Review 'The devil all the time': Phim tâm lý – tội phạm đen tối và ám ảnh cực độ, nhưng kịch bản lan man thách thức kiên nhẫn người xem
The devil all the time đã rất thành công trong việc vẽ nên một bức tranh đầy đau thương xuất phát từ thói sùng đạo, nhưng phim vẫn gây tiếc nuối vì cách truyền tải lan man và hướng xử lý thiếu tinh tế.
*Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim.
Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Donald Ray Pollock xuất bản năm 2011, The devill all the time xoay quanh một nhóm nhân vật với những biến cố và bí mật khác nhau, trong đó vị trí trung tâm thuộc về cậu bé mồ côi Arvin Russell. Nhiều năm sau cái chết của bố mẹ mình, cậu tiếp tục phải đấu tranh với những tội ác của hiện tại và quá khứ để đòi lại công bằng cho những người mình yêu thương.
Là tác phẩm mang phong cách slow-burn, hiển nhiên là The devil all the time có nhịp phim vô cùng chậm rãi. Nó dẫn dắt người xem đi qua từng biến cố, xây dựng được những câu chuyện nền chất lượng và đủ chiều sâu, đồng thời khéo léo giới thiệu dàn nhân vật. Tuy nhiên tác dụng phụ của nó là dễ khiến khán giả rơi vào cảm giác nhàm chán khi kịch bản không có đủ cao trào để níu giữ cảm xúc.
Có lẽ “lan man” là từ mô tả khá chính xác về diễn biến của The devil all the time. Đạo diễn Antonio Campos đã quá cẩn thận khi dành tận 45 phút đầu tiên để set up, móc nối các sự kiện, ràng buộc một cách máy móc các tuyến câu chuyện với nhau mặc cho mối liên kết giữa chúng vô cùng lỏng lẻo. Đã vậy phim lại còn thích đi sâu kể lể những chuyện vặt vãnh xung quanh dù nhiều chi tiết không thực sự cần thiết và hoàn toàn có thể loại bỏ.
Nhưng bù lại, với lợi thế của một phim slow-burn, The devil all the time đã khai thác tối đa khả năng diễn xuất của dàn cast. Thật khó để nhận xét được ai nhập vai tốt hơn ai bởi mỗi người dù chính hay phụ đều có những phân cảnh tỏa sáng, đem lại những tầng tâm trạng từ ám ảnh cho tới xúc động cho người xem.
Điểm ấn tượng nhất trong màn thể hiện của các diễn viên chắc chắn là phần ngữ điệu (accent). Tom Holland, Bill Skargard, Robert Pattinson, Harry Melling đều khiến người xem phải bất ngờ vì giọng đọc thoại quá ư là ấn tượng đến mức quên luôn giọng thật của họ. Những phân đoạn giảng đạo của Pattinson hay Melling mới thực sự là xuất sắc khi kết hợp giữa biểu cảm gương mặt lạnh tanh lẫn chất giọng như bị bóp nghẹt càng làm tăng mức độ ám ảnh.
Tuy vậy mảng nhân vật của The devil all the time vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Diễn biến phim trải dài qua nhiều mốc thời gian với rất nhiều nhóm người được liên kết với nhau theo cách không ngờ tới. Nếu đứng riêng thì họ có sức nặng trong câu chuyện của chính họ, nhưng khi đặt vào tổng thể bộ phim thì lại trở nên lạc lõng, thậm chí là thiếu chặt chẽ với nhân vật khác. Chính điều này đã khiến đoạn cao trào ở cuối phim diễn ra quá chóng vánh và thiếu cảm xúc.
Lan man và lỏng lẻo là vậy, nhưng không thể phủ nhận lớp ý nghĩa mà The devil all the time mang lại. Bộ phim được ví như một tấn bi kịch, với rất nhiều nỗi đau truyền từ thế hệ này sang thế khác mà tất cả đều bắt nguồn từ thói sùng đạo. Niềm tin mù quáng vào Chúa đã đẩy nhiều thân phận đến cảnh đời bất hạnh, thậm chí có những kẻ lợi dụng đức tin để biện minh cho tội ác man rợ của mình. Thế nhưng người dân ở trong The devil all the time dành trọn niềm tin vào Chúa, vào những vị linh mục cũng là bởi cuộc sống của họ quá bế tắc, không biết phải bấu víu vào đâu để tìm thấy động lực sống. Ngay cả thị trấn nhỏ nơi diễn ra bộ phim cũng mang dáng vẻ u buồn, ảm đạm với những con người đang vật vờ sống qua ngày như những bóng ma chẳng rõ mục đích.
Tô điểm thêm cho cái chất hoang dại, ma mị của bộ phim chính là kỹ thuật xử lý âm thanh tinh tế. The devil all the time sử dụng những bản nhạc mang âm hưởng dân gian càng làm tôn lên bầu không khí căng não, ám ảnh. Bên cạnh đó là một vài khoảng lặng giúp vừa giúp đặc tả vào khả năng diễn xuất, vừa đẩy xúc cảm của người xem lên cao.
Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/review-phim-the-devil-all-the-time-20200918131414170.html