Rỉ ối nhưng sản phụ vẫn nghĩ chưa thể sinh, đuổi chồng về nhà
Giờ nghĩ lại, mẹ bỉm sữa 27 tuổi này vẫn còn thấy bản thân quá liều.
Mặc dù đã sinh con đầu lòng được 3,5 tháng nhưng Lê Như Quỳnh, 27 tuổi ở thành phố Nam Định vẫn nhớ như in về hành trình mang bầu, sinh con và nuôi con ở cữ của mình.
Bà mẹ trẻ này cho biết, khi có tin bầu bí, cả hai vợ chồng Quỳnh đều bất ngờ dù trước đó rất mong có con. Tuy nhiên, cả hai lại rất lo lắng vì đều lần đầu được làm bố mẹ. Chính vì thế sau khi thử que lên 2 vạch là vợ chồng Quỳnh khóc vì quá vui mừng. Họ gọi cho người thân hai bên để chia sẻ niềm vui và hôm sau thì đưa nhau đi thăm khám.
4 tháng đầu thai kỳ Quỳnh mang bầu rất vất vả vì ăn gì cũng nôn và gần như sợ ăn tất cả mọi thứ: “Em ăn gì cũng chỉ muốn nôn nên mấy tháng đầu bị giảm 3kg. Qua tháng thứ 4 bắt đầu mới hết nghén, thời điểm này ăn uống được nên tăng cân đều”.
Suốt cả thai kỳ, như nhiều mẹ bầu khác Quỳnh ăn uống không quá kiêng khem, chỉ kiêng những gì được bác sĩ và bố mẹ, ông bà dặn. Còn lại cô vẫn ăn uống bình thường, vẫn làm việc đều đến tuần thứ 38 mới nghỉ làm online tại nhà. Có lẽ do cả thai kỳ ăn uống và làm việc điều độ, Quỳnh tăng được 10-11kg, lúc sinh bé được 3,7kg.
Làm online 2 tuần, mặc dù thai kỳ bước vào tuần thứ 40 nhưng vẫn chưa thấy có dấu hiệu chuyển dạ nên vợ chồng Quỳnh lại sốt ruột đi viện kiểm tra. Tại đây bác sĩ đưa ra cho thai phụ 2 phương án: 1 là vào viện nằm theo dõi chờ sinh, 2 là về nhà vì cũng phải 2-3 ngày nữa mới sinh.
“Do nhà gần viện nên em xin phép về tự theo dõi. Đúng 3 ngày sau thì em bị rỉ một chút ối nhưng chưa đau bụng dồn dập nên sáng sớm em vào viện khám. Chồng em sốt ruột dậy từ 5h sáng bắt vợ đi ăn sáng rồi đi đẻ. Nhưng em thì cứ lững thững bảo từ từ, ăn xong còn đòi đi gội đầu, bắt chồng đèo quanh nhà tìm quán gội đầu. Cuối cùng không tìm được quán nào mở vào sáng sớm, lại sợ vợ đang gội đầu đau đẻ nên chồng chở thẳng em vào viện mà chưa kịp mang theo đồ đạc gì”, Quỳnh nhớ lại.
Khi vào viện, thai phụ này bắt đầu có dấu hiệu bị gò và đau nhiều hơn nên gọi bố mẹ chồng xách đồ vào viện. Thời điểm nước sôi lửa bỏng ấy mà Quỳnh vẫn cứ đuổi chồng về bán hàng, lúc nào đau đẻ thì cô gọi. Giờ nghĩ lại, Quỳnh vẫn thấy bản thân quá liều vì không nghĩ sẽ sinh sau đó.
“Đến trưa, các cơn gò cứ nhiều và đau tăng lên. Mẹ chồng ở bên liên tục xoa lưng cho con dâu còn em thì cứ cố gắng vừa đi lại cho dễ đẻ vừa khóc. Sau đó em xin tiêm giảm đau và nằm đến chiều thì bắt đầu vào phòng sinh. 40 phút sau em bé đã chào đời”, Quỳnh nhớ lại.
Sau sinh, mặc dù có mẹ chồng phụ chăm 2 mẹ con nhưng sản phụ này vẫn bị ít sữa, thiếu sữa cho con bú khiến cho cô rất mệt mỏi: “Em tìm hiểu khắp nơi, uống các loại lợi sữa, ngũ cốc mà không thấy sữa nhiều hơn. Vì thế em càng stress, cộng với thức đêm hút sữa cho bé nên không được ngủ dù mỗi lần hút được rất ít. Bởi vậy con phải bú thêm sữa công thức nhiều”.
Nguyên nhân khiến những ngày đầu Quỳnh bị ít sữa sau sinh là do lần đầu làm mẹ, chưa có kinh nghiệm lại chưa quen nếp sinh hoạt khi có bé nên cô bị căng thẳng. Dần dần nghe lời khuyên từ các chị, sản phụ này cố gắng ăn ngủ nghỉ hợp lý, tâm lý thoải mái thì sữa về nhiều hơn.
“Em ở cữ cùng gia đình chồng nên được ông bà nội của cháu quan tâm và chăm chuyện ăn uống lắm. Ông bà lại tâm lý nên cho con dâu ăn đa dạng các món ăn. Chỉ có chồng em lần đầu làm bố nhiều bỡ ngỡ nhưng ông bà và vợ bảo gì anh cũng nghe theo”, mẹ bỉm sữa này kể lại.
Từ khi sinh con đến nay, dù con mới chỉ 3,5 tháng nhưng đã biết khá nhiều trò, biết lật người, xem tranh và nói chuyện với ông bà bố mẹ, mẹ bỉm sữa Nam Định này rất hạnh phúc. Với Quỳnh, có con như có thêm một thiên thần nhỏ, một người bạn, một nguồn lực lớn để mẹ trẻ 27 tuổi nỗ lực cố gắng, tiến xa hơn trong công việc dù còn khá nhiều bỡ ngỡ trong việc chăm bé, dù mọi lịch trình, giờ giấc sinh hoạt của người mẹ này đã buộc phải thay đổi nhiều.