Rộ lên 'phao cứu sinh' giúp doanh nghiệp giảm thuế quan khi xuất khẩu vào Mỹ
Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng một quy định có từ nhiều thập kỷ trước, thường được gọi là 'quy tắc bán hàng đầu tiên', để giảm chi phi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ...

Ảnh minh họa: Getty Images
Theo luật hải quan Mỹ, quy tắc bán hàng đầu tiên cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu nước này sử dụng mức giá đầu tiên của nhà sản xuất - mức giá trước khi được bán qua các kênh trung gian - để tính thuế nhập khẩu.
Ví dụ, một nhà sản xuất Trung Quốc bán áo phông cho một nhà cung cấp ở Hồng Kông với giá 5 USD. Nhà cung cấp Hồng Kông này xuất khẩu áo phông đó cho một nhà bán lẻ Mỹ với giá 10 USD. Nhà bán lẻ Mỹ sau đó bán chiếc áo phông cho khách hàng với giá 40 USD.
Theo quy định bán hàng đầu tiên, nhà bán lẻ Mỹ có thể trả thuế nhập khẩu trên mức giá 5 USD đầu tiên của chiếc áo phông, thay vì mức giá 10 USD của nhà cung cấp Hồng Kông, từ đó loại bỏ được chi phí liên quan tới lợi nhuận của nhà cung cấp trung gian.
“Quy định này cho phép doanh nghiệp sử dụng mức giá bán đầu tiên từ nhà máy, trước khi đến tay nhà cung cấp, để xác định mức thuế quan cuối cùng”, ông Brian Gleicher, luật sư cấp cao tại công ty luật Miller & Chevalier Chartered, chia sẻ với hãng tin CNBC.
Quy định bán hàng đầu tiên được đưa ra từ năm 1988 nhưng được chú ý trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Gần đây, chính sách này nhận được quan tâm trở lại khi chính sách thuế quan mạnh tay trên diện rộng của chính quyền Trump nhiệm kỳ thứ hai đang gây ra nhiều xáo trộn.
“Khi nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump áp thuế quan 25% với hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018, đó là thời điểm chúng tôi bắt đầu nhận được các cuộc gọi yêu cầu tư vấn từ khách hàng. Giờ đây với chính sách thuế quan mới, quy định bán hàng đầu tiên lại được nhắc tới”, ông Sid Paruthi, làm việc tại công ty tư vấn Moss Adams của Mỹ, chia sẻ. “Quy định này đã có từ rất lâu nhưng mọi người đang bắt đầu quan tâm tìm hiểu nhiều hơn”.
Doanh nghiệp Mỹ phải đáp ứng một số tiêu chí để được áp dụng quy định này.
Thứ nhất là chứng minh được có ít nhất 2 giao dịch bán hàng liên quan, một giao dịch của nhà sản xuất ở nước ngoài và một hoặc nhiều giao dịch của các bên trung gian.
Thứ hai, các giao dịch phải được thực hiện bởi các bên độc lập và hoàn toàn không liên quan tới nhau.
Thứ ba, tại thời điểm bán hàng đầu tiên, hàng hóa phải được xác định rõ là để xuất khẩu sang Mỹ.
Cuối cùng, cần có chứng từ về mức giá của giao dịch bán hàng đầu tiên.
Với một số công ty, việc này nói dễ hơn làm. Thông thường, mức thuế quan mặc định mà hải quan Mỹ áp dụng được tính dựa trên mức giá nhập khẩu của hàng hóa. Doanh nghiệp nhập khẩu không dễ để chứng minh mức giá bán đầu tiên của hàng hóa đó. Bởi lẽ, không phải nhà cung cấp nào cũng sẵn sàng tiết lộ thông tin này.
“Nếu bạn là công ty nhập khẩu, bạn cần phải có thông tin về mức giá bán đầu tiên đó. Nhưng nhà cung cấp của bạn có thể không muốn cung cấp thông tin này”, ông Gleicher cho biết.
Theo ông Rich Taylor, nhà tư vấn phát triển kinh doanh doanh nghiệp tại Ninh Ba, Trung Quốc, để làm được điều này, tất cả các bên phải có một mức độ tin tưởng nhất định bởi vì sẽ có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đây là việc đáng để cân nhắc nếu xét tới khả năng có thể giảm được chi phí thuế quan.
“Bạn là một nhà cung cấp đang muốn giữ khách hàng và muốn thể hiện cho khách hàng rằng bạn đang cố gắng hết sức để giảm chi phí cho họ”, ông Taylor, người đã tư vấn nhiều công ty thuộc nhóm Fortune 500 về quy định bán hàng đầu tiên kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nói. “Nếu bạn không tận dụng quy định trên, chi phí đầu cuối sẽ tăng lên. Và nếu đối thủ của bạn làm vậy, thì bạn có thể sẽ mất khách hàng vào tay đối thủ”.
Theo tìm hiểu của CNBC, nhiều công ty đang tìm hiểu để tận dụng quy định này khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Quy định bán hàng đầu tiên được áp dụng rộng rãi với nhiều sản phẩm và ngành công nghiệp, nhưng được xem là một công cụ đặc biệt hữu ích đối với các mặt hàng xa xỉ và giá trị cao.
Tháng trước, thương hiệu xa xỉ Italy Moncler cho biết quy định bán hàng đầu tiên đã mang lại “lợi ích đáng kể” về chi phí cho công ty.
“Tất nhiên, giá bán đầu tiên, mức giá từ nhà máy, thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ. Giá này chỉ bằng khoảng 50% mức giá bán của các công ty trung gian. Do đó, quy định bán hàng đầu tiên mang lại lợi ích rất lớn”, ông Luciano Santel, giám đốc điều hành của Moncler nói với các nhà đầu tư trong cuộc gọi công bố kế quả kinh doanh hôm 16/4.
Đầu tháng này, công ty công nghệ sinh học Kuros Biosciences của Thụy Sĩ cho biết đang điều chỉnh quy trình vận hành để áp dụng quy định trên khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Các công ty sản xuất Traeger của Mỹ và Fictiv của Ấn Độ gần đây cũng nhận xét rằng quy định bán hàng đầu tiên là một công cụ giảm thiểu chi phí và nghĩa vụ thuế quan cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp sử dụng quy định này để giảm thuế quan có thể cản trở nỗ lực tăng thu từ thuế quan và thúc đẩy sản xuất trong nước của ông Trump. Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.