Review 'Antebellum': Kinh dị nhẹ đô chẳng đủ thấm, kịch bản non nớt lãng phí một ý tưởng tiềm năng
Nếu như ra rạp với tâm thế trông đợi vào một bộ phim kinh dị phản ánh nạn phân biệt chủng tộc có chất lượng xuất sắc như Get Out thì bạn chỉ thỏa mãn được phân nửa thôi.
*Lưu ý, bài viết có tiết lộ nội dung phim
Có thể khẳng định đội ngũ PR của Antebellum đã làm rất tốt trong việc “tung hỏa mù” cho khán giả. Khi nhìn vào tấm poster, chúng ta sẽ bị thu hút ngay bởi dòng giới thiệu “đến từ nhà sản xuất của Get Out và Us” và đinh ninh rằng bộ phim có sự tham gia sản xuất của Jordan Peele. Nhưng bạn ơi đừng tin nó lừa đấy. Antebellum đúng là đến từ nhà sản xuất của Get Out và Us, nhưng tuyệt nhiên đó không phải là Jordan Peele. Sự non nớt trong việc triển khai một ý tưởng tiềm năng đã biến Antebellum trở thành nỗi thất vọng lớn.
Với một đề tài nóng hổi như nạn phân biệt chủng tộc, các nhà làm phim Hollywood đã chứng minh khả năng sáng tạo của mình khi tiếp cấn nó dưới nhiều góc độ khác nhau. Sang đến Antebellum, cặp đôi đạo diễn Gerard Bush và Christopher Renz đã chọn quay về với cách tiếp cận nguyên thủy khi phản ánh thân phận nô lệ của người da đen trong thời kỳ tiền nội chiến Mỹ.
Bộ phim có cách thức mở đầu vô cùng thú vị và ấn tượng. Cú máy one-shot đầu tiên tuy chưa xuất sắc nhưng đã làm tốt trong việc xây dựng bối cảnh và cung cấp thông tin cho khán giả thông qua những chi tiết rất nhỏ. Từ những bộ trang phục, cách ứng xử của mọi người cho tới lá cờ có biểu tượng của Liên minh miền Nam, tất cả đều khiến người xem nhận ngay ra cuộc nội chiến Mỹ.
Với lợi thế đó, Antebellum không mất nhiều thời gian để giới thiệu mà ngay lập tức mô tả một cách trần trụi sự tàn bạo của chế độ nô lệ. Xuyên suốt phim là những màn đánh đập, tra tấn dã man khiến người xem sởn gai ốc. Đặc biệt, đạo diễn rất thích sử dụng hiệu ứng slow-motion và chúng đã phát huy tác dụng triệt để khi kéo dài cảm giác đau đớn và ám ảnh.
Các cảnh quay chậm cũng là lúc khán giả được chứng kiến rõ nhất khả năng nhập vai của dàn cast. Ở vị trí trung tâm của phim là nữ diễn viên Janelle Monaé trong vai diễn giả nổi tiếng Veronica Henley (sau này bị bắt làm nô lệ và lấy tên là Eden). Dù với hai thân phận khác nhau cô vẫn toát lên được khí chất mạnh mẽ, để rồi khi những kìm nén được giải phóng ở cuối phim, Janelle đã lột tả được nét điên loạn cần có ở nhân vật.
Tuy nhiên, diễn xuất tốt không có nghĩa là nhân vật tốt. Ở Antebellum, nhân vật còn trở thành một trong rất nhiều điểm yếu bởi không có ai thực sự tạo được dấu ấn. Hầu hết họ xuất hiện như với tư cách quần chúng, ít có tác động tới tâm lý nhân vật chính cũng như nội dung.
Thậm chí vai trò phản diện trong phim còn tệ hơn thế rất nhiều. Họ không có động cơ, không có tí khôn ngoan hay mưu mẹo nào mà chỉ hành động như bản năng. Có một vài nhân vật xuất hiện dù không phải phản diện chính, nhưng hành động của họ lại cho thấy sự phân biệt đối xử với người da màu. Điều này chắc chắn sẽ gây ra hiểu nhầm tại hại, khiến khán giả nhìn nhận họ là người xấu bởi vì họ là người da trắng trong một bộ phim lên án nạn phân biệt chủng tộc. Rõ ràng đây là cách nhìn nhận quy chụp và phiến diện.
Sở hữu một ý tưởng độc đáo nhưng dường như Antebellum lại làm khó hai vị đạo diễn trong việc triển khai, bởi vì không chỉ nhân vật mà vài tình tiết cũng xuất hiện không mục đích, như để lấp đủ quãng thời gian của phim điện ảnh. Bên cạnh đó các phân đoạn cũng thiếu tính liên kết khiến phim luôn trong trạng thái lủng củng, nửa vời, chưa thể chạm tới ngưỡng kinh dị hay giật gân như mong đợi
Vớt vát lại một chút ấn tượng của người xem có lẽ là ở cách kể chuyện “lừa tình”. Antebellum cố tình xây dựng hai mạch truyện với hai bối cảnh khác nhau nhằm đánh lừa chúng ta rằng nó diễn ra ở hai dòng thời gian khác nhau. Ý đồ này có thể thấy rõ khi đạo diễn có sự so sánh nhân vật Veronica trước và sau khi trở thành nô lệ. Nhưng khi các chi tiết ẩn dần được hé mở, khán giả sẽ có cái nhìn tổng quát nhất về những gì diễn ra từ đầu đến giờ và đây cũng là đem lại điều bất ngờ ở cuối phim.