Rõ cơ chế nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ
Nhấn mạnh cơ chế thí điểm theo dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất là nội dung rất mới, đại biểu Quốc hội đề nghị, cần làm rõ cơ chế xử lý trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện dự án không theo đúng tiến độ.
Góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân
Thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu) sáng 13.11 về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết), các đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
ĐBQH Đỗ Văn Yên (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, Nghị quyết nhằm giải quyết nguồn lực đất đai về phát triển nhà ở thương mại, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở thương mại cho người dân, giảm bớt khó khăn về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cũng như chi phí doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Điều 2 dự thảo Nghị quyết về điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất quy định: "Tổ chức kinh doanh bất động sản thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất quy định tại Nghị quyết này được chuyển mục đích sử dụng đối với một hoặc các loại đất gồm đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp không phải đất ở; đất ở và đất khác trong cùng thửa đất đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất".
Trong khi đó, Điều 127 Luật Đất đai 2024 quy định: “Đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì chỉ được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở”.
Theo đại biểu Đỗ Văn Yên, dự thảo Nghị quyết đưa ra loại đất rất rộng, chưa phù hợp với Luật Đất đai. Do vậy, Chính phủ cần có đánh giá tác động, xem có tình trạng lợi dụng chính sách để thu gom đất nông nghiệp không? Liệu có hợp thức hóa các sai phạm không? Trên cơ sở đó sẽ đưa ra quy định chặt chẽ, hợp lý, hiệu quả hơn.
Cũng theo đại biểu, đã là thí điểm thì nên ở góc độ thực hiện gọn hơn. Theo đó, cần tập trung thực hiện ở những tỉnh, thành phố đang rất cần thiết về nhu cầu nhà ở của người dân, không nên mở rộng ở phạm vi toàn quốc.
Bổ sung cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát
Tại khoản 3, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định: “Đối với diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở thì ưu tiên giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thực hiện dự án nhà ở thương mại để ưu tiên bán, cho thuê, cho thuê mua đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang; phần diện tích nhà, đất còn lại (nếu có) được bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng khách hàng khác có nhu cầu theo quy định của pháp luật”.
Đồng tình với quy định này, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị nên bổ sung quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được thông qua danh mục đối với diện tích đất quốc phòng, an ninh được thực hiện dự án nhà ở thương mại. Điều này sẽ giúp hai bộ rà soát được diện tích đất quốc phòng, an ninh, đồng thời phù hợp với nội dung của Nghị quyết, khi tại khoản 2, Điều 3 quy định “UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua danh mục khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm đồng thời với việc thông qua danh mục, công trình, dự án thu hồi đất theo quy định tại khoản 5 Điều 72 của Luật Đất đai”.
Ngoài ra, đại biểu Đỗ Văn Yên nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, là giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự thủ tục thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất.
Theo ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng), dự thảo Nghị quyết liên quan rất nhiều luật đã được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…) và cả những dự thảo Luật đang được sửa đổi tại Kỳ họp lần này (Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch…). Do vậy, cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.
Cũng theo đại biểu, đây là Nghị quyết thí điểm nên cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng cần được quan tâm để bảo đảm triển khai hiệu quả.
Nhấn mạnh cơ chế thí điểm là nội dung rất mới, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cần có nghiên cứu, tính toán đến một số nội dung, như thời gian thực hiện thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất và việc giải quyết trường hợp thỏa thuận kéo dài.
Theo dự thảo Nghị quyết, “sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực, tổ chức kinh doanh bất động sản đang thực hiện dự án thí điểm theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc dự án”.
“Vậy trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện dự án không theo đúng tiến độ, không kết thúc dự án theo tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì cơ chế xử lý hay hậu quả pháp lý thế nào?”, đại biểu đặt vấn đề, đồng thời đề nghị Chính phủ có nghiên cứu, bổ sung thêm quy định có liên quan.