động rộng, ông Brostrøm khẳng định phản ứng của WHO đối với các cuộc khủng hoảng y tế là không hề hỗn loạn.
“Nếu các quốc gia thành viên có thêm yêu cầu về cải cách, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện”, ông Brostrøm nói thêm.
Thúc đẩy khả năng đưa người Mỹ lên lãnh đạo WHO
Ngoài đề xuất cải tổ sâu rộng WHO, bản tài liệu nói trên còn đề cập đến việc bổ nhiệm một đặc phái viên Mỹ phụ trách việc giám sát các cuộc đàm phán với WHO về những cải cách tiềm năng trước khi Mỹ rời khỏi tổ chức vào năm 2026 sau đó trực tiếp báo cáo lên Tổng thống Trump và Nhà Trắng.
Hiện tại, việc điều phối hoạt động hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ Mỹ và WHO do Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đảm nhiệm. Nếu được bổ nhiệm, đặc phái viên Mỹ sẽ giúp thúc đẩy việc đưa một quan chức Mỹ lên làm Tổng giám đốc WHO, điều chưa từng xảy ra trước đây.
“Không có lý do gì mà điều này không thể xảy ra. Việc thiếu sự lãnh đạo của Mỹ tại WHO là một yếu tố quan trọng dẫn đến lãng phí nguồn tài trợ của Mỹ và sự suy giảm hiệu quả hoạt động của tổ chức này”, tài liệu nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Brostrøm thông tin bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có thể đề cử một ứng viên cho chức vụ Tổng Giám đốc WHO. Hội đồng Điều hành của WHO sẽ chọn ra danh sách rút gọn. Ứng viên nào giành được ít nhất hai phần ba số phiếu bầu từ các quốc gia thành viên sẽ được chọn làm lãnh đạo WHO.
Được biết, sắc lệnh hành pháp về việc Mỹ rút khỏi WHO là một trong những chính sách đầu tiên mà Tổng thống Donald Trump ban hành ngay sau khi ông nhậm chức. Nội dung bản sắc lệnh cáo buộc WHO có cách xử lý sai trong đại dịch COVID-19 và chịu ảnh hưởng quá mức từ các quốc gia khác. WHO đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc nói trên.
Sau đó, ông Trump dường như đã thay đổi quan điểm và đưa ra gợi ý Mỹ có thể quay trở lại WHO nếu tổ chức này được “cải tổ triệt để”. Song, Tổng thống Mỹ lại không cung cấp chi tiết về những yêu cầu cụ thể đối với WHO.
Được biết, đã có 43 nghị sĩ Mỹ lên tiếng kêu gọi Tổng thống Donald Trump xem xét lại kế hoạch rút khỏi WHO vì lợi ích sức khỏe của người Mỹ và toàn thế giới. Bên cạnh đó, các nhà hoạt động y tế công cộng cũng đang tìm cách ngăn chặn quyết định này, trong đó có tính đến khả năng khởi kiện pháp lý.
“Mỹ nên ở lại WHO và thúc đẩy cải cách từ bên trong. Điều này sẽ mang lại lợi cho cả Mỹ và thế giới”, Giáo sư Lawrence Gostin, Giám đốc Trung tâm Hợp tác WHO về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu, tuyên bố.
Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đóng góp khoảng 18% ngân sách hoạt động hàng năm của WHO (tương đương 30 triệu USD). Nếu Mỹ rời đi, WHO có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính và buộc phải cắt giảm ngân sách trừ khi có các nhà tài trợ khác bù đắp.
Dù có kế hoạch rút lui khỏi WHO, phái đoàn Mỹ vẫn sẽ tham dự cuộc họp của Hội đồng Điều hành WHO diễn ra từ ngày 3-11/2 tại Geneva, Thụy Sĩ để cùng quyết định việc phân bổ ngân sách và những ưu tiên của WHO.